Toyota chốt địa điểm xây nhà máy pin xe điện 1,3 tỷ USD ở Mỹ

Điệp Vũ
Động thái này đưa Toyota gia nhập cuộc đua giữa các hãng xe về đẩy nhanh nỗ lực điện hoá sản phẩm cho phù hợp với cuộc dịch chuyển của ngành từ động cơ đốt trong sang động cơ điện...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Hãng sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota Motor Corp. sẽ khởi công xây dựng nhà máy pin xe điện đầu tiên của hãng tại một khu đất siêu lớn ở bang North Carolina.

Động thái này đưa Toyota gia nhập cuộc đua giữa các hãng xe về đẩy nhanh nỗ lực điện hoá sản phẩm cho phù hợp với cuộc dịch chuyển của ngành từ động cơ đốt trong sang động cơ điện.

Theo tin từ Bloomberg, Toyota sẽ đầu tư 1,29 tỷ USD vào nhà máy sản xuất pin xe điện này. Theo dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2025 – công ty cho biết ngày 6/12. Đây là tuyên bố mới nhất trong loạt tuyên bố mà các hãng xe lớn đưa ra trong những tháng gần đây nhằm tăng năng lực sản xuất pin xe, đón đầu làn sóng ô tô điện đang nổi lên trên toàn cầu.

Đối tác xây dựng và vận hành nhà máy pin xe của Toyota ở Greensboro, North Carolina, là Prime Planet Energy & Solutions, một liên doanh thuộc công ty điện tử Panasonic Corp..

Hồi tháng 10, Toyota cam kết đầu tư 3,4 tỷ USD để sản xuất pin ô tô điện ở Mỹ trong thập kỷ tới. Đó là một phần trong chiến lược của hãng về đầu tư 1,5 nghìn tỷ Yên, tương đương 13,3 tỷ USD, vào lĩnh vực phát triển và sản xuất pin xe trên toàn cầu trong thời gian từ nay đến năm 2030.

Trong những tháng gần đây, Toyota tích cực đẩy nhanh việc điện hoá dòng sản phẩm. Tuần trước, hãng tuyên bố sẵn sàng đến năm 2035 chỉ bán các sản phẩm ô tô không gây ô nhiễm tại thị trường châu Âu, phù hợp với chính sách bảo vệ môi trường của Liên minh châu Âu (EU). Toyota bị đánh giá là chậm chạp trong cuộc đua công nghiệp ô tô điện ở Mỹ, nhưng trong năm nay, hãng cũng đã công bố kế hoạch xe điện cho thị trường này.

Dù vậy, Toyota vẫn đưa ra dự báo về nhu cầu cao hơn tại thị trường Mỹ đối với các mẫu xe hybrid (xe có cả động cơ điện và động cơ xăng) trong thập kỷ tới. Hãng dự báo đến năm 2030, xe hybrid sẽ chiếm hơn một nửa số xe Toyota được bán ở Mỹ. Trong khi đó, xe điện và xe chạy nhiên liệu hydrogen, hai loại xe có mức phát thải carbon bằng 0, dự kiến sẽ chiếm khoảng 15% doanh số - hãng nhận định.

Nỗ lực phát triển xe điện của Toyota diễn ra trong bối cảnh các đối thủ đưa ra các cam kết mạnh mẽ về điện hoá sản phẩm và xây dựng hạ tầng sản xuất pin xe. Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi ngành công nghiệp ô tô phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối thập kỷ này một nửa số ô tô được bán ở Mỹ là xe không gây ô nhiễm.

Hồi tháng 9, hãng xe Mỹ Ford Motor Co. và đối tác Hàn Quốc SK Innovation Co. tuyên bố sẽ chi 11,4 tỷ USD xây dựng một nhà máy lắp ráp ô tô điện và bộ ba nhà máy sản xuất pin xe điện ở Tennessee và Kentucky.

Hãng Stellantis – công ty ra đời khi sáp nhập hai hãng xe Fiat Chrysler và PSA – đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy pin ở Mỹ cùng đối tác Hàn Quốc Samsung SDI Co.. Hãng General Motors Co..

(GM) – nhà sản xuất dự kiến đến năm 2025 sẽ đưa ra được 30 mẫu xe điện mới trên thị trường toàn cầu – cho biết sẽ cùng đối tác Hàn Quốc LG Chem tại các nhà máy ở Ohio và Tennessee, cùng hai địa điểm khác chưa được công bố.

Nhà máy pin của Toyota sẽ là đơn vị thuê đất lớn nhất trong khu công nghiệp Greensboro-Randolph Mega. Khu công nghiệp này có diện tích 1.825 acre, tương đương hơn 730 hectare, ở miền Trung bang North Carolina, là một khu đã được quy hoạch để phát triển công nghiệp nặng. Nhà máy này dự kiến sẽ tạo ra 1.750 công việc và sản xuất đủ pin ion lithium cho khoảng 800.000 ô tô điện mỗi năm trên 4 dây chuyền sản xuất – Toyota cho hay.

Hãng dự kiến sẽ nâng số dây chuyền sản xuất pin xe tại nhà máy này lên 6, để đáp ứng cho 1,2 triệu xe mỗi năm, nhưng chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể.

Trong đạo luật ngân sách vừa được Thống đốc Roy Cooper của North Carolina ký vào tháng trước, bang này hỗ trợ 135 triệu USD cho nhà đầu tư tới mở nhà máy ở Greensbro. Những nhà đầu tư rót từ 3 triệu USD trở lên và tạo từ 3.875 công việc sẽ được hỗ trợ thêm 185 triệu USD.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.