Toyota đầu tư 13,6 tỷ USD xây nhà máy sản xuất pin xe điện

Đức Anh
Toyota, nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu đạt doanh số 8 triệu xe điện và xe lai vào năm 2030...
Mẫu xe điện bản ý tưởng Toyota BZ4X - Ảnh: Reuters
Mẫu xe điện bản ý tưởng Toyota BZ4X - Ảnh: Reuters

Nhà sản xuất ôtô Nhật Bản Toyota Motor ngày 7/9 cho biết sẽ đầu tư 1.500 tỷ Yên (13,6 tỷ USD) để sản xuất pin sử dụng cho xe điện và xe điện từ nay đến năm 2030, nhưng không tiết lộ chi tiết kế hoạch hay địa điểm xây nhà máy mới.

Theo Nikkei Asia, khoản đầu tư này có thể được rót vào các thị trường lớn của Toyota, bao gồm Trung Quốc và Mỹ. Tại Nhật, công ty này đang có kế hoạch mở rộng sản xuất thông qua một liên doanh với Panasonic.

Công bố trên nằm trong chiến lược trọng tâm của Toyota nhằm mở rộng dòng sản phẩm từ xe lai điện – kết hợp giữa động cơ điện và động cơ xăng – sang các dòng xe chạy hoàn toàn bằng điện. Trước đó, Toyota là công ty đi tiên phong trên thị trường về xe lai điện với dòng xe Prius.

Vào tháng 5, hãng xe Nhật công bố mục tiêu đạt doanh số 8 triệu xe điện và xe lai vào năm 2030. Mục tiêu này bao gồm 2 triệu xe điện và xe điện chạy bằng pin nhiên liệu. Theo khu vực, Toyota đặt mục tiêu xe điện hoặc xe điện chạy bằng pin nhiên liệu chiếm 40% doanh số của công ty tại châu Âu, 15% tại Bắc Mỹ và 10% ở Nhật.

Toyota đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% chi phí pin với việc sử dụng nguyên liệu tái chế và nghiên cứu cấu trúc pin.

“Sau đó, với dòng xe điện, chúng tôi hướng tới cải thiện mức tiêu thụ điện năng - chỉ số đánh giá lượng điện sử dụng trên mỗi km, bắt đầu từ mẫu Toyota bZ4X”, Giám đốc Công nghệ Masahiko Maeda của Toyota cho biết, đề cập tới mẫu xe SUV nhỏ gọn sắp ra mắt của hãng.

Toyota hiện cũng là công ty đi tiên phong trong việc phát triển và tiến tới sản xuất hàng loạt pin xe điện thể rắn - sản phẩm có thể thay đổi cuộc chơi trên thị trường xe điện nhờ có mật độ năng lượng cao hơn, sạc nhanh hơn và ít bắt lửa hơn. Nếu được phát triển thành công, pin này có thể thay thế pin lithium-ion thể lỏng hiện nay.

Dù Toyota vẫn phải vật lộn với tình trạng tuổi thọ pin ngắn, ông Maeda cho biết công ty kiên định với mục tiêu bắt đầu sản xuất pin điện thể rắn vào giữa thập kỷ này. 

"Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm những vật liệu tốt nhất để sử dụng", ông cho biết. 

Trước đó, nỗ lực sản xuất hàng loạt loại pin này của Toyota vấp phải trở ngại lớn bởi chi phí sản xuất đắt đỏ và pin bị nứt do giãn nở trong quá trình sử dụng. Toyota trước đó dự kiến dùng pin điện thể rắn cho các dòng xe lai điện như Prius. 

Tại Triển lãm Công nghiệp Ôtô quốc tế Thượng Hải hồi tháng 4, Toyota cho biết tới năm 2025 sẽ ra mắt 15 mẫu xe điện mới, trong đó có một mẫu hợp tác phát triển với Tập đoàn Subaru và dự kiến trình làng vào năm 2022. Công bố này là tín hiệu đầu tiên cho thấy dự định phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường của nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới (theo doanh số).

Dự kiến, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, đầu tư cho pin xe điện của Toyota sẽ là khoảng 160 tỷ Yên (1,45 tỷ USD), tăng gấp đôi so với năm trước đó. Công ty này cũng đang mở rộng hoạt động của công ty con sản xuất pin xe điện Prime Planet Energy & Solutions tại tỉnh Hyogo, Nhật Bản và thành phố Đại Liên, Trung Quốc. Bên cạnh đó, Primearth EV Energy, liên doanh sản xuất pin xe điện của Toyota và Panasonic, cũng đang dự kiến tăng sản lượng sản xuất tại các nhà máy ở tỉnh Miyagi, Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, Volkswagen, nhà sản xuất ôtô lớn thứ hai thế giới, ngày 7/9 cũng cho biết có thể sẽ phải đầu tư nhiều hơn để thực hiện kế hoạch chuyển đổi như dự kiến sang xe điện và xe tự lái. Nhà sản xuất ôtô Đức liên tục nhấn mạnh sẽ quyết định số tiền tư cho quá trình chuyển đổi này dựa trên dòng tiền hiện tại. Trước đó, Volkswagen công bố kế hoạch đầu tư 150 tỷ Euro (178 tỷ USD) tới năm 2025 để phát triển xe điện và xe tự lái.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.