Toyota đầu tư phát triển xe bay

Kim Tuyến
Toyota quyết định đầu tư 40 triệu Yên cho dự án xe bay do một số nhân viên trẻ của hãng phát triển
Nhân viên Toyota với mẫu thử nghiệm xe bay - Ảnh: Nikkei.<br>
Nhân viên Toyota với mẫu thử nghiệm xe bay - Ảnh: Nikkei.<br>
Theo tờ Nikkei, Toyota Motor quyết định đầu tư cho một dự án xe bay do một nhóm nhân viên trẻ của hãng phát triển.

Xe bay - loại xe sẽ cất và hạ cánh theo chiều thẳng đứng - là chủ đề nhận được quan tâm lớn trong giới công nghệ thời gian gần đây với sự tham gia của loạt công ty khởi nghiệp Mỹ và một hãng sản xuất máy bay. Hãng xe lớn thứ hai thế giới Toyota quyết định sẽ không đứng ngoài xu hướng này, Nikkei cho biết.

Theo đó, Toyota sẽ đầu tư vào dự án có tên Cartivator. Bắt đầu từ năm 2012 khi trưởng dự án Tsubasa Nakamura giành chiến thắng trong một cuộc thi, Cartivator có sự tham gia của các nhân viên trẻ tại Toyota - những người dành thời gian rảnh để làm việc tại đây.

Dự án này cũng nhận được sự giúp đỡ Masafumi Miwa - chuyên gia máy bay tự lái, giáo sư Đại học Tokushima và Taizo Son - nhà sáng lập hãng game trực tuyến GungHo Online Entertainment.

Toyota thống nhất sẽ đầu tư 40 triệu Yên (352.982 USD) cho Cartivator. Trước đó, dự án này hoạt động chủ yếu dựa vào gọi vốn qua mạng và một số nguồn tài chính khác.

Cartivator dự kiến hoàn thành mẫu thử nghiệm và bay thử vào cuối năm 2018. Nhóm này đang phát triển công nghệ kiểm soát hệ thống cánh quạt cho phép giữ thăng bằng xe. Cartivator kỳ vọng sẽ thương mại hóa xe bay vào năm 2020, khi Tokyo đăng cải Thế vận hội Olympics.

Trước Toyota, nhiều hãng công nghệ lớn cũng đã nhập cuộc đua phát triển xe bay. Công ty khởi nghiệp do tỷ phú Larry Page - nhà đồng sáng lập Google – phát triển cũng kỳ vọng sẽ sớm thương mại hóa hoạt động của xe bay.

Hãng chế tạo máy bay Airbus cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm xe bay trong năm 2017. Còn Uber Technologies cũng gây chú ý với ý tưởng gọi xe qua ứng dụng với dịch vụ taxi bay.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa những tham vọng trên, có nhiều vấn đề các hãng này cần phải quan tâm như an toàn, quy định pháp luật, hệ thống cấp bằng lái… Dù vậy, khi ngày càng có nhiều công ty lớn như Toyota gia nhập cuộc thì hành lang pháp lý cho xe bay được kỳ vọng sẽ sớm ra đời để bắt kịp xu thế, tờ Nikkei nhận định.

Trước khi đầu tư vào Cartivator, Toyota cũng đã rót vốn cho nhiều nhiều start-up công nghệ. Năm ngoái, hãng này thành lập trung tâm phát triển và nghiên cứu tại Mỹ để phát triển trí thông minh nhân tạo. Tuần trước, Toyota công bố kế hoạch đầu tư gần 1,05 nghìn tỷ Yên cho hoạt động này trong năm 2017.

“Mọi thứ sẽ mãi dậm chân tại chỗ nếu bạn cứ chờ đợi và chỉ mở ví khi công nghệ đã sẵn sàng”, Nikkei dẫn lời Chủ tịch Toyota Takeshi Uchiyamada, cho biết.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.