Trung Quốc lập liên minh với Fiat, chào mua Opel

Mai Phương
Trung Quốc thành lập liên doanh 400 triệu Euro với Fiat và bỏ giá 660 triệu Euro để hỏi mua thương hiệu Opel
Logo của Opel. Cuối tuần trước, hãng sản xuất ôtô quốc doanh Beijing Automotive Industry Holding của Trung Quốc đã bỏ giá 660 triệu Euro, tương đương 922,5 triệu USD để mua lại Opel.
Logo của Opel. Cuối tuần trước, hãng sản xuất ôtô quốc doanh Beijing Automotive Industry Holding của Trung Quốc đã bỏ giá 660 triệu Euro, tương đương 922,5 triệu USD để mua lại Opel.
Ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc vừa có những bước tiến mới, với việc thành lập một liên minh với hãng xe Fiat của Italy và chào mua thương hiệu Opel tại châu Âu của hãng xe Mỹ General Motors (GM).

Trong ngày đầu tuần hôm qua (6/6), hãng xe quốc doanh Guangzhou Automobile Group của Trung Quốc đã đạt thỏa thuận thành lập một liên doanh trị giá 400 triệu Euro (tương đương 556 triệu USD) với hãng xe Fiat của Italy.

Tỷ lệ góp vốn của hai bên trong vụ này là 50-50. Theo kế hoạch, liên doanh này sẽ xây dựng một nhà máy trên diện tích 70 hecta tại Changsha, Hồ Nam. Nhà máy này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2011, sản xuất xe và động cơ cho thị trường Trung Quốc. Dự kiến, công suất ban đầu của nhà máy này sẽ là 140.000 xe và 220.000 động cơ mỗi năm, sau tăng lên 250.000 xe và 300.000 động cơ mỗi năm.

Đây được xem là bước đi mới nhất của Fiat trong nỗ lực vươn mình thành một hãng xe toàn cầu, sau khi đạt thỏa thuận sáp nhập với hãng xe phá sản Chrysler của Mỹ. Trước khi đạt thỏa thuận với Guangzhou Automobile, Fiat đã từng liên minh với hai hãng xe khác của Trung Quốc là Nanjing Auto và Chery Automobile Co., nhưng đã chấm dứt những thỏa thuận này vì nhiều lý do.

Việc Fiat tiến vào thị trường Trung Quốc ở thời điểm hiện nay có thể được lý giải bởi sự sôi động trên thị trường ôtô của nước này, trái ngược với tình trạng ảm đạm ở các thị trường phát triển khác trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, tháng 5 vừa qua, nước này đã qua mặt Mỹ để trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới, với 1,1 triệu xe được tiêu thụ trong tháng. Dự kiến, năm nay sẽ có 10,2 triệu xe ô tô được tiêu thụ tại Trung Quốc, so với mức 9,38 triệu xe của năm ngoái. Mức doanh số dự báo cho thị trường ôtô Mỹ năm nay chỉ là 9,7 triệu xe.

Cuối tuần trước, hãng sản xuất ôtô quốc doanh Beijing Automotive Industry Holding của Trung Quốc đã bỏ giá 660 triệu Euro, tương đương 922,5 triệu USD để mua lại Opel. Mức giá mà Beijing Auto đưa ra dựa trên sự tư vấn của một cựu quan chức GM.

Theo một nguồn tin thân cận với GM, hãng xe này đang tỏ ra rất quan tâm tới lời chào mua từ phía Trung Quốc. Đề nghị mua lại Opel của Beijing Auto được đưa ra sau lời chào mua của hãng phụ tùng Magna International của Canada. Trước khi Beijing Auto lên tiếng, GM coi Magna là đối tác tiềm năng nhất, nhưng tới nay tình thế đã thay đổi.

Nguồn tin từ GM cho hay, hãng xe này “rất ấn tượng với mức độ sẵn sàng và sự chuyên nghiệp của Beijing Auto, cũng như khả năng của công ty này trong việc giải quyết vấn đề nhanh chóng”. Cũng theo nguồn tin trên, GM “đang ngày càng hứng thú với khả năng ký kết hợp đồng với Beijing Auto”.

Ưu thế của Beijing Auto trong vụ cạnh tranh mua lại này so với đối thủ Magna là hãng xe Trung Quốc không có kế hoạch đóng cửa nhà máy nào của Opel tại Đức, đồng thời sẽ chỉ xin Chính phủ Đức cấp cho khoản bảo lãnh trị giá 2,64 tỷ Euro, thấp hơn nhiều so với mức 4,5 tỷ Euro mà Magna đề nghị.

(Theo WSJ, Reuters, China Daily)

Tin mới

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các OEM đều đặt mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050, nhưng báo cáo và tiêu chuẩn về lượng khí thải vẫn còn yếu. Áp lực pháp lý sắp tới đối với lượng khí thải sẽ yêu cầu các công ty cải thiện việc báo cáo lượng khí thải và quản lý các chiến lược không phát thải thực tế hơn.