Trung Quốc tiếp tục làn sóng giảm giá ô tô, thị trường Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng?

Nam Nguyễn
Thị trường ô tô Việt trong những năm trở lại đây đang chứng kiến sự xuất hiện của ngày càng nhiều thương hiệu đến từ Trung Quốc. Chỉ riêng năm 2024, thị trường Việt 2024 đã có 7 hãng ô tô mới từ Trung Quốc. Đây là số lượng nhiều nhất từ trước đến nay tính trong một năm. Chính vì vậy cuộc chiến giảm giá của ngành ô tô Trung Quốc có ảnh hưởng đến thị trường như thế nào là một dấu hỏi lớn.

Cuộc chiến giảm giá không hồi kết

Trung Quốc tiếp tục làn sóng giảm giá ô tô, thị trường Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng? - Ảnh 1

Hiện cuộc chiến giá cả của ô tô Trung Quốc đã không chỉ còn dừng ở trong nước mà đã lan ra rộng ra nước ngoài khi hơn chục công ty tìm kiếm thị trường nước ngoài để thúc đẩy doanh số và theo đuổi lợi nhuận cao hơn nhằm bù đắp cho khoản lỗ trong nước.

Tại Đông Nam Á, nơi xe chạy bằng pin ngày càng trở nên phổ biến, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc từ những gã khổng lồ đã thành danh như Build Your Dreams (BYD) và Great Wall Motor cho đến các công ty khởi nghiệp như Hozon New Energy Automobile đang đưa ra các mức giảm giá nhằm cạnh tranh với các đối thủ Nhật Bản, Hàn đang thống trị thị trường.

"Cạnh tranh về giá đang trở nên khốc liệt hơn ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc vì ngày càng nhiều công ty nhận ra rằng biên lợi nhuận cao ở nước ngoài có thể giúp họ ngăn chặn lỗ hoặc cải thiện thu nhập khi hiện tại rất khó để kiếm được lợi nhuận trong nước do cuộc chiến giảm giá", Jacky Chen, tổng giám đốc của Jetour Auto International, một công ty con của tập đoàn sản xuất ô tô nhà nước Chery, cho biết.

Chiến lược giảm giá của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thực tế đã phát huy hiệu quả trong những năm gần đây, khi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc hiện đang chiếm phần lớn thị phần ở Đông Nam Á. Theo dữ liệu do Deloitte Trung Quốc biên soạn, thị phần của họ đã tăng từ 47% vào năm 2021 lên 74% vào năm 2023.

Khi chính phủ Trung Quốc quyết định trợ cấp cho ngành công nghiệp xe điện, họ đã tạo ra một danh sách dài các nhà sản xuất ô tô rất có năng lực. Những nhà sản xuất đó đã chứng minh được khả năng thiết kế và sản xuất xe điện tiên tiến, và danh sách dài các đối thủ cạnh tranh đã nhanh chóng tham gia vào cuộc đua giảm giá để thu hút người tiêu dùng.

Nhưng ngành công nghiệp trong nước, với hơn 100 công ty, hiện đang sa lầy trong tình trạng dư thừa công suất sau sự sụp đổ của một số công ty kém hiệu quả như WM Motor và Human Horizons.

Cuộc chiến giá cả đã làm giảm một số kết quả tài chính, thách thức một số kết quả về khối lượng giao hàng và phần lớn khiến các nhà sản xuất ô tô nước ngoài phải quay lại vạch xuất phát để tìm chiến lược cạnh tranh. Nó cũng khiến các quốc gia như Châu Âu và Mỹ áp dụng mức thuế quan cao đối với xe điện Trung Quốc để giúp bảo vệ thị trường trong nước của họ khỏi bị tràn ngập các lựa chọn giá cả phải chăng hơn từ Trung Quốc.

Cuộc chiến giá xe điện của Trung Quốc đã trở nên tồi tệ đến mức hơn 200 mẫu xe đã giảm giá vào năm 2024, tăng so với 148 mẫu xe vào năm 2023, theo tổng thư ký Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc, Cui Dongshu. Tiến thêm một bước nữa, biên lợi nhuận bán hàng của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã giảm xuống còn 4,4% trong 11 tháng đầu năm 2024, giảm so với mức 5% vào năm 2023 và 6,2% vào năm 2020.

Việc các nhà sản xuất ô tô giảm giá mạnh đã kéo dài trong hai năm qua, bất chấp lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp nhằm chấm dứt cạnh tranh về giá. Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc cho biết các nhà sản xuất đã giảm giá tới 195 mẫu xe - bao gồm xe chạy bằng xăng, xe điện hoàn toàn và xe hybrid từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái, tăng so với 150 mẫu xe vào năm 2023.

Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Trung Quốc tiếp tục làn sóng giảm giá ô tô, thị trường Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng? - Ảnh 2

Tổng số thương hiệu xe Trung Quốc đang hiện diện ở Việt Nam hiện là 13, chưa kể các hãng phân phối nhỏ lẻ. Với số lượng thương hiệu đông đảo tràn vào Việt Nam, xe Trung Quốc đang tạo thành một làn sóng lớn tại thị trường Việt trong 2 năm vừa qua.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2025 vừa qua, cả nước nhập khẩu 7.226 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 163 triệu USD, trong đó đáng chú ý thị trường tăng mạnh nhất là Trung Quốc.

Indonesia dẫn đầu về lượng xe với 2.621 chiếc, kim ngạch đạt 38 triệu USD. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh để vươn lên vị trí thứ 2. Tháng 1 cả nước nhập khẩu 2.595 xe từ Trung Quốc, kim ngạch 72,7 triệu USD, tăng tới 37,66% về lượng và tăng tới 60,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan đứng thứ ba với 1.631 xe, kim ngạch 32,5 triệu USD.

Trước đó, năm 2024, cả thị trường Việt nhập khẩu 173.561 xe, tổng kim ngạch đạt 3,62 tỷ USD, tăng 45,8% về lượng và tăng 27,6% về kim ngạch so với năm 2023. Sau Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc đứng thứ 3 với 31.112 xe, kim ngạch hơn 909 triệu USD.

Đặc biệt, so với Indonesia hay Thái Lan thuộc khối ASEAN, ô tô Trung Quốc khi nhập vào Việt Nam chịu mức thuế nhập khẩu cao. Tùy theo từng mẫu mã mà ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu lên tới 49%. Điều này sẽ là một trở ngại lớn cho các hãng xe Trung Quốc trong việc định giá khi bán tại thị trường Việt.

Bên cạnh đó, tại thị trường Việt, những mẫu xe được đưa về hiện cũng không chỉ còn là các mẫu xe được gắn mác “giá rẻ”, thay vào đó đã lên một tầm mới và tràn ngập nhiều công nghệ như các mẫu xe hạng sang.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến giảm giá trong nước vẫn liên tục diễn ra gây nhiều tranh cãi, các mẫu xe Trung Quốc về Việt Nam cũng khiến người tiêu dùng đặt nhiều dấu hỏi. Trong đó lớn nhất chính là vấn đề giá bán.

Ấn tượng trong mắt nhiều người tiêu dùng Việt, làn sóng xe Trung Quốc những năm trở lại đây đã có nhiều thay đổi với các chiến dịch marketing rất mạnh mẽ. Đặc biệt, mức giá của xe Trung Quốc cũng không hề rẻ so với xe Nhật, Mỹ, Hàn. Tuy nhiên, điểm chung của những mẫu xe Trung Quốc là sau một thời gian ra mắt sẽ được nhà phân phối… âm thầm giảm giá bán hoặc tặng kèm những ưu đãi khuyến mại lớn khiến khách hàng khá “bất ngờ”. Chiến lược này tỏ ra khá hiệu quả khi nhiều hàng có doanh số tốt nhưng cũng đi kèm theo đó là dấu hỏi về giá trị sau mua của một chiếc ô tô và vấn đề đề chất lượng thực sự của sản phẩm.

Tuy nhiên, các mẫu xe Trung Quốc tại thị trường Việt hiện chưa có dấu hiệu giảm giá ồ ạt chạy đua như tại thị trường trong nước. Nguyên nhân có thể có nhiều lý do, nhưng quan trọng hơn cả có lẽ vẫn là các hãng xe Trung Quốc biết khá rõ sự thận trọng của người tiêu dùng Việt khi lựa chọn xe của quốc gia láng giềng.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, cuộc chiến giảm giá của xe Trung Quốc tại thị trường trong nước và các thị trường họ nhắm đến trong khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cũng sẽ khó tránh khỏi nhưng sẽ không ồ ạt như các thị trường khác.

Thị trường Việt có một đặc thù khác vì việc giảm giá quá sâu thực tế sẽ là con dao hai lưỡi. Trong khi lòng tin của khách hàng vẫn chưa chinh phục được thì chỉ các động thái khác như việc chạy đua giảm giá sẽ cần rất thận trọng. Đây là yếu tố “cốt tử” mà các hãng xe Trung Quốc luôn phải tính dè chừng tại Việt Nam khi còn đó các đối thủ từ Nhật, Hàn vẫn là lựa chọn được ưu tiên hơn.

Tin mới

Cú hích cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Cú hích cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Chính phủ vừa chính thức cho phép tiếp tục thực hiện chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến 31/12/2027. Đây được cho là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp Việt có thể an tâm mở rộng quy mô, cải tiến thiết bị trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, ưu đãi cũng là điểm nhấn quan trọng để doanh nghiệp Việt có thêm tinh thần tự cường và động lực tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Doanh số thị trường xe Việt lao dốc đầu năm 2025

Doanh số thị trường xe Việt lao dốc đầu năm 2025

Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 18.893 xe, bao gồm 14.201 xe du lịch; 4.354 xe thương mại và 338 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch giảm 42%; xe thương mại giảm 33%, xe chuyên dụng giảm 40% so với tháng trước.