Vẫn bất đồng vì ôtô

Đức Thọ
“Tôi vẫn chưa hình dung được sẽ tổng hợp và báo cáo những gì lên Chính phủ về việc rà soát lại ngành công nghiệp ôtô”
Quang cảnh cuộc họp bàn về tương lai ngành ôtô Việt Nam.
Quang cảnh cuộc họp bàn về tương lai ngành ôtô Việt Nam.
“Tôi vẫn chưa hình dung được sẽ tổng hợp và báo cáo những gì lên Chính phủ về việc rà soát lại ngành công nghiệp ôtô.”

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào đã phải thừa nhận như vậy sau khi cuộc họp giữa Bộ Công Thương, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cùng đại diện Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải sáng 26/10 kết thúc.

Tiếp tục mâu thuẫn về chính sách

Không hẳn là ở hai thái cực đối ngược song thực tế lâu nay quan điểm về chính sách đối với ngành công nghiệp ôtô giữa Bộ Công Thương (trước là Bộ Công nghiệp) và Bộ Tài chính vẫn luôn có những mâu thuẫn.

Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào tiếp tục duy trì quan điểm bảo hộ cho ngành công nghiệp ôtô. Theo ông Hào, nếu so với các nước có ngành công nghiệp ôtô phát triển thì quãng thời gian hơn 10 năm của công nghiệp ôtô Việt Nam chưa phải là dài, chưa phải là đủ chứ không nói là quá ngắn. Bởi lẽ, sản xuất ôtô là một ngành đặc thù, không phải cứ đầu tư nhiều tiền là có thể làm được ngay.

Bên cạnh đó, ông Hào cho rằng những ý kiến nhận định chiến lược và quy hoạch công nghiệp ôtô của bộ thiếu thực tế và hiện đã lỗi thời là không xác đáng. “Quy hoạch xác định đến năm 2020 công nghiệp ôtô sẽ là ngành quan trọng trong nền kinh tế. Bây giờ mới là năm 2007 thì làm sao nói là thất bại?”, ông bức xúc.

Nói về chính sách (thuế) của Bộ Tài chính đối với công nghiệp ôtô, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào bày tỏ quan điểm, bản quy hoạch chiến lược phát triển công nghiệp ôtô được xây dựng không chỉ trên quan điểm của riêng bộ mà còn có sự tham gia của cả các bộ, ngành khác, trong đó có Bộ Tài chính. Và chính sách của Bộ Tài chính cũng là để phục vụ cho chiến lược đó. Thế nhưng, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục vẫn tiếp tục “làm khó” công nghiệp ôtô.

Cùng quan điểm với Bộ Công Thương chính là các nhà sản xuất ôtô. Đại diện hầu hết các hãng xe đều cho rằng Bộ Tài chính không nên liên tục điều chỉnh thuế suất mà lại chỉ đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc để tạo sức ép lên ôtô nội địa.

“Chiến lược của Bộ Công Thương được xây dựng rất công phu, sát với thực tế nhưng hiện nay thực sự không phù hợp với bối cảnh hội nhập. Nhưng ta đàm phán WTO để có lộ trình, vậy tại sao Bộ Tài chính lại phá vỡ lộ trình đó?”, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) Nguyễn Thanh Giang tỏ ra rất bức xúc đối với việc Bộ Tài chính hai lần liên tục giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc.

Các hãng ôtô thì cụ thể hơn khi giãi bày khó khăn vấp phải khi chính sách thuế liên tục thay đổi. Lý do là trong khi để điều chỉnh sản xuất hay chính sách bán hàng, các doanh nghiệp thường phải mất ít nhất nửa năm để thực hiện song thuế lại thay đổi quá nhanh khiến họ trở tay không kịp.

Ở dòng quan điểm trái ngược, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Hà Huy Tuấn, phân tích: Không thể nói rằng thuế đang làm khó công nghiệp ôtô vì còn rất nhiều chính sách khác cùng điều chỉnh. Về bề nổi, động tác giảm thuế của Bộ Tài chính là nhằm góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá chóng mặt thời gian qua. Nhưng về vĩ mô, cần phải hiểu làm gì cũng có sự đánh đổi. “Câu chuyện này cũng tùy theo cách nhìn. Trên thực tế, để có những bước tiến hành thì Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương và gặp các doanh nghiệp ôtô”, ông Tuấn cho biết.

Đồng quan điểm với Bộ Tài chính là Bộ Giao thông Vận tải mà đại diện là Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Chu Mạnh Hùng.

“Tôi rất đồng tình với chính sách của Bộ Tài chính vì bộ cũng đã nghiên cứu kỹ để có những chính sách đó. Theo tôi được biết thì đến nay trừ Toyota đang thực hiện (gần) được lời hứa khi xin cấp phép đầu tư. Còn các nhà sản xuất khác thì hầu hết chỉ là lắp ráp. Dường như chỉ chờ khấu hao xong là thôi. Bản chất của doanh nghiệp là lợi nhuận nên nếu lắp ráp lãi nhanh thì làm”, ông Hùng phát biểu.

Doanh nghiệp phản ứng gay gắt

Dường như quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc xuống mức 60% vừa qua của Bộ Tài chính đã khiến các nhà sản xuất ôtô trong nước “giận dỗi”.

TS. Udo Loersch, Chủ tịch VAMA đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Mercedes-Benz Việt Nam (MBV), đã mở màn cho những bức xúc của các hãng xe trong nước bằng câu chuyện lựa chọn giữa đầu tư sản xuất và… buôn xe. Theo ông Loersch, lẽ ra chính sách phải tốt để kêu gọi các nhà sản xuất phụ tùng tham gia, các hãng đầu tư sản xuất xe thì chính sách thuế vừa rồi của Bộ Tài chính đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp sẽ không khó khăn gì để xin phép nhập khẩu ôtô. Thậm chí cứ đà này có thể VAMA nên đổi tên thành hiệp hội của các công ty ôtô mà trong đó hoạt động nhập khẩu và phân phối sẽ là mảng hoạt động quan trọng”, TS. Loersch nói.

Dựa trên quan điểm của riêng MBV, TS. Loersch tiếp tục bức xúc: “Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu lại việc sản xuất trong nước. Nếu chính sách không thay đổi tích cực thì có lẽ không chỉ chúng tôi mà cả các công ty khác cũng sẽ phải có quyết định riêng”.

Nếu để ý kỹ, có thể thấy rằng MBV chính là liên doanh duy nhất trong VAMA đáp ứng yêu cầu của Bộ Tài chính khi đã 2 lần giảm giá bán xe của mình. Đồng thời, hiện MBV cũng đang tiếp tục bảo vệ mong muốn đầu tư tại Việt Nam trước tập đoàn Mercedes-Benz Đức.

Đại diện Vidamco, Vinastar, Toyota, Honda và Vinaxuki… cũng đều đồng tình với quan điểm trên của MBV và cho rằng giảm thuế phải có lộ trình và không chỉ giảm thuế đối với xe nguyên chiếc mà còn phải cả với thuế linh kiện, phụ tùng bởi đó chính là yếu tố tác động trực tiếp lên giá bán xe.

* Cần có một ủy ban riêng về ôtô

Theo Giám đốc Tài chính và Truyền thông của Công ty Honda Việt Nam, ông Atsushi Kikuchi, công nghiệp ôtô là ngành quan trọng nhưng khá phức tạp, liên quan đến nhiều chính sách, nhiều ngành kinh tế khác dẫn đến sự khó thống nhất. Do đó, rất cần phải có một ủy ban riêng về ngành ôtô trong đó bao gồm đại diện các bộ ngành liên quan như Công Thương, Tài chính, Giao thông Vận tải… và cả các nhà sản xuất. Có như vậy quan điểm giữa các bên mới được chia sẻ, những quyết định đối với ngành ôtô mới thống nhất. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay, rất khó để ngành công nghiệp ôtô phát triển.

Tin mới

#Auto Hashtag: Những nhầm tưởng tai hại về xe Hybrid của người tiêu dùng

#Auto Hashtag: Những nhầm tưởng tai hại về xe Hybrid của người tiêu dùng

Cuộc cách mạng “xanh” hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải dường như đang chia thành hai nhánh phát triển có tính khả thi nhất hiện nay, một là xe thuần điện, hai là xe Hybrid. Trong giai đoạn đầu, đa số các hãng ô tô đều tâm niệm rằng xe thuần điện mới là “chân ái” và họ bước vào một cuộc chạy đua đầy cam go, khốc liệt. Nhiều người từng cho rằng, xe Hybrid chỉ là giải pháp chuyển giao và sẽ sớm bị quên lãng. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, một số hãng ô tô lại bắt đầu “bẻ lái” sang tập trung phát triển xe Hybrid, khiến cuộc so kè giữa hai dòng xe này đang ngày càng trở nên cân bằng.
Chiến thuật chia rẽ EU của Trung Quốc

Chiến thuật chia rẽ EU của Trung Quốc

Mặc dù sử dụng nhiều phương án hoạt động vận động hành lang nhằm chia rẽ các nước trong khối EU để chặn thuế quan EV mới nhưng EU vẫn áp mức thuế rất cao. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã sẵn sàng tìm phương án để làm suy yếu EU.
Những lưu ý cần biết khi sử dụng tài khoản giao thông

Những lưu ý cần biết khi sử dụng tài khoản giao thông

Tài khoản giao thông là tài khoản mở cho chủ phương tiện giao thông đường bộ và kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng.