Vì sao chi phí đào tạo, sát hạch lái xe ô tô tại Việt Nam ngày càng tăng?

Lê Vũ
Chi phí “trọn gói” cho hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô tô đã tăng gần gấp 3 lần so với 10 năm trước đây. Đại diện trung tâm đào tạo lái xe cho rằng, có ba nguyên nhân chủ yếu, đó là nhiều quy định mới, khấu hao máy móc và đặc biệt là “vật giá leo thang”.
Thời gian đào tạo lái xe ngày càng dài, có thiết bị giám sát DAT. Ảnh minh họa: Internet
Thời gian đào tạo lái xe ngày càng dài, có thiết bị giám sát DAT.

Năm 2014, anh Nguyễn Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) hoàn thành kỳ thi sát hạch lái xe ô tô hạng B2 với tổng chi phí cả học và thi khoảng 10 triệu đồng. “Chi phí này đã bao gồm cả học phí, xăng xe, đi lại, thầy dạy kèm, thuê sân tập và các loại lệ phí. Riêng học phí khoảng 4 triệu đồng. Khi học thực hành, chúng tôi chia nhóm 4 học viên ngồi chung một xe để tiết giảm chi phí. Với các chị em tay lái yếu, học lâu hơn thì tốn thêm chi phí kèm cặp vài buổi nữa là có thể ghép sân được rồi”, anh Phú nói.

Cùng quan điểm, anh Hồ Tuấn Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây 10 năm, chi phí đào tạo, sát hạch lái xe ô tô hạng B1, B2 không biến động nhiều. Tổng chi phí giữa các trung tâm đào tạo có chênh nhau 1-2 triệu đồng là do học viên lựa chọn gói đào tạo cơ bản hoặc “trọn gói”, hoặc do xe tập lái mới và “xịn” hơn.

“Thời điểm đó, chuyện đảm bảo số giờ học thực hành là hoàn toàn có thể “châm trước” được. Nếu ai tiếp thu nhanh hoặc đã biết lái từ trước thì chỉ cần một vài buổi là đã đủ điều kiện thi sát hạch. Sau đó, mỗi người trả thêm 200.000 đồng để ghép sân máy gắn chip trước ngày thi chính thức. Nhưng bây giờ thì, học vừa khó hơn, tốn thời gian hơn, cũng tốn nhiều tiền hơn rất nhiều”, anh Dũng cho biết.

Theo Nghị định 138/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô, trung tâm sát hạch lái xe phải thực hiện trang bị thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên trước ngày 01/1/2022. Thiết bị này có 6 chức năng cơ bản bao gồm: hiển thị thông tin và thông báo các trạng thái hoạt động của thiết bị; ghi nhận thay đổi người dạy & học viên; xác thực người học lái xe bằng camera; thể hiện cảnh báo bằng đèn hoặc màn hình hiển thị; ghi - lưu trữ dữ liệu và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý.

Đây là căn cứ pháp lý buộc các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải chấp hành nghiêm quy định về thời gian học thực hành của học viên và cũng là một trong những nguyên nhân đẩy chi phí đào tạo lái xe ô tô tăng mạnh kể từ sau Đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/1/2023, theo quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, người thi bằng lái ô tô bắt buộc phải học lái xe trên cabin điện tử với thời lượng đủ 3 giờ, nếu không sẽ không đủ điều kiện thi sát hạch.

Ông Nguyễn Hồng Quang, giáo viên một trung tâm đào tạo lái xe ở Hà Nội cho biết, tính riêng chi phí mua một chiếc cabin nhập khẩu đã khoảng 500 triệu đồng. Thông thường, mỗi trung tâm phải đầu tư ít nhất 2-3 cabin, nhiều thì 6-10 cabin điện tử để phục vụ nhu cầu của học viên.

Bảng chi phí
Bảng chi phí "bất ngờ" của một trung tầm đào tạo lái xe hạng B1, B2 năm 2024.

“Hiện tại, trung tâm có thể mua được cabin sản xuất, lắp ráp trong nước với chi phí chỉ bằng một nửa mỗi chiếc, nhưng cũng không thể đầu tư quá nhiều. Do số lượng cabin có hạn nên chúng tôi phải chia thành nhiều ca học trong ngày. Thậm chí, nhiều học viên còn bị căng thẳng, không chịu được áp lực khi tập trên cabin nên cũng phải chia 3 giờ học ra nhiều lần. Điều này đã khiến thời gian đào tạo cũng kéo dài hơn so với trước đây và dĩ nhiên chi phí đào tạo cũng phải đội lên để trừ khấu hao máy móc”, ông Quang chia sẻ.

Ông Quang cũng cho biết thêm, từ năm 2022 đến nay, lệ phí sát hạch, lệ phí cấp GPLX đều tăng lên, bên cạnh đó là giá điện, nước, xăng, dầu cùng tăng, dẫn đến tổng chi phí đào tạo, sát hạch lái xe, phổ biến là hạng B1, B2 và C đều tăng khá mạnh. Bên cạnh đó, trung tâm cũng phải bổ sung phần hướng dẫn học và làm bài thi mô phỏng tình huống giao thông trên lớp và ở nhà. Đây cũng là một mảng nội dung khó đối với nhiều học viên. Thậm chí, phần mềm mô phỏng cũng phải liên tục cập nhật, thay đổi cho phù hợp với thực tế.

Theo khảo sát của phóng viên AutoNews, một số cơ sở đào tạo ô tô vừa đưa ra bảng chi phí đào tạo năm 2024. Trong đó, tổng số giờ đào tạo bằng B1 là 51 giờ, bằng B2 là 59 giờ, bằng C là 65 giờ. Chi phí “trọn gói” từ học lý thuyết đến khi được cấp GPLX tương ứng từ 29.800.000 - 31.800.000 đồng đối với bằng B1, 29.800.000 - 32.800.000 đồng đối với bằng B2, 33.800.000 đồng đối với bằng C. Cá biệt, một trung tâm đào tạo lái xe ở Hải Dương đưa mức giá lên tới 37 triệu đồng đối với bằng B1, B2. 

Như vậy, tổng chi phí để sở hữu GPLX trong trường hợp thi đỗ ngay lần đầu tiên đã tương đương hơn 4 tháng thu nhập trung bình tại thành phố và gấp 3 lần so với thời điểm năm 2014.

Tin mới

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua quá trình chuyển đổi triệt để và công nghệ blockchain có tiềm năng mang lại hiệu quả và tăng cường tạo ra giá trị trên toàn bộ ngành, từ sản xuất ô tô đường trường tại nhà máy đến siêu xe thể thao cao cấp.