Vì sao chi phí sở hữu ô tô ở Singapore đắt đỏ?

Bảo Bình
Để sở hữu một chiếc ô tô tại Singapore, người dân sẽ phải đóng rất nhiều khoản thuế, phí. Hệ thống thuế, phí này nhằm hạn chế người dân sở hữu ô tô, do các điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế ở Singapore.

Chi phí sở hữu ô tô ở Singapore thuộc hàng đắt nhất thế giới. Mới đây, phiên đấu thầu chi phí sở hữu quyền mua ô tô ở Singapore đã lên đến con số cao kỷ lục là gần 100.000 đô la Singapore.

Giá xe hơi trung bình ở Singapore

Vào năm 2019, chi phí trung bình của một chiếc xe cỡ nhỏ là khoảng 100.000 đô la Singapore. Con số này dựa trên mức giá của một số mẫu sedan cỡ nhỏ bán chạy hàng đầu tại Singapore như Toyota Corolla Altis (phiên bản Elegance), Honda Civic 1.6 và Mazda3.

Bạn sẽ phải trả khoảng từ 90.000 đô la Singapore đến 110.000 đô la Singapore cho một chiếc SUV cỡ nhỏ / crossover tầm trung ở thị trường Singapore. Mức giá này đã giảm 23% kể từ năm 2010.

Trong khi đó, chi phí của một chiếc sedan hạng sang cỡ lớn sẽ là khoảng 278.192 đô la Singapore. Mức chi phí này được tính dựa trên giá bán của các mẫu xe Mercedes-Benz E-Class, BMW 5 series và Audi A6. Không giống như các loại ô tô khác ở Singapore, giá trung bình của loại ô tô hạng sang không hề giảm mà trên thực tế đã tăng 20% ​​kể từ năm 2010.

Giá ô tô Singapore đắt nhất thế giới

Theo Khảo sát về Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu năm 2019 do Economist Intelligence Unit (EIU) thực hiện, Singapore vẫn là nơi đắt nhất trên thế giới khi nói về việc mua và “nuôi” một chiếc ô tô. 

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá xe ô tô

Cơ sở hạ tầng đường sá của Singapore

Mua và bảo dưỡng một chiếc xe ô tô ở Singapore là một điều xa xỉ đắt tiền do không gian đường có hạn. Singapore có tổng diện tích đất là 721,5 km vuông. Phần đất liền của Singapore có chiều dài 50 km từ đông sang tây và 27 km từ bắc xuống nam. Dân số Singapore đang tăng lên và hiện ở mức 5.815.008 người vào năm 2019.

Không có gì ngạc nhiên khi mật độ đường phố của Singapore cao hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác. Có 493,5 km đường trên mỗi 100km2, cao hơn gần 50 lần so với nước Úc dân cư thưa thớt. Vào năm 2019, đường bộ chiếm 12% diện tích đất của Singapore, so với 14% cho nhà ở.

Số lượng phương tiện trên một km đường cũng cao hơn nhiều ở Singapore với 278 phương tiện trên một km vuông, khoảng 14 lần con số của Úc. 

Trong năm 2018, khoảng 9.405 km làn đường đã được trải nhựa, tăng từ 9.293 km / km vào năm 2017. Việc xây dựng thêm nhiều tuyến đường không phải là giải pháp đền vững, đặc biệt với những hạn chế về đất đai của Singapore. Do đó, chính phủ đã lựa chọn áp dụng các biện pháp kiểm soát quyền sở hữu phương tiện để duy trì số lượng phương tiện ở mức khả thi với cơ sở hạ tầng đường bộ cũng như kế hoạch phát triển giao thông công cộng và hệ thống quản lý giao thông.

Dân số Singapore

Singapore là nơi có mật độ dân số cao thứ ba thế giới với 7.804 người trên một km vuông, xếp sau Macau ở vị trí thứ nhất và Monaco ở vị trí thứ 2. Đây là số liệu báo cáo năm 2019 của World Atlas.

Các biện pháp kiểm soát quyền sở hữu phương tiện

Do quy mô nhỏ và mật độ đô thị cao, Singapore phải điều tiết số lượng phương tiện đông đúc trên các tuyến đường để tình trạng tắc nghẽn, quá tải giao thông nặng nề.

Hệ thống hạn ngạch phương tiện

Năm 1990, Singapore thiết lập Hệ thống hạn ngạch phương tiện (VQS) để giải quyết vấn đề này. VQS áp dụng hạn ngạch số lượng phương tiện tối đa có thể được sử dụng tại Singapore vào bất kỳ thời điểm nào. Hạn ngạch được điều chỉnh ba tháng một lần.

Ví dụ, tốc độ tăng trưởng đã giảm từ 3% xuống 1,5% từ tháng 5 năm 2009 đến tháng 7 năm 2012, do đó tỷ lệ tăng trưởng phương tiện hàng năm tiếp tục giảm xuống 1% vào tháng 8 năm 2012 và giảm xuống còn 0,5% từ tháng 2/2013 đến tháng 1/2015. Từ tháng 2/2015, tốc độ tăng trưởng phương tiện hàng năm một lần nữa giảm một nửa xuống còn 0,25%. Vào năm 2018, giới hạn tăng trưởng mới đã được cắt giảm xuống 0 đối với tất cả xe ô tô chở khách cá nhân và xe máy.

VQS được thực thi thông qua việc phân phối có kiểm soát nguồn cung cấp Giấy chứng nhận Quyền lợi (Certificate of Entitlement - COE). Có thể hiểu COE chính là giấy chứng nhận quyền sở hữu xe mới.

Certificate of Entitlement là gì?

Certificate of Entitlement (COE) là công cụ được sử dụng để kiểm soát lượng ô tô của Singapore. Hiện tại người mua ô tô (hoặc đại lý thay mặt cho người mua ô tô) phải tham gia đấu thầu trong các phiên đấu thầu được tổ chức rộng rãi hai lần một tháng.

Số lượng COE hiện có do VQS xác định và được công bố trước mỗi đợt đấu thầu.

Certificate of Entitlement cho phép đăng ký, sở hữu và sử dụng một chiếc xe tại Singapore trong thời hạn 10 năm. Trước khi mua ô tô, trước tiên cần phải có COE. Đây không phải là vấn đề dễ dàng, vì mỗi lần đấu thầu chỉ cấp một số lượng COE giới hạn. Và vì COE chỉ có giá trị trong 10 năm, bạn sẽ phải trả tiền để gia hạn thêm 5 hoặc 10 năm nữa nếu muốn tiếp tục sử dụng xe của mình, hoặc hủy đăng ký và chiếc xe có thể trở thành phế liệu.

Việc phải có COE để đăng ký và sở hữu một chiếc ô tô còn giúp đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu ô tô ở Singapore. Vì nhu cầu sở hữu COE lớn hơn rất nhiều so với cung, nên việc mua hoặc gia hạn COE rất tốn kém.

Tóm lại, nếu cơ quan chức năng giảm hạn ngạch COE hiện có, giá tổng thể của COE sẽ tăng lên.

Vì sao chi phí sở hữu ô tô ở Singapore đắt đỏ? - Ảnh 1

Các loại thuế khác ảnh hưởng đến giá ô tô

Ngoài COE, người dân ở Singapore còn phải chịu các loại thuế sở hữu phương tiện khác. Những loại thuế này cũng giúp đảm bảo lượng xe lưu thông trên đường phố ở mức vừa phải, đó là Phí đăng ký, Phí đăng ký bổ sung, Phí đăng ký bổ sung ưu đãi, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế đường bộ và Thuế đặc biệt.

Phí đăng ký

Phí trước bạ được thu khi đăng ký xe. Nó bao gồm các chi phí đăng ký xe ở Singapore.

Phí đăng ký bổ sung

Phí Đăng ký Bổ sung (ARF) là một loại thuế được áp dụng khi đăng ký xe. Nó được tính toán dựa trên phần trăm Giá trị thị trường mở (OMV) của chiếc xe.

Phí đăng ký bổ sung ưu đãi

Quyền lợi Phí đăng ký bổ sung ưu đãi (PARF) được cấp cho những chủ phương tiện hủy đăng ký xe thông qua chương trình phế liệu hoặc xuất khẩu trước khi xe đạt 10 tuổi (áp dụng một số điều kiện). Chính sách này đảm bảo những ô tô lưu thông trên đường phố đều là các mẫu xe đời tương đối mới và đủ đường phố để giao thông lưu thông thuận lợi.

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế do Hải quan Singapore áp đặt và thu. Giống như ARF, thuế này cũng được tính dựa trên phần trăm OMV của xe.

Thuế đường bộ

Tất cả các chủ phương tiện phải có thuế đường bộ hợp lệ cho phương tiện của họ trước khi những phương tiện này có thể được sử dụng trên đường.

Hầu hết các loại thuế đường bộ đều có thể gia hạn định kỳ sáu tháng hoặc hàng năm. Chủ phương tiện phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết (ví dụ: mua bảo hiểm xe cho thời gian gia hạn thuế đường bộ mới, vượt qua kỳ kiểm tra phương tiện định kỳ, v.v.) trước khi gia hạn thuế đường bộ.

Thuế đặc biệt

Thuế Đặc biệt được đánh vào xe ô tô chạy bằng động cơ diesel và phải nộp cùng với thuế đường bộ của phương tiện đó. Từ ngày 20/2/2017, thuế động cơ diesel cũng đã được áp dụng để khuyến khích hạn chế tiêu thụ dầu diesel.

Vì sao chi phí sở hữu ô tô ở Singapore đắt đỏ? - Ảnh 2

Bảng phân tích đầy đủ về chi phí mua ô tô ở Singapore

Một trong những mẫu xe phổ biến nhất tại Singapore là Toyota Corolla Altis 1.6 tiêu chuẩn với giá mua trung bình hiện tại là 96.000 USD. Hãy xem chi phí lăn bánh của mẫu xe này là bao nhiêu.

Giá trị thị trường mở

Giá trị thị trường mở (OMV) của chiếc xe do Hải quan Singapore đánh giá và bao gồm giá mua, cước phí vận chuyển, bảo hiểm và tất cả các khoản phí khác liên quan đến việc bán và giao xe đến Singapore.

OMV cho một chiếc Toyota Corolla Altis là 19.700 USD.

Phí trước bạ (RF)

Để đăng ký một chiếc xe hơi ở Singapore, bạn phải trả một khoản phí đăng ký cố định là 220 USD.

Phí đăng ký bổ sung (ARF)

Phí đăng ký bổ sung (ARF) - phí bổ sung được tính dựa trên Giá trị thị trường mở.

Tỷ lệ phí ARF là 100% đối với 20.000 USD OMV đầu tiên. Mức tỷ lệ tăng lên 140% đối với 30.000 USD OMV tiếp theo (tức là từ 20.001 USD đến 50.000 USD) và tỷ lệ sẽ tăng lên 180% với mức OMV trên 50.000 USD.

Dựa trên những tính toán đó, Phí đăng ký bổ sung trên một chiếc Toyota Corolla Altis là 19.700 USD.

Đây là một khoản chi phí đáng kể nhưng người mua xe hơi có cơ hội được bù lại chi phí của ARF nếu họ hủy đăng ký xe trước khi tròn 10 tuổi thông qua hệ thống giảm giá PARF.

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Mỗi người mua ô tô phải trả Thuế tiêu thụ đặc biệt là 20% giá trị thị trường mở của ô tô.

Đối với một chiếc Toyota Corolla, mức thuế này có giá 3.940 USD.

Thuế Hàng hóa & Dịch vụ điển hình là 7% đối với tất cả hàng hóa tiêu dùng. Điều này dựa trên OMV và Excise Duty.

Khoản thanh toán cho một chiếc Toyota Corolla là 1.654,80 USD

Kế hoạch phát thải phương tiện (VES)

Singapore khuyến khích việc mua các loại xe thân thiện với môi trường bằng cách giảm giá cho những chiếc xe có lượng khí thải gây ô nhiễm đặc biệt thấp và áp dụng phụ phí đối với những chiếc xe có lượng khí thải đặc biệt cao theo Chương trình phát thải phương tiện hoặc VES.

Kể từ năm 2018, Chương trình Phát thải Xe cộ đã áp dụng khoản phụ phí lên tới 20.000 USD hoặc khoản giảm giá lên đến 20.000 USD, với mức tăng thêm 10.000 USD dựa trên lượng phát thải của một chiếc xe.

Giấy chứng nhận quyền lợi mua xe (COE)

Hệ thống Giấy chứng nhận quyền mua xe (COE) được thiết kế để hạn chế tốc độ tăng trưởng của phương tiện giao thông trên đường Singapore.

Có năm loại COE, trong đó loại A và loại B dành cho ô tô dựa trên công suất và động cơ xe. COE cho Toyota Corolla Altis 1.6 hiện có giá khoảng 31.997 USD. Giá COE liên tục thay đổi buộc giá xe biến động đáng kể từ tháng này sang tháng khác.

Như vậy, tính tổng cộng tất cả các loại phí, thuế mà một người muốn sở hữu xe Toyota Corolla Altis sẽ phải trả để lăn bánh là 96.000 USD (gần 2,2 tỷ đồng), trong đó có 25% tỷ suất lợi nhuận đại lý bán xe được hưởng. Lưu ý đây là chi phí lăn bánh được tính dựa trên mức thuế, phí từ đầu năm 2022. Nếu áp dụng mức phí quyền sở hữu ô tô (COE) mới nhất, chi phí lăn bánh sẽ cao hơn rất nhiều.

Tin mới

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua quá trình chuyển đổi triệt để và công nghệ blockchain có tiềm năng mang lại hiệu quả và tăng cường tạo ra giá trị trên toàn bộ ngành, từ sản xuất ô tô đường trường tại nhà máy đến siêu xe thể thao cao cấp.