VinFast có thể sẽ chia sẻ trạm sạc chung cho các thương hiệu khác trong tương lai tại Việt Nam

Lê Vũ
Câu chuyện trạm sạc tiếp tục nóng lên kể từ sau quyết định mở trạm sạc dùng chung cho các đối thủ của hãng xe điện khổng lồ Tesla mới đây. Tại thị trường trong nước, nhiều người kỳ vọng, nhà sản xuất xe điện Việt Nam, VinFast cũng sẽ sớm có quyết định tương tự để góp phần đưa xe điện đến gần với người tiêu dùng hơn.

Tesla được gì khi mở trạm sạc dùng chung?

Tesla chuẩn bị chia sẻ trạm sạc Supercharger với Ford, GM. Ảnh: AP
Tesla chuẩn bị chia sẻ trạm sạc Supercharger với Ford, GM. Ảnh: AP.

Hồi tháng 2 năm nay, Tesla gây bất ngờ cả thế giới với quyết định sẽ mở một phần hệ thống trạm sạc, cụ thể là 3.500 trụ sạc nhanh (Supercharger) và 4.000 bộ sạc đích cho các xe hãng khác dùng chung cho tới năm 2024. Mới đây, hãng xe này cho biết sẽ mở rộng hơn nữa thành 12.000 Supercharger tại Mỹ với lộ trình tương tự. Như vậy, sau 12 năm độc quyền về trạm sạc siêu nhanh, thu về hàng trăm tỷ USD từ xe điện, Tesla bắt đầu chia sẻ một phần lợi ích cho các hãng xe đối thủ.

Rất nhanh chóng, Tesla đã đạt một số thỏa thuận với hàng loạt hãng xe lớn như Ford, General Motors (GM). Theo đó, nếu tham gia “liên minh” NACS (Tiêu chuẩn sạc Bắc Mỹ - do Tesla phát triển), kể từ 2024, người dùng xe điện của Ford và GM sẽ được sử dụng toàn bộ hệ thống Supercharger tại Mỹ. Thậm chí, trên twitter, tỷ phú Elon Musk còn “gợi ý” Toyota cùng tham gia thỏa thuận này với lời nhắn: “Họ (Toyota) nên gia nhập liên minh NACS”.

Hiện tại, Supercharger là hệ thống sạc nhanh nhất thế giới đã được thương mại hóa, với công suất sạc lên tới 300 kW, có thể giúp xe di chuyển hơn 320 km chỉ sau 15 phút sạc (theo công bố của nhà sản xuất). Trong khi đó, tại Việt Nam, một chiếc Vinfast VF e34 sạc 15 phút ở chế độ sạc nhanh có thể di chuyển được 180 km. Do đó, việc Tesla chia sẻ trạm sạc dùng chung ở Mỹ là một cơ hội hiếm có cho các hãng xe đối thủ.

Tại Mỹ, rất nhiều người dùng có nhu cầu di chuyển quãng đường dài qua các bang, khiến nhiều hãng xe phải tìm cách “nhồi nhét” khối pin lớn vào trong xe, làm tăng giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, do thiếu trạm sạc theo tiêu chuẩn của từng hãng nên tại nhiều khu vực, người dân chưa thực sự mặn mà với xe điện. Để khắc phục, một số người dùng mua thêm bộ chuyển đổi để có thể sạc pin tại các trạm Supercharger của Tesla.

Sau khi chia sẻ trạm sạc, Ford và GM sẽ phải chuyển đổi đầu sạc CCS sang chuẩn sạc NACS của Tesla. Điều này sẽ giúp giải quyết những hạn chế kể trên, trong đó GM có thể tiết kiệm được 400 triệu USD tiền đầu tư hạ tầng trạm sạc của hãng. Ở chiều ngược lại, các công ty chuyên cung cấp hệ thống sạc CCS hiện nay như ChargePoint, EVgo Inc hay Blink Charging Co sẽ bị giảm lợi nhuận.

Đối với Tesla, việc chia sẻ trạm sạc dùng chung giúp hãng xe này nhận được một phần của gói hỗ trợ trị giá 7,5 tỷ USD từ ngân sách liên bang. Đồng thời, các hãng xe khác khi sử dụng trạm sạc Supercharger cũng có thể phải chia sẻ chi phí sử dụng, bảo trì, sửa chữa trạm sạc. Bên cạnh đó, càng nhiều hãng xe tham gia liên minh NACS sẽ giúp Tesla ngày càng củng cố vị thế dẫn đầu về trạm sạc tại Mỹ. Điều này cũng giúp nâng cao độ nhận diện thương hiệu Tesla trên toàn cầu.

 Vấn đề chia sẻ trạm sạc ở Việt Nam

Một trạm sạc xe điện Vinfast. Ảnh: Lê Vũ
Một trạm sạc xe điện Vinfast. Ảnh: Lê Vũ.

Dù có thể thu về một số lợi ích nhất định, song khác với Mỹ, việc chia sẻ trạm sạc ở Việt Nam vẫn còn khó khả thi ở thời điểm hiện tại. Tại Mỹ, nhiều hãng xe nội địa và hãng xe nhập khẩu đã bước đầu xây dựng được một hệ thống trạm sạc cho riêng mình. Sở dĩ nhiều hãng xe “hào hứng” với Supercharger vì hệ thống này có tốc độ sạc nhanh nhất, số lượng nhiều nhất và phủ đều liên bang hơn hẳn các hãng xe còn lại. Tuy nhiên, Ford hay GM cũng chỉ tận dụng một phần lợi thế của Supercharger, thay vì lệ thuộc vào nó. Trong tương lai, khi công nghệ ngày càng phát triển, mỗi hãng xe sẽ tìm ra hướng đi mới cho mình.

Còn tại Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất VinFast là hãng xe nội địa phát triển hệ thống trạm sạc với số lượng rất lớn, lên tới 150.000 cổng sạc. Tiêu chuẩn cổng sạc của Vinfast là CCS2, tương tự một số hãng xe tại Mỹ và Châu Âu và có tính tương thích khá cao. Các hãng xe còn lại đã giới thiệu xe điện tại VIệt Nam, hoặc là không có trạm sạc, chỉ có bộ sạc tại nhà, hoặc chỉ có một vài trụ sạc nhanh tại trung tâm bảo dưỡng, chăm sóc xe hơi chính hãng.

Chia sẻ trạm sạc dùng chung ở Việt Nam khó khả thi. Ảnh: Lê Vũ
Chia sẻ trạm sạc dùng chung ở Việt Nam vẫn cần thêm thời gian để có thể được thực hiện. Ảnh: Lê Vũ.

Nếu VinFast chia sẻ trạm sạc dùng chung, câu chuyện sẽ khác hoàn toàn với Tesla. Do không có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ “hào phóng” như ở Mỹ, các hãng xe sẽ càng thận trọng hơn với dự định xây dựng trạm sạc tại Việt Nam. Thay vào đó, nếu các hãng xe ký kết hợp tác với VinFast sẽ phải tận dụng triệt để hạ tầng trạm sạc sẵn có. Điều này có thể giúp các hãng xe nhập ngoại giảm được chi phí đầu tư hạ tầng, tăng khả năng cạnh tranh về giá. Nhưng đây là một điều bất lợi với VinFast.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ rất thẳng thắn: “Sau 10 năm nữa, chúng tôi mới chia sẻ trạm sạc VinFast cho các hãng dùng chung. Không có lý gì khi chúng tôi bỏ ròng 700 triệu USD để xây dựng hạ tầng mà lại để cho các đối thủ có cơ hội dùng quá dễ dàng như vậy”.

Cũng theo khẳng định của chủ tịch Vingroup, VinFast đủ năng lực cung cấp xe cho thị trường, đủ các dòng xe, giá cả hợp lý, dịch vụ hậu mãi tốt. Do đó, việc chia sẻ trạm sạc như một dịch vụ giúp tăng doanh thu không cần thiết ở thời điểm hiện tại.

Nhu cầu sạc pin xe điện tại Việt Nam ngày càng tăng. Ảnh: Lê Vũ
Nhu cầu sạc pin xe điện tại Việt Nam ngày càng tăng. Ảnh: Lê Vũ.

Trên thực tế, chỉ trong vòng chưa đến 2 năm, VinFast đã liên tiếp ra mắt hàng loạt mẫu xe thuần điện, trải đều từ hạng A đến hạng E, sắp tới còn có các mẫu xe điện mini giá rẻ. VinFast hướng tới trở thành thương hiệu xe điện dành cho tất cả mọi người và mang đến cho người tiêu dùng những lựa chọn chất lượng và dịch vụ vượt trội với mức giá tốt, đáp ứng nhiều nhu cầu và khả năng tài chính khác nhau.

Với công suất tại nhà máy xe điện VinFast tại Hải Phòng có thể sẽ đạt 950.000 chiếc/năm trong vài năm tới, hệ thống trạm sạc hiện tại của nhà sản xuất xe điện Việt Nam sẽ cần phải tiếp tục mở rộng thêm nhiều hơn trong thời gian tới.

Hiện các trạm sạc của VinFast đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam thử nghiệm, đánh giá và được cấp Chứng nhận Hợp quy QUACERT - chứng nhận hợp quy theo tiêu chuẩn TCVN/ISO trên các trạm sạc. Đây là những tiêu chuẩn an toàn cao cho các trạm sạc. Ngoài ra, VinFast cũng phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nghiên cứu, đề xuất và tổng thể hóa các tiêu chuẩn chất lượng trạm sạc. VinFast cũng sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng trạm sạc tại Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện tại, VinFast mới chỉ cung cấp trạm sạc cho khách hàng sử dụng xe điện của VinFast và dự kiến trong tương lai sẽ chia sẻ cho các thương hiệu khác.

Theo chia sẻ của một số người dùng đã từng thực hiện các chuyến xuyên Việt bằng xe điện VinFast, vẫn còn một vài khu vực chưa đáp ứng đủ nhu cầu sạc điện nên khi xây dựng lịch trình, người dùng vẫn phải tính toán chặng di chuyển khá kỹ lưỡng. Tại khu vực đô thị, vẫn còn xảy ra tình trạng xe chạy xăng dừng, đỗ tại khu vực sạc pin, gây cản trở hoạt động của các xe điện. Đặc biệt, sau khi một số địa phương bắt đầu triển khai taxi điện, đôi lúc vẫn xảy ra tình trạng xếp hàng chờ đợi đến lượt sạc pin do nhiều phương tiện cùng đổ dồn về một trạm sạc. Do đó, nếu VinFast mở trạm sạc dùng chung cho các hãng đối thủ, chỉ một vài năm tới, rất có thể sẽ gây nên tình trạng thiếu trụ sạc để sử dụng.

Một số chuyên gia cho rằng, để một doanh nghiệp tư nhân chấp nhận chia sẻ lợi ích từ trạm sạc thì cần phải có những ưu đãi, lợi ích tương xứng. Đó là cách mà Mỹ đang thực hiện. Còn tại Việt Nam, nếu Chính phủ có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, rất có thể sẽ thu hút doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ trạm sạc. Nếu chính sách không đủ hấp dẫn, rất khó để xây dựng và mở rộng hệ thống trạm sạc nhanh tại Việt Nam.

Trước đó, tại Vietnam Motor Show 2022, EV One đã trưng bày nhiều giải pháp sạc khác nhau cho ô tô điện, có khả năng tương thích với hầu hết mẫu xe điện hiện diện trên thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa có thông báo cụ thể nào về kế hoạch khai thác tại thị trường Việt Nam.

Tin mới

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua quá trình chuyển đổi triệt để và công nghệ blockchain có tiềm năng mang lại hiệu quả và tăng cường tạo ra giá trị trên toàn bộ ngành, từ sản xuất ô tô đường trường tại nhà máy đến siêu xe thể thao cao cấp.