Xe hơi ở Trung Quốc sẽ “xanh” hơn?

Kiều Oanh
Các hãng ôtô nước ngoài đã bắt đầu hợp tác chặt chẽ với các đối tác Trung Quốc để phát triển xe hybrid
Một mẫu xe thân thiện với môi trường của Trung Quốc.
Một mẫu xe thân thiện với môi trường của Trung Quốc.
Lo ngại trước tình trạng ô nhiễm không khí và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào dầu nhập khẩu từ Trung Đông, Chính phủ Trung Quốc đang gia tăng áp lực buộc các nhà sản xuất ôtô trong nước và nước ngoài giúp nước này sử dụng nhiều hơn các loại xe hybrid cũng như các công nghệ tiên tiến.

Tại Triển lãm Ôtô Thượng Hải mới diễn ra, các hãng sản xuất xe hơi Trung Quốc trưng bày hàng loạt các mô hình xe hơi chạy bằng pin nhiên liệu, xe hybrid chạy bằng nhiên liệu tổ hợp xăng – điện và xe sử dụng pin điện. Sự đa dạng và chuyên nghiệp của các mẫu xe này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ không chỉ so với các mẫu xe tại Triển lãm Ôtô Thượng Hải hai năm trước đây mà còn so với Triển lãm Ôtô Bắc Kinh tổ chức vào tháng 11 năm ngoái.

Các hãng sản xuất ôtô nước ngoài như General Motors và Volkswagen đã bắt đầu hợp tác chặt chẽ với các đối tác Trung Quốc để phát triển xe hybrid. Larry Burns, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển của GM cho biết, hãng này đang đàm phán với một đối tác Trung Quốc về việc chia sẻ công nghệ pin nhiên liệu hydrogen.

Các trường đại học và các viện nghiên cứu kỹ thuật tại Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu phát triển xe hơi cùng với sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ phía Chính phủ và trình độ ngày càng cao của các kỹ sư trong lĩnh vực này tại Trung Quốc.

Trung Quốc đã áp dụng các tiêu chuẩn về tiết kiệm nhiên liệu chặt chẽ hơn so với những tiêu chuẩn được áp dụng tại Mỹ. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này vẫn chưa chưa chặt chẽ bằng tiêu chuẩn bán tự nguyện đã được các hãng sản xuất xe hơi tại EU áp dụng.

Trung Quốc đã tăng thuế tiêu thụ lên mức 20% đối với các loại xe sử dụng nhiều nhiên liệu. Trong khi đó, mức thuế đối với những xe có kích thước nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu đã được giảm xuống mức còn 1%. Cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng đang xem xét việc cung cấp ưu đãi về thuế cho những người mua xe hybrid.

Xu Liu Ping, Giám đốc điều hành Công ty Ôtô Trường An ở Trùng Khánh cho biết, ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc đang phối hợp với Chính phủ nước này để cải thiện tình hình an ninh năng lượng quốc gia thông qua các thiết kế xe sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn.

Tại triển lãm lần này, Công ty Ôtô Trường An cũng trưng bày một mẫu xe minivan hybrid. Theo ông Xu, ông đã vận động được chính quyền địa phương sẽ sử dụng loại xe này và do đó, công ty của ông có thể bắt đầu sản xuất loại xe này vào năm tới.

Ông Xu nói: “Việc đưa các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu vào sử dụng sẽ được đẩy mạnh vì các nguồn cung năng lượng đang giảm dần và cần phải bảo vệ môi trường. Chính phủ Trung Quốc đã dành sự ủng hộ lớn cho việc bảo tồn năng lượng.”

Mới đây, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Rick Wagoner của GM và Nick Reilly, Chủ tịch GM tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có cuộc gặp gỡ với các quan chức cao cấp của Trung Quốc tại Bắc Kinh để thảo luận các kế hoạch tiết kiệm nhiên liệu của hãng xe này. Chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra lựa chọn nào trong số các loại xe pin điện, pin nhiên liệu, hybrid hay động cơ ethanon nhưng muốn ngành công nghiệp ô tô tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc sản xuất các mẫu xe này.

Theo Reilly, tiết kiệm nhiên liệu đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Đến năm 1994, Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu ròng dầu nhưng hiện nay, nước này đã phải nhập khẩu quá nửa lượng dầu mà nước này tiêu thụ.

Các nhà hoạt động môi trường châu Âu từ lâu đã tính đến khả năng Trung Quốc có thể vượt qua phương Tây về phương diện giao thông cá nhân bằng cách áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất xe hơi trước khi ngành công nghiệp dầu lửa và sản xuất ô tô của nước này trở nên quá phụ thuộc vào động cơ đốt trong.

Tuy nhiên, theo Feng An, Giám đốc điều hành Trung tâm Đổi mới năng lượng và giao thông tại Bắc Kinh, cho tới nay, vẫn chưa một hãng xe nào ở Trung Quốc có thể vượt qua những trở ngại về mặt kỹ thuật cản trở sự chuyển biến một cách rộng rãi từ công nghệ xe hơi chạy bằng xăng sang pin nhiên liệu hydrogen.

Kelly Sims Gallagher, Giám đốc Dự án Đổi mới công nghệ năng lượng của Đại học Harvard cho biết, các hãng sản xuất xe hơi của Nhật, đặc biệt là Toyota và Honda đã vượt xa các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực xe hybrid.

Các hãng sản xuất xe hơi đa quốc gia đang liên tiếp nhận được yêu cầu của các đối tác Trung Quốc trong việc chia sẻ những công nghệ tiên tiến nhất. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Katsumi Nakamura của Công ty Ô tô Dongfeng, một liên doanh giữa Nissan và Tập đoàn Dongfeng của Trung Quốc ở Hồ Bắc cho biết, phía Dongfeng đã cố gắng đàm phán với Nissan để đạt được một thỏa thuận về việc chia sẻ những công nghệ mới nhất.

Tuy nhiên, do không được sự đồng ý của Nissan, thỏa thuận cuối cùng chỉ dừng lại ở việc chia sẻ các công nghệ “vừa phải.” Nakamura cho rằng, nhu cầu ở Trung Quốc đối với các loại xe công nghệ cao như hybrid có thể là không đủ để đảm bảo chi phí cho việc xây dựng một nhà máy sản xuất loại xe này tại đây giống như những nhà máy ở Nhật Bản.

Các chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô không muốn đề cập đến tình trạng sao chép công nghệ bất hợp pháp tại Trung Quốc, nguyên nhân khiến Chrysler thậm chí còn không muốn sản xuất xe minivan tại Trung Quốc vào những năm 1990.

Ông Burn nói, các luật sư của GM cho rằng hãng này có thể chia sẻ công nghệ pin nhiên liệu với một đối tác liên doanh phía Trung Quốc là Tập đoàn Công nghiệp Ôtô Thượng hải mặc dù hãng này đã có một dự án hợp tác trong lĩnh vực này với Chính phủ Mỹ. Luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ không cho phép chuyển giao các công nghệ quân sự chứ không phải các công nghệ dân sự, tới các cường quốc khác.

(Theo IHT)

Tin mới

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi được biết đến là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới đã tạo ra tác động đáng kể đến thị trường xe điện (EV) thời gian qua. Xiaomi đã vượt qua mục tiêu bán hàng đầy tham vọng vào năm 2024 là 130.000 xe chỉ trong vòng 9 tháng. Mẫu xe điện đầu tiên của công ty, SU7, ra mắt vào tháng 3, là nền tảng cho thành công này dù vướng phải nhiều tranh cãi.
Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Theo Nghị định số 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thay thế cho Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao so với hiện tại.