Xe ngoại chật vật kiếm lợi nhuận ở Ấn Độ

Kiều Oanh
Ấn Độ là một trong những thị trường ôtô tăng trưởng “nóng” nhất, nhưng cũng đồng thời là thị trường có mức độ cạnh tranh cao nhất
Mẫu xe nhỏ Etios của Toyota.
Mẫu xe nhỏ Etios của Toyota.
Trong quá trình chuẩn bị tung ra mẫu xe nhỏ đầu tiên của mình tại thị trường Ấn Độ, các kỹ sư của Toyota biết họ phải tạo ra được sự khác biệt.

Ấn Độ là một trong những thị trường ôtô tăng trưởng “nóng” nhất thế giới hiện nay, nhưng cũng đồng thời là thị trường có mức độ cạnh tranh cao nhất. Bởi vậy, Toyota cần thiết kế mẫu xe mới có tên Etios sao cho chiếc xe này có đủ sức hấp dẫn đối với tầng lớp trung lưu đang ngày càng trở nên dư dả của Ấn Độ - đối tượng khách hàng có rất nhiều những lựa chọn xe nhỏ giá rẻ khác.

“Khi có ít nhất 10-12 nhà sản xuất khác cùng cạnh tranh trên một phân khúc thị trường, các hãng xe sẽ chịu áp lực lớn trong việc giảm giá”, ông Sandeep Singh, Phó giám đốc điều hành của Toyota tại Ấn Độ, nói.

Do đó, một mức giá cạnh tranh nhất có thể là điều mà Giám đốc thiết kế của dự án xe Etios, ông Yoshinori Noritake, hướng tới. Noritake cùng các kỹ sư thiết kế của Toyota đã quyết định phải điều chỉnh một số hệ thống cơ bản để đẩy giá thành xuống.

Chẳng hạn, một chiếc điều hòa thông thường trong xe của Toyota được lắp ráp từ 6 linh kiện chính, với 12 công nhân làm việc trong nhà máy thực hiện việc lắp ráp này. Riêng đối với Etios, điều hòa không khí sẽ chỉ có bốn linh kiện và chỉ cần bốn công nhân lắp ráp. “Ấn Độ là một thị trường rất nhạy cảm về giá nên chúng tôi cần điều chỉnh thiết kế để giảm số lượng linh kiện cần thiết”, ông Noritake nói.

Với doanh số suy giảm tại các thị trường lớn gồm Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu, Ấn Độ là một thị trường mà Toyota và các hãng xe khác không thể bỏ qua. Tại Triển lãm Ôtô Ấn Độ, sự kiện bắt đầu vào ngày 11/1 vừa qua và kéo dài một tuần, các hãng xe như Honda, Volkswagen, General Motors (GM)... đều giới thiệu những mẫu xe mới mà họ dự kiến sẽ đưa vào thị trường Ấn Độ.

Và các hãng xe có cơ sở hợp lý để gia tăng sự hiện diện tại thị trường này: thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ đã tăng gấp đôi lên mức 1.700 USD trong thời gian từ năm 2003 đến năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2009.

Cùng với sự gia tăng thu nhập của người dân, thị trường ôtô Ấn Độ cũng đang tăng trưởng nhanh chóng. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Ấn Độ, năm ngoái, doanh số thị trường ôtô nước này tăng 19%, đạt mức 1,4 triệu xe. Mức tăng trưởng doanh số này đưa Ấn Độ thành thị trường ôtô có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới trong năm qua, chỉ sau Trung Quốc. Theo số liệu thống kê mới nhất, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới xét về doanh số, chấm dứt hơn một thế kỷ nước Mỹ đứng ở ngôi vị này.

Hiện Ấn Độ đang là thị trường ôtô lớn thứ ba tại khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Hãng nghiên cứu Global Insight dự báo, tới năm 2014, Ấn Độ sẽ tiêu thụ mỗi năm trên 3 triệu xe.

Mức độ cạnh tranh gia tăng đang tạo áp lực lớn lên hãng xe dẫn đầu tại Ấn Độ hiện nay, hãng Suzuki. Nhà sản xuất xe Nhật này từ lâu đã thống lĩnh thị trường ôtô Ấn Độ thông qua hãng con Maruti Suzuki.

Hãng Tata Motors của Ấn Độ năm ngoái đã tạo ra một cơn sốt khi tung ra chiếc xe giá rẻ nhất thế giới Nano, với mức giá từ 2.500 USD.

Hiện Toyota chưa công bố giá của chiếc Etios, chiếc xe nhỏ mà hãng sẽ giới thiệu trong năm nay. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo, Etios phiên bản hatchback sẽ cạnh tranh trực tiếp với chiếc Suzuki Swift, chiếc xe có giá 8.800 USD, còn Etios phiên bản sedan sẽ là một đối thủ đáng gờm của Suzuki Dzire, chiếc xe có giá 10.200 USD.

Dù đang thực hiện việc mua lại cổ phần 20% trong Suzuki nhưng Volkswagen vẫn cạnh tranh quyết liệt với Suzuki tại thị trường Ấn Độ. Tháng 3 năm ngoái, hãng xe châu Âu này đã tung ra chiếc xe giá rẻ thương hiệu Polo tại thị trường này.

“Chúng tôi cảm thấy áp lực rất lớn trong vấn đề giá cả”, ông Shinzo Nakanishi, Giám đốc điều hành của Maruti Suzuki, thừa nhận.

Với những áp lực như vậy, các hãng xe không còn có thể gặt hái những mức lợi nhuận béo bở tại Ấn Độ như trước đây.

Giới phân tích cho rằng, về cơ bản, Ấn Độ là một thị trường khá lý tưởng để tiêu thụ xe với mức lợi nhuận khoảng 12%, so với mức 8-9% ở các thị trường khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng loạt mẫu xe mới đã, đang và sẽ được thiết kế riêng cho thị trường này, các công ty có khả năng sẽ phải tăng áp dụng các biện pháp khuyến mãi và chiết khấu, làm giảm tỷ suất lợi nhuận.

Đối với các hãng xe nước ngoài, mục tiêu tại Ấn Độ là phải giảm thiểu mức độ co rút của tỷ suất lợi nhuận. Hãng Honda đã tìm cách giảm chi phí bằng cách tăng số lượng linh kiện và vật liệu mua tại Ấn Độ. “Để tăng sức cạnh tranh, chúng tôi phải tăng tỷ lệ nội địa hóa hơn bao giờ hết”, ông Koichi Kondo, Phó chủ tịch điều hành của Honda, cho biết.

Mẫu xe nhỏ mà Honda bắt đầu tung ra thị trường Ấn Độ vào năm tới sẽ có tỷ lệ nội địa hóa hơn 80%, tăng khoảng 10% so với chiếc Honda City - mẫu xe phổ biến nhất hiện nay của hãng tại thị trường này.

Một hình mẫu cho xu hướng nội địa hóa của các hãng xe tại Ấn Độ là Hyundai. Hãng xe Hàn Quốc này đã đẩy mạnh việc nội địa hóa, đưa tỷ lệ linh kiện sản xuất tại Ấn Độ trong chiếc xe nhỏ Santro lên mức 92-93% - theo tuyên bố của ông Arvin Saxena, Giám đốc của Hyundai tại Ấn Độ. Hiện Hyundai đang là hãng xe lớn thứ hai tại thị trường này, sau Suzuki.

Ông Saxena khẳng định, mức độ nội địa hóa cao như vậy của chiếc Santro là nhờ hãng có một mạng lưới rộng các nhà cung cấp nội địa. Ông cho biết, hiện công ty của ông vẫn đang tiếp tục mở rộng mạng lưới cung cấy này.

Mặc dù vậy, tăng tỷ lệ nội địa hóa dường như là cách duy nhất để các hãng xe tại Ấn Độ duy trì tỷ suất lợi nhuận. Các chuyên gia cho rằng, trên một thị trường ôtô nhiều đối thủ như ở Ấn Độ, các biện pháp cạnh tranh rất dễ mất tác dụng.

Ngay cả một người có quan điểm lạc quan như ông Saxena cũng phải thừa nhận rằng, không thể chống chọi được hoàn toàn áp lực về giá mà các hãng xe tại Ấn Độ đang đối mặt. “Đúng là lợi nhuận sẽ không còn được như 5 năm trước đây”, ông nói.

(Theo Business Week)

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.