Xe nhập khẩu rầm rộ giảm giá, xe trong nước “thở khẽ” ngóng giảm thuế trước bạ
Xe nhập chạy đua giảm giá
Trong tháng 8, Subaru “chơi lớn” khi hãng này tiếp tục duy trì chương trình hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lệ phí trước bạ cho dòng SUV Forester với giá trị từ 50-140 triệu đồng tùy phiên bản. Subaru Forester bản 2.0 iL và 2.0 iL EyeSight đều được ưu đãi một phần lệ phí trước bạ với tổng giá trị tương ứng là 50 triệu và 110 triệu đồng. Riêng bản 2.0 iS EyeSight được hãng hỗ trợ lên tới 100% lệ phí trước bạ với tổng giá trị lên đến 140 triệu đồng.
Mitsubishi Xforce nhiều phiên bản khác nhau cũng được giảm giá mạnh, trong đó phiên bản Xforce Exceed đang được giảm tiền mặt có giá trị tương đương 100% lệ phí trước bạ. Với những khách hàng ở Hà Nội, TP. HCM, đại lý giảm tiền mặt tương đương 12% giá xe tức 76,8 triệu đồng. Trong khi đó, các khách hàng ở tỉnh có mức trước bạ 10% được giảm 64 triệu đồng.
Trong khi các đối thủ cùng phân khúc trong nước đang “nằm im thở khẽ” thì Skoda Việt Nam cũng tung khuyến mại lớn cho các mẫu xe Kodiaq và Karoq trong tháng 8/2024 để tăng sức cạnh tranh. Trong tháng 8, nhà phân phối TC Motor áp dụng chương trình ưu đãi trực tiếp bằng tiền mặt dành cho cả 2 mẫu xe với tất cả các phiên bản, karoq nhận mức khuyến mại giá trị 80 - 110 triệu đồng và Kodiaq nhận giá trị 50 - 130 triệu đồng.
Ngay cả hãng xe Trung Quốc sau khi ra mắt tưởng chừng đã “bặt tăm” như Haima cũng mạnh tay tung khuyến mại với mẫu 7X-E 2023 được phân phân phối chính hãng 2 phiên bản: Tiêu chuẩn giá 1,111 tỷ đồng và Cao cấp giá 1,23 tỷ đồng. mẫu MPV cỡ trung Haima 7X của Trung Quốc đang được ưu đãi lên đến cả trăm triệu đồng tại đại lý Việt, cộng thêm ưu đãi 50% phí trước bạ.
Nhà phân phối xe Nissan tại Việt Nam - VAD cũng đang tiến hành đợt khuyến mại lớn dành cho tất cả các mẫu xe của hãng bán ra gồm: Almera, Kicks và cả phiên bản Navara vừa mới được cập nhật với ưu đãi đồng loạt liên quan đến phí trước bạ với mức 150% (Áp dụng tùy theo phiên bản và năm sản xuất). Ưu đãi 150% phí trước bạ của Nissan áp dụng các mẫu xe cũng có điều kiện, đó là khách hàng phải ký hợp đồng và đặt cọc xe từ 1/08/2024 – 31/8/2024, khuyến mại này cũng sẽ áp dụng tùy theo phiên bản và năm sản xuất và cũng có thể quy đổi ra tiền mặt.
Cũng với mức ưu đãi 150% lệ phí trước bạ như trên, khách hàng mua xe Nissan Almera sẽ nhận giá trị khuyến mại tương đương giá trị 80 - 107 triệu đồng dành cho 2 phiên bản CVT và CVT Cao cấp. Nissan Kicks có giá trị ưu đãi 129 - 154 triệu đồng trong khi Navara có giá trị ưu đãi 62 - 104 triệu đồng.
Tín hiệu không vui cho xe lắp ráp
Mới đây nhất, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8 (1-15/8), cả nước đã nhập khẩu 6.195 xe, tổng kim ngạch đạt 114,66 triệu USD. Trong đó, nhiều nhất là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với 5.509 xe, kim ngạch đạt 89,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng ô tô nhập khẩu tăng 16,2% (tương đương 13.619 xe), trong khi kim ngạch tăng 1,6%.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7 đã có 44.400 xe bao gồm cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu được “bơm” vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đáng chú là có sự chênh lệch đáng kể giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước khi tháng 7 xe lắp ráp trong nước đạt 27.400 chiếc, giảm so với tháng 6 là 28.000 chiếc thì xe nhập khẩu lại tăng trường khá từ mức 15.580 chiếc của tháng 6 lên mức 17.000 chiếc vào tháng 7. Đây cũng là mức cao nhất tính từ đầu năm của xe nhập khẩu về Việt Nam.
So với số liệu của Tổng cục Thống kê, luỹ kế ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 91.585 chiếc. So với cùng kỳ năm 2023, con số này đã tăng mạnh 14,7% về lượng. Đặc biệt, đa phân các loại xe nhập khẩu về Việt Nam của các nhà nhập khẩu ô tô trong thời gian đầu năm 2024 vừa qua chủ yếu là những dòng xe bình dân có giá trị thấp, có mức giá hơn 500 triệu đồng.
Với sự lớn mạnh của xe nhập khẩu, đây là tín hiệu không mấy tích cực cho xe lắp ráp trong nước.
Trước đó, theo Chiến luợc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1168/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 7 năm 2014, nhấn mạnh về các vấn đề phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước theo hướng hiện đại.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc.
Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2026 - 2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về link kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc. Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đã đưa ra các định hướng cụ thể như xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhưng thực tế trong quá trình triển khai, các chính sách hỗ trợ thực thi còn khá hạn chế. Cho đến nay, mới chỉ có chính sách hỗ trợ thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe điện chạy pin và chưa có lộ trình cụ thể cho việc phát triển các dòng xe điện hóa khác tại Việt Nam trong khi thế giới đang thay đổi rất nhanh.
Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về qui mô dân số, tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Qui mô, sản phẩm và thị trường tiêu thụ ô tô trong nước qua đó cũng đã có khác nhiều so với trước đây.
Với tình hình hiện tại, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, tác động của việc giảm thuế trước bạ là rất lớn đến toàn thị trường. Bằng chứng có thể thấy rất rõ điều đó chính là doanh số chênh lệch giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước trong những tháng vừa qua. Đặc biệt khi xe lắp ráp vẫn “án binh bất động” và bị tụt doanh số thì xe nhập khẩu đã tranh thủ “đại hạ giá” để chiếm lĩnh thị trường. Hiện thị trường Việt đang tạo ra “vùng đáy” khó đoán định trong nửa cuối của năm 2024.