EuroCham: Điều chỉnh thuế liên tục sẽ làm hại ngành ôtô trong nước

Đức Thọ
Đến thời điểm này, niềm tin về tương lai ngành công nghiệp ôtô Việt Nam dường như đang cạn dần đối với nhiều người
Lắp ráp ôtô tại nhà máy Ford, Hải Dương - Ảnh: Đức Thọ.
Lắp ráp ôtô tại nhà máy Ford, Hải Dương - Ảnh: Đức Thọ.
Đến thời điểm này, niềm tin về tương lai ngành công nghiệp ôtô Việt Nam dường như đang cạn dần đối với nhiều người. Tuy nhiên, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vẫn đánh giá cao cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu ôtô lớn tại khu vực ASEAN của Việt Nam.

Cơ quan này tin rằng, với sự hỗ trỡ hơn nữa của Chính phủ, ngành công nghiệp ôtô trong nước hoàn toàn có thể tăng trưởng đến mức chống lại sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài.

Nhưng để biến cơ hội đó thành hiện thực, EuroCham cho rằng, quan trọng là Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để các nhà sản xuất ôtô trong nước và các nhà nhập khẩu chính thức ngồi lại với nhau để xây dựng một lộ trình rõ ràng cho chính sách phát triển công nghiệp ôtô, vạch ra những giai đoạn then chốt từ nay cho đến năm 2018, thời điểm mà thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trong khu vực ASEAN bằng 0%.

Cụ thể hóa quan điểm của mình, cơ quan này đã đề ra 9 kiến nghị nhằm mục tiêu phát triển thị trường và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Trong đó, về chính sách thuế, EuroCham kiến nghị tránh điều chỉnh liên tục các sắc thuế có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của ngành công nghiệp ôtô. Những thay đổi thường xuyên và với mức độ lớn đã và sẽ làm gián đoạn đáng kể các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung cấp và các hoạt động bán lẻ của những bên tham gia vào ngành ôtô do xuất hiện những mức cầu cao điểm và thấp điểm giả tạo trên thị trường.

Cơ quan này cũng cho rằng, để phát triển ngành chế tạo ôtô vững chắc vào năm 2018, điều quan trọng là chuỗi cung ứng linh kiện trong nước có thể phát triển mạnh ngay trong nước. Và để thu hút vào ngành này, Chính phủ nên xem xét việc đưa ra những ưu đãi thuế cụ thể.

Đồng thời với việc thúc đẩy sản xuất công nghiệp phụ trợ, Chính phủ cũng nên xem xét hỗ trợ khối doanh nghiệp lắp ráp bằng cách giảm thuế nhập khẩu linh kiện xuống mức 0%. Điều này sẽ tạo lòng tin cho các nhà lắp ráp trong nước để mở rộng sản xuất,  giúp họ có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu đang gia tăng trong nước.

“Vấn đề này và những quy định liên quan cũng nên tập trung vào việc đẩy mạnh khả năng xuất khẩu cho các nhà cung cấp khác và các nhà chế tạo ôtô”, cuốn sách trắng do EuroCham phát hành mới đây nêu rõ.

Đối với hoạt động nhập khẩu xe nguyên chiếc, cơ quan đại diện ngành thương mại châu Âu cũng để nghị cho phép các cá nhân Việt Nam được nhập khẩu xe mới hoặc đã qua sử dụng.

Theo EuroCham, giao thông đường bộ vẫn là hình thức vận chuyển hàng hóa và người thuận tiện, tiết kiệm nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng trở nên trầm trọng. Vì vậy, "Chính phủ cần mở rộng chương trình phát triển hệ thống giao thông đường bộ như một kế hoạch trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một trong những yêu cầu tiên quyết là nâng cấp hạ tầng và xây dựng điểm đỗ xe tốt hơn, qua đó giảm bớt ùn tắc giao thông đồng thời hữu ích với người điểm khiển phương tiện".

Ngoài các kiến nghị trên, EuroCham cũng cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy phát triển các vấn đề môi trường; lập một hiệp hội ôtô chung giữa các nhà sản xuất và nhập khẩu với nhau; giảm bớt các gánh nặng thủ tục hành chính; phát triển thị trường bán lẻ một cách chuyên nghiệp…

Tin mới

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Theo báo cáo do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố mới đây, doanh số xe máy tại Việt Nam ở quý III đạt 686.001 xe, tăng 13,74% so với quý II trước đó và cao hơn tới 12,34% so với cùng kỳ năm ngoái.