Giao lưu trực tuyến: Thị trường ôtô và các tác động từ chính sách

VnEconomy
Những nội dung chính của cuộc giao lưu trực tuyến về thị trường ôtô trên VnEconomy chiều nay
Ông Huỳnh Dư An.
Ông Huỳnh Dư An.
Thị trường ôtô Việt Nam hiện vẫn đang bị chi phối mạnh mẽ bởi câu chuyện về giá bán. Và phía sau đó còn là một loạt các vấn đề về định hướng, chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô và thị trường ôtô trong nước.

Đặc biệt, trong vòng hai năm trở lại đây, ngành công nghiệp ôtô bắt đầu được “mổ xẻ” để tìm ra căn nguyên vì sao chậm phát triển so với chiến lược đã được phê duyệt, so với định hướng mà Chính phủ đề ra cách đây hơn một thập niên khi đặt quyết tâm đưa ngành công nghiệp ôtô thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Cũng trong hai năm trở lại đây, thị trường ôtô trong nước bắt đầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn từ các thay đổi về chính sách thuế, đặc biệt là các loại thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, thuế giá trị gia tăng hay mới đây nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt.

Từ góc nhìn của nhà quản lý, các thay đổi về chính sách là cần thiết để góp phần điều chỉnh nền kinh tế.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, các điều chỉnh về chính sách đối với ngành ôtô thời gian qua đã ít nhiều gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bởi sự điều chỉnh liên tục.

Từ góc nhìn của người tiêu dùng, các điều chỉnh về chính sách đã và đang tác động đến câu chuyện “thực dụng” hơn cả là giá bán.

Cuộc giao lưu trực tuyến chiều nay (3/4) với chủ đề "Thị trường ôtô và các tác động từ chính sách" do VnEconomy tổ chức nhằm giúp những bạn đọc quan tâm có được những đánh giá nhiều chiều về câu chuyện này. Khách mời của chúng tôi là ông Huỳnh Dư An, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Âu châu (Euro Auto). Euro Auto là nhà nhập khẩu và phân phối chính thức các loại xe BMW tại thị trường Việt Nam, sau khi Tập đoàn BMW quyết định ngừng sản xuất tại Việt Nam thông qua liên doanh VMC. Đây được xem là một trong những nhà phân phối ôtô có đầu tư bài bản và chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam. Tất cả các dịch vụ do Euro Auto cung cấp đều đạt các tiêu chuẩn khắt khe do Tập đoàn BMW (Đức) yêu cầu.

Ngoài việc cung cấp các loại xe BMW được nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức và một số thị trường khác, Euro Auto cũng cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc khách hàng đặc biệt, kể cả các khách hàng không mua xe từ Euro Auto.

* Do có công việc đột xuất, một trong các khách mời dự kiến của buổi giao lưu hôm nay là ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), đã không thể đến tham dự. VnEconomy xin chân thành cáo lỗi quý độc giả.

Khách mời đã có mặt tại tòa soạn. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu nội dung cuộc giao lưu trực tuyến này:

Ngọc Anh (ngocanhphung82@yahoo.com.vn):

Giá xe hơi lại bắt đầu tăng mạnh vì thuế tiêu thụ đặc biệt. Sau lần tăng giá này, ông dự báo thị trường ôtô thời gian tới sẽ thế nào?

Ông Huỳnh Dư An:

Thực ra giá xe hơi sẽ có cả tăng và giảm, một số giữ nguyên giá sau khi chính sách thuế mới được áp dụng. Đối với dòng xe 5 chỗ được giảm là dòng dưới 2.0, theo dự đoán của tôi thời gian tới có thể cung cao hơn cầu, "cháy" hàng vì giá giảm, dòng từ 2.0 tới 3.0 thị trường vẫn ổn định vì thị trường không có sự đột biến, dòng trên 3.0, dòng này ko tiêu thụ nhiều ở Việt Nam, nên sự thay đổi ko nhiều, riêng dòng 7 chỗ bị ảnh hưởng nhiều nhất, lượng đặt hàng đang rất cao, sẽ mất vài tháng để đi vào ổn định.

Vũ Hữu Trọng (vutrongvcb@gmail.com):

Ngoài các tác động của chính sách, tôi xin hỏi ông An, theo ông yếu tố cạnh tranh về giá giữa các hãng xe tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Chính sách và các mức thuế quá cao có hạn chế sự cạnh tranh đó đối với lợi ích người tiêu dùng không?

Ông Huỳnh Dư An:

Chào bạn,

Theo tôi thì giá chỉ là một  yếu tố quan trọng trong sự cạnh tranh giữa các hãng xe. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố cạnh tranh quan trọng khác như sản phẩm, dịch vụ,  hậu mãi và chăm sóc khách hàng...

Nếu các chính sách của Nhà nước ủng hộ cho sự tăng trưởng số lượng của thị trường ôtô thì đây là cơ hội tốt cho các nhà kinh doanh ôtô giảm chi phí và từ đó có thể đưa ra mức giá có lợi hơn cho người tiêu dùng.

Vũ Trọng Dũng (trongdunghnvn@yahoo.com):

Tôi đọc bài Euro Auto cung cấp dịch vụ xe BMW cũ trên VnEconomy, xin quý công ty cho biết giá xe BMW 320 đời 2007-2008 giá bao nhiêu? Xin cảm ơn.

Ông Huỳnh Dư An:

Chào anh Dũng,

Giá xe 320 đời 2007-2008 có thể giao dịch ở khoảng 50.000 Đô la Mỹ, dao động trong khoảng 20% tùy theo điều kiện của xe.

Phuong Anh:

Năm 2008 và đầu năm 2009 có hàng loạt sự thay đổi về chính sách thuế của nhà nước, vậy xin hỏi các doanh nghiệp kinh doanh ôtô đã và đang làm gì để có thể thích ứng?

Ông Huỳnh Dư An:

Đối với doanh nghiệp của chúng tôi, việc tăng thuế liên tục cuối 2008 cùng với việc tăng thuế trước bạ dẫn đến giá tăng đột ngột, thị trường nhập về nhiều xe dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Đầu 2009, việc điều chỉnh  thuế đặc biệt sau 1/4 lại tiếp tục tạo sự đột biến mới. Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.

Bên cạnh đó chúng tôi điều chỉnh danh mục sản phẩm, quản lý thu chi chặt chẽ hơn, đàm phán sản phẩm và giá với các nhà cung cấp, quan trọng nhất là xây dựng niềm tin cho toàn bộ cán bộ công nhân viên.

Đỗ Quang Lợi:

Chúng ta đang có một nền công nghiệp ôtô lạc hậu so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói là so với thế giới. Vậy theo ông, chúng ta phải làm sao để có được một nền công nghiệp ôtô phát triển? Giá ôtô tại Việt Nam tỉ lệ nghịch với thu nhập của người dân, theo ông đến khi nào người dân Việt Nam mới có thể có được một mức giá hợp lý phù hợp với thu nhập. Xin cảm ơn.

Ông Huỳnh Dư An:

Theo đánh giá cá nhân của tôi, từng làm ở công ty sản xuất ôtô và trong hiệp hội VAMA, tôi có đánh giá về mặt cá nhân, yếu tố cơ bản để phát triển nền công nghiệp ôtô:

- Định hướng của chính phủ

- Có thị trường ôtô đủ lớn để sản xuất ở mức độ công nghiệp hóa cao và có thể tiêu thụ phần lớn ở thị trường nội địa

- Ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển

- Có cơ sở hạ tầng phát triển phù hợp

Tuấn Anh:

Người dân Ấn Độ chuẩn bị được sở hữu nhưng chiếc xe ôtô với giá 2.000 USD . Số tiền này chỉ đủ để mua một đôi gương chiếu hậu của một số dòng xe tại Việt Nam. Liệu tới khi nào người dân Việt Nam mới có thể mua được những chiếc xe ôtô với giá rẻ , hoặc bằng cách nào Việt Nam mới có thể đạt tới mục tiêu đó?

Ông Huỳnh Dư An:

Tôi đánh giá cao mong muốn của bạn và bản thân tôi cũng có ước mơ như vậy. Để có được chiếc xe giá rẻ khoảng 2.000 USD như Tata Nano thì không xa mà cũng không gần. Điều quan trọng là phụ thuộc vào các chính sách của Nhà nước, phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng đảm bảo việc sử dụng ôtô.

Giả sử một doanh nghiệp sản xuất được chiếc xe như vậy, nhưng nếu hạ tầng chưa đáp ứng được thì nếu có 100.000 người đăng ký mua thì sẽ tắc đường.

Vì vậy, tôi cho rằng có thể làm được xe giá rẻ trong tương lại gần, song nó còn phụ thuộc vào yếu tố hạ tầng.

Đoàn Mạnh Hùng (m.hunginfo@yahoo.com):

Sắp tới chủ trương tách thuế mà doanh nghiệp thu hộ Nhà nước khỏi giá bán xe, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Huỳnh Dư An:

Nếu thông tin mà ban hỏi là chính xác thì đây là một tin rất tốt cho thị trường ôtô khi phân biệt rạch ròi giữa mức giá sản phẩm và thuế đóng góp cho đất nước

Trần Văn Phong:

Nếu lấy giá bán ôtô tại Việt Nam (cùng loại) chia ngược cho các loại thuế (giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu) thì ra giá bán của nhà sản xuất. Giá bán này đối với xe sản xuất , lắp ráp tại Việt Nam luôn cao hơn nhiều xe nhập tại sao lại như vậy?

Ông Huỳnh Dư An:
 
Do xe nhập khẩu nguyên chiếc được sản xuất trên các nhà máy có công suất rất lớn và tự động hóa cao nên chi phí khấu hao tính trên mỗi xe sẽ rất thấp.

Chi phí vận chuyển một xe thành phẩm cũng thấp hơn chi phí vận chuyển của đủ một bộ linh kiện tương đương về đến Việt Nam, vì thể tích của bộ linh kiện lớn hơn.

Theo tôi được biết, do việc tập hợp và đóng gói các bộ linh kiện để xuất khẩu thường làm bằng thủ công nên chi phí để hoàn tất một bộ linh kiện thường có giá thành cao.

Đó là một trong những lý do cơ bản góp phần dẫn đến sự chênh lệch mà bạn đưa ra.

Nguyễn Huy (huy2610@hcm.vnn.vn):

Tôi thấy là xe BMW do Euro Auto bán khá đắt so với xe ở các salon, tại sao vậy? Ví dụ một chiếc xe nhập khẩu từ Đức, thì khi về đến tay người dân Việt Nam giá chiếc xe đó đã bao gồm những gì? Xe các ông nhập có khác chút nào về quy trình so với các salon và sự chênh lệch giá là do đâu?

Ông Huỳnh Dư An:

Chào bạn,

Tôi xin lấy ví dụ về dòng xe BMW 320i, giá bán niêm yết tại Đức là 25.714 euro(chưa bao gồm 19%VAT Đức, xe không có trang bị thêm), về đến Việt Nam là 71.643 euro, hay tương đương 96.719 đô la Mỹ(thuế nhập khẩu 83%, thuế tiêu thụ đặc biệt 45%, thuế VAT 45% và tỷ giá EURO trên đô la là 1.35).

Do Euro Auto là nhà phân phối chính thức của BMW tại Việt Nam nên tập đoàn có đưa ra giá nhập khẩu hợp lý để khi cộng tất cả các khoản thuế vẫn có giá hợp lý cho khách hàng.

Tôi xin thông tin thêm, với model mới sẽ được tung ra trong tháng 5 tới thì sản phẩm 320 đời 2009 sẽ có mức giá hấp dẫn.

Sĩ Thắng (sithanggl@yahoo.com):

Xin hỏi, trong tương lai, BMW có dự định tái lắp ráp xe BMW trong nước không. Nếu có thì có gì khác biệt so với hàng nhập khẩu? Xin cảm ơn.

Ông Huỳnh Dư An:

Chúng tôi cũng có nghiên cứu phương án sản xuất - lắp ráp trong nước, nếu thị trường đủ lớn và các chính sách về phát triển công nghiệp ôtô phù hợp. Có nghĩa là phải xem xét yếu tố về thị trường và yếu tố về chính sách.

Mê Xe Hơi (vuhoangtuanphong78@yahoo.com):

Tôi biết ông An đã từng làm việc ở Mercedes-Benz Việt Nam. Đã trải qua cả công việc bán xe lắp ráp lẫn bán xe nhập khẩu, ông thấy việc nào khó hơn? Tôi thấy người dân thích xe nhập nhưng các cơ quan quản lý lại hạn chế, là người trong nghề, ông giải thích giúp!

Ông Huỳnh Dư An:

Cảm ơn câu hỏi rất thú vị của bạn.

Thực ra mỗi sản phẩm, mỗi lĩnh vực đều có những thử thách khác nhau. Đối với sản xuất thì việc duy trì sản lượng tiêu thụ đủ lớn để trang trải chi phí dây chuyền sản xuất là việc được đặt lên hàng đầu. Còn đối với nhập khẩu, yếu tố chăm sóc khách hàng và duy trì bộ máy bán hàng và hậu mãi sẽ là thử thách hơn.

Tôi cũng đồng ý với quan điểm của bạn. Tuy nhiên đứng về phía cơ quan quản lý, có lẽ là do mong muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam và tạo công ăn việc làm nên việc sản xuất xe trong nước được ưu tiên hơn.

Còn với người tiêu dùng, việc mua xe nhập khẩu nguyên chiếc giúp khách hàng có nhiều sự chọn lựa để thỏa mãn niềm đam mê ôtô.

Phùng Hoa (hoaphung0183@yahoo.com):

Tôi rất thích dùng xe đa dụng và cũng đang có ý định mua. Hồi tháng 8 năm ngoái tôi thấy tại một cuộc hội thảo, Bộ Công Thương nói là mục tiêu chiến lược của công nghiệp ôtô trong nước là các loại xe đa dụng, tôi rất mừng. Thế nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt lại tăng mạnh với xe đa dụng quá, tôi thấy nản, còn ý kiến ông thế nào?

Ông Huỳnh Dư An:

BMW không chiếm thị phần lớn trong thị trường xe đa dụng tại Việt Nam, nên tôi muốn đưa ý kiến cá nhân.

Vì chính sách nhà nước nên có định hướng ra những sản phẩm trọng tâm, chẳng hạn ở Thái Lan là xe pick-up được ưu tiên phát triển nên giá thành xe này rất gần với người tiêu dùng và thông qua đó ngành công nghiệp ôtô phát triển

Riêng Việt Nam dân số đông, cá nhân tôi thấy nhà nước nên xem xét việc phát triển dòng xe đa dụng để làm chiến lược phát trển xe ôtô trong nước.

Lục Việt Sơn (vietsonlucngan@gmail.com):

Tôi thấy hồi giữa năm ngoái nhiều doanh nghiệp “chết” vì nhập khẩu xe hơi, thời gian đó đối với Euro Auto thế nào? Bán xe sang có an toàn hơn “xe cỏ” không, thưa ông?

Ông Huỳnh Dư An:

Chào bạn,

Bán xe "sang" thì trên thực tế cũng khó ngang hoặc thậm chí khó hơn các dòng xe giá thấp. Mỗi sản phẩm đều có những khó khăn và thuận lợi khác nhau mà doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ và đương đầu.

Do đặc thù của năm 2008 là khi thuế nhập khẩu nguyên chiếc tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu quá cao. Thêm vào đó, trong khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu.

Đối với các dòng xe cao cấp, hầu hết khách hàng đều đã sở hữu một hoặc nhiều xe ô tô do đó nhu cầu mua sắm thêm xe cao cấp mới bị thu hẹp hơn đẫn đến thị trường xe cao cấp càng khó khăn hơn.

Trịnh Duy Mạnh (hdat_spiderman@yahoo.com):

Ông có nói “Chúng tôi cũng có nghiên cứu phương án sản xuất - lắp ráp trong nước, nếu thị trường đủ lớn và các chính sách về phát triển công nghiệp ôtô phù hợp. Có nghĩa là phải xem xét yếu tố về thị trường và yếu tố về chính sách”. Vậy ông có thể cho biết một số yếu tố phù hợp của chính sách và thị trường theo quan điểm của mình? Trân trọng cảm ơn.

Ông Huỳnh Dư An:

Về yếu tố thị trường: theo tôi, thị trường ôtô tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.

Về yếu tố chính sách: lộ trình thực hiện WTO và AFTA đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu là yếu tố then chốt.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn các chính sách thuế và các quy định khác được đưa ra và thực hiện có lộ trình.

Lê Vũ Bảo An (levubaoan@yahoo.com):

Xin hỏi tại sao ở Việt Nam rất ít các doanh nghiệp đứng ra làm nhà nhập khẩu, phân phối các hãng xe giá rẻ của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... mà lại chỉ thích nhập khẩu những xe đắt tiền như BMW hay Mercedes? Điều này có liên hệ gì với nhận xét trên (thị trường ôtô vẫn là thị trường của một nhóm ít người giàu có, mà đã giàu thì phải mua xe xịn)?

Ông Huỳnh Dư An:

Đây có lẽ đơn thuần là bài toán về kinh doanh.

Theo tôi được biết, với giá thành của xe Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay thì khi nhập khẩu xe nguyên chiếc về đến Việt Nam sẽ có giá thành khó cạnh tranh với các dòng xe tương đương đang có tại Việt Nam nên chúng ta chưa thấy nhiều các sản phẩm loại này.

Hi vọng với dòng xe giá rẻ của Tata thì trong thời gian sắp tới Việt Nam có thể nhập xe lọai này với giá bán 6.000 hoặc 7.000 đô la Mỹ

Anh Tuấn (v_anhtuan_1977@yahoo.com):

Thuế tiêu thụ đặc biệt đã được áp dụng mà chưa thấy Euro Auto công bố giá mới. Tôi đang tò mò Euro Auto làm giá BMW thế nào? Riêng mẫu xe X6, không biết giá mới sẽ thế nào vì xe này hơi đặc biệt, có 5 chỗ nên thuộc diện không bị tăng nhiều.

Ông Huỳnh Dư An:

Với các dòng xe đang phân phối tại Việt Nam, xe X5, 750Li là hai dòng xe bị tăng giá do thuế tăng, chúng tôi đang cân nhắc cùng với tập đoàn để có được giá cùng san sẽ với mức thuế tăng với người tiêu dùng, riêng xe X5, nếu khách hàng mua ngay vẫn được áp dụng mức giá cũ với những xe đã được đóng thuế trước ngày 1/4.

Dòng xe 320i ra mắt vào tháng 5 tới, chúng tôi sẽ có giá rất đặc biệt công bố trong vài ngày tới, có thể trên dưới 60.000 đô la Mỹ/xe. Nếu bạn quan tâm, xin vui lòng liên hệ với các cửa hàng của chúng tôi để có thêm thông tin chi tiết.

Hoàng Văn Viện (therich_hp@yahoo.com):

Liệu tương lai ôtô Việt Nam sẽ giống như xe máy bây giờ không? Và cơ sở hạ tầng Việt Nam liệu có đủ để đáp ứng nhu cầu mua xe của người dân?

Ông Huỳnh Dư An:

Chào bạn. Theo tôi, tương lai của xe ôtô Việt Nam phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước và chính mỗi người dân trong việc chọn lựa phương tiện đi lại.

Theo cá nhân tôi thì, cơ sở hạ tầng Việt Nam chưa có đủ đáp ứng yêu cầu của người dân, đặc biệt tại các thành phố lớn là Tp.HCM và Hà Nội.

Nếu các nút giao thông cầu vượt, bãi đỗ xe và các luật giao thông được phát triển và áp dụng triệt để thì việc đi lại của người dân bằng ôtô sẽ rất thuận lợi.

Cũng xin lưu ý thêm, ý thức chấp hành luật giao thông là điều kiện tiên quyết để giảm ùn tắc và phát triển giao thông đô thị.

Phương Anh:

Tôi xin có hai câu hỏi: 1. Năm 2008 và đầu năm 2009 vừa qua với hàng loạt sự thay đổi về chính sách thuế của nhà nước, vậy xin hỏi các doanh nghiệp ô tô cần làm gì để có thể thích ứng? Liệu có quá khó khăn cho doanh nghiệp? 2. Trước sự suy thoái của kinh tế, nhà nước đã tung tiền nhằm kích cầu, vậy các doanh nghiệp ô tô có được hưởng lợi gì nhờ sự kích cầu này không?

Ông Huỳnh Dư An:

Câu hỏi đầu tiên của bạn tôi đã trả lời ở phần trên nên xin phép không trả lời lại.

Đối với ý thứ hai, riêng với công ty chúng tôi thì không được hưởng lợi trực tiếp song về gián tiếp, chính sách kích cầu cũng giúp chúng tôi kinh doanh tốt hơn từ nhu cầu mua sắm tăng lên của người tiêu dùng.

Thanh Hương (thanhhuong3tt@yahoo.com):

Xin hỏi ông Dư An, với một thị trường đang còn nhỏ bé như hiện nay thì có nên đầu tư sản xuất hay cứ nhập khẩu nguyên chiếc?

Ông Huỳnh Dư An:

Câu hỏi của bạn cũng là nỗi trăn trở của doanh nghiệp chúng tôi và có lẽ cũng là nỗi niềm của những doanh nghiệp ôtô khác. Bạn có thể tham khảo câu trả lời của tôi ở trên để hiểu thêm về vấn đề này.

Minh Tiến (minhtien_to@yahoo.com):

Theo ông, nếu muốn công nghiệp ôtô phát triển thật sự mạnh mẽ, các doanh nghiệp nên tập trung vào loại sản phẩm gì? Sau nhiều lần sang Thái Lan về tôi thấy Việt Nam đừng nên làm đủ loại xe mà nên chọn một loại thật sự thích hợp để làm, giống như xe pick-up ở Thái ấy, thế mới thành công. Ông nghĩ sao?

Ông Huỳnh Dư An:

Cá nhân tôi rất tán thành quan điểm của bạn. Chúng ta chỉ nên tập trung sản xuất vài sản phẩm có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Trước mắt một loại xe mạnh nên có sản lượng khoảng 50.000 xe/năm và phải tiêu thụ được 70% ở thị trường nội địa, sau đó mới tính đến xuất khẩu được.

Lan Hương (nguyenlanhuonghp79@yahoo.com):

Là CEO của một nhà nhập khẩu ôtô có thể nói là chuyên nghiệp nhất hiện nay, ông thấy những lần điều chỉnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc 2 năm vừa qua có điểm gì được và chưa được? Thử đặt ông vào vị trí của một người làm chính sách, nếu không tăng mạnh trở lại thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, ông sẽ điều hành chính sách đối với ngành ôtô thế nào trong 2 năm vừa qua, nhất là thời kỳ kinh tế bắt đầu rơi vào suy thoái, để giảm tải cho nền kinh tế, giảm nhập siêu?

Ông Huỳnh Dư An:

Theo ý kiến cá nhân của tôi, thì việc giảm thuế hay tăng thuế quá thường xuyên sẽ tạo ra môi trường kinh doanh khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, việc giảm thuế nhập khẩu ôtô năm 2007 từ 90% xuống 80%, 70% và cuối cùng là 60% tạo ra việc kinh doanh ôtô nhập khẩu trở nên khó. Đến 2008 thuế nhập khẩu lại tăng vùn vụt quay lại mức 83% như hiện nay làm nhiều doanh nghiệp không kịp thay đổi để thích ứng với môi trường khốc liệt này.

Về mặt doanh nghiệp, theo tôi doanh nghiệp đã không hưởng lợi gì từ việc giảm thuế năm 2007 vì hầu hết lợi nhuận trong năm đó đã phải bù lỗ cho việc kinh doanh năm 2008, nên nếu quay lại năm 2007, tôi nghĩ mức 70% thuế nhập khẩu là giải pháp tốt cho thị trường.

Nếu là người hoạch định chính sách, có lẽ nên áp dụng những biện pháp thắt chặt mềm dẻo đối với việc mua sắm ôtô trong ngắn hạn, như vậy các đơn vị kinh doanh ôtô sẽ thấy khó khăn mà không nhập hàng về ào ạt. Chính phủ sẽ hạn chế được nhập siêu và các doanh nghiệp kinh doanh ôtô có hướng điều chỉnh kinh doanh hợp lý hơn.

Minh Lý (taminh_ly@yahoo.com):

Theo ông, liệu công nghiệp ôtô Việt Nam có theo kịp được láng giềng Thái Lan không? Tại sao? Nếu theo kịp thì đến bao giờ kịp?

Ông Huỳnh Dư An:

Theo tôi thì Việt Nam hoàn toàn có cơ sở vượt qua Thái Lan. Vì, nước ta có thị trường  tiềm năng với dân số gần 90 triệu người và người Việt Nam có lẽ yêu thích ôtô hơn người Thái Lan. Có thể thấy rõ điều này qua các triển lãm ôtô.

Tôi tin rằng với chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô hợp lý, mong muốn này hoàn toàn có thể đạt được.

Hy vọng là tỷ lệ người sử dụng xe ôtô ở Việt Nam sẽ ngang bằng với các nước trong khu vực. Ngành ôtô sẽ phát triển hơn , đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Còn rất nhiều câu hỏi tôi mong muốn được giao lưu cùng độc giả của quý báo, nhưng thời lượng buổi trực tuyến đã hết. Mong độc giả thứ lỗi và xin cảm ơn các bạn đã quan tâm đến ngành công nghiệp ôtô nói chung và doanh nghiệp ôtô chúng tôi nói riêng.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.