Hà Nội: Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 23.439,61km, trong đó Sở GTVT quản lý: 2.331,72km; UBND cấp huyện quản lý: 21.107,891km. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 10,07%. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến (trong đó: 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour). Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến: 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng hiện nay đạt được khoảng 17,8%.
Phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố tính đến tháng 11/2022, tổng số 7.784.657 phương tiện giao thông, trong đó ô tô 1.056.423, xe máy 6.545.317, xe máy điện 182.917, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại thành phố Hà Nội.
Theo đánh giá của Sở GTVT TP Hà Nội, hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới được <1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 17,8%.
Trong khi đó, hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải phát đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Từ đầu năm đến nay, Sở GTVT TP Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Công an TP, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tập trung xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm gồm: Ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh; ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh; hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; cầu Thường Tín trên đường Quốc lộ 1; Bạch Mai - Trương Định; Phạm Ngọc Thạch - Lương Đình Của; cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn.
Với các nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông do mật độ giao thông cao, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, Sở GTVT TP Hà Nội cho rằng, để giải quyết triệt để, ổn định tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, lâu dài như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải…