Kích cầu ôtô ở Mỹ: Xe châu Á thắng lớn

Kiều Oanh
Chương trình thưởng dập xe cũ (cash for clunkers) của Chính phủ Mỹ hóa ra lại làm lợi nhiều hơn cho các hãng xe châu Á
Một chùm chìa khóa của những chiếc xe cũ bị mang đi đổi theo chương trình thưởng dập xe cũ của Mỹ - Ảnh: AP/NYTimes.
Một chùm chìa khóa của những chiếc xe cũ bị mang đi đổi theo chương trình thưởng dập xe cũ của Mỹ - Ảnh: AP/NYTimes.
Chương trình thưởng dập xe cũ (cash for clunkers) của Chính phủ Mỹ hóa ra lại làm lợi nhiều hơn cho các hãng xe châu Á và những mẫu xe kích thước nhỏ vốn là thế mạnh của họ.

Theo số liệu thống kê do Bộ Giao thông Mỹ công bố ngày 26/8, khi chính thức kết thúc vào ngày 25/8, chương trình thưởng dập xe cũ của nước này đã tiêu thụ 690.000 xe mới. Tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ đã chi ra cho chương trình này là 2,9 tỷ USD, thấp hơn mức 3 tỷ USD dự kiến ban đầu.

Tuần trước, Chính phủ Mỹ tuyên bố chương trình sẽ kết thúc vào ngày 24/8, nhưng sau đó đã quyết định gia hạn chương trình thêm một ngày.

Thưởng dập xe cũ là một chương trình kích cầu ôtô của Chính phủ Mỹ. Theo chương trình này, những khách hàng mua xe chịu đem xe cũ của mình đi dập và mua xe mới có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn sẽ được hưởng mức trợ giá 3.500 - 4.500 USD.

Cũng theo số liệu của Bộ Giao thông Mỹ, hãng xe có nhiều xe được tiêu thụ nhất trong chương trình thưởng dập xe cũ là “đại gia” Nhật Bản Toyota. Hãng xe này chiếm tới 19% trong tổng số xe được tiêu thụ và có tới 2 trong số 3 mẫu xe bán chạy nhất trong chương trình.

Tính chung, 3 hãng xe lớn nhất của Nhật Bản là Toyota, Honda và Nissan chiếm 41% số xe được tiêu thụ trong chương trình, so với tỷ lệ 38,6% thuộc về “tam đại gia” ôtô Mỹ General Motors (GM), Ford và Chrysler. Trong khi đó, trong 7 tháng đầu năm nay, 3 hãng xe Nhật chỉ chiếm thị phần 34% tại thị trường Mỹ, so với mức thị phần 45% của các hãng xe Mỹ.

Chiếc xe bán chạy nhất trong chương trình là chiếc Toyota Corolla, kế đến là Honda Civic, Toyota Camry, Ford Focus và Hyundai Elantra. Không một chiếc xe nào của GM hay Chrysler lọt vào top 10 xe bán chạy nhất trong chương trình, mặc dù GM về nhì xét về tổng số xe bán được.

Thành công của Toyota và các hãng xe châu Á khác xuất phát từ loại xe thế mạnh trong các phòng trưng bày xe của họ. Những khách hàng tham gia chương trình thưởng dập xe cũ của Mỹ rõ ràng quan tâm nhiều đến việc chuyển từ dùng xe lớn sang dùng xe kích thước nhỏ hơn, có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn. Thống kê cho thấy, khoảng 84% xe bị chủ đem đi dập để hưởng trợ giá là xe tải, 59% số xe được mua mới theo chương trình là xe 4 chỗ.

Toyota và Honda từ lâu đã là những hãng xe đi đầu ở phân khúc thị trường xe nhỏ và xe có kích thước trung bình ở Mỹ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Corolla và Civic là những chiếc xe bán chạy nhất trong chương trình.

Tuy vậy, sự quan tâm của người Mỹ tới xe nhỏ cũng có thể được coi là một tia hy vọng cho các hãng xe Mỹ.

Ford tin rằng, người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục “xa lánh” những chiếc xe cồng kềnh và chuyển sang dùng xe nhỏ. Do đó, Ford đang chuẩn bị cho việc tung ra phiên bản mới của các chiếc Focus và Fiesta. GM và Chrysler đã ra dấu cho thấy, sau khi hoàn tất quá trình phá sản, họ sẽ giới thiệu nhiều mẫu xe nhỏ hơn và ít xe tải hơn.

Chương trình thưởng dập xe cũ của Mỹ được xem là một mũi tên bắn trúng hai đích. Một mặt, chương trình thúc đẩy việc sử dụng những chiếc xe thân thiện hơn với môi trường. Mặt khác, chương trình đã thổi một luồng sinh khí vào thị trường ôtô ảm đạm của Mỹ. Doanh số thị trường ôtô Mỹ trong tháng 7 đã khởi sắc và được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trong tháng 8 này.

(Theo New York Times)

Tin mới

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.
Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.