"Niềm tự hào dân tộc là một lợi thế của VinFast"
Vào thời điểm các công ty xe hơi tại các quốc gia phát triển đang phải đối mặt với tình hình lợi nhuận giảm sút do chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty công nghệ với lượng vốn khổng lồ, Việt Nam đã "đánh cược" vào lĩnh vực sản xuất xe hơi và coi đó như một tấm vé thông hành để gia nhập vào các quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng hơn, giống như cách mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm trước đây, hãng tin Reuters nhận xét.
Với việc hai mẫu xe LUX A2.0 và LUX SA2.0 chính thức ra mắt công chúng vào ngày 2/10 tại triển lãm quốc tế Paris Motor Show 2018, VinFast (một công ty con của Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam) chính thức là công ty sản xuất xe hơi nội địa đầu tiên của Việt Nam. Các mẫu xe do VinFast sản xuất dự kiến sẽ bán ra thị trường vào khoảng tháng 8/2019.
"Có nơi nào trên thế giới này xe ôtô được làm ra với tốc độ nhanh kỷ lục như thế này không?", ông Shaun Calvert, Phó tổng giám đốc VinFast nói khi hướng mắt nhìn về phía khu vực nhà máy trên đảo Cát Hải (Hải Phòng), nơi mà 9 tháng trước đây chỉ là biển.
Trong giai đoạn khởi đầu, VinFast sẽ có khả năng sản xuất 250.000 xe hơi trong khoảng 5 năm tới hoặc hơn, tương đương với 92% lượng xe bán ra ở Việt Nam năm 2017, theo dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Nhà máy VinFast mới chỉ được khởi công vào tháng 9/2017, với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 3,5 tỷ USD.
"Chúng tôi đang thúc đẩy việc mở rộng nhanh chóng thị trường ôtô nội dịa, nên chúng tôi hoàn toàn tập trung để chiến thắng trên mặt trận này trước tiên", ông James Deluca, Tổng giám đốc VinFast chia sẻ trước thềm Paris Motor Show, nơi VinFast sẽ công bố thị trường xuất khẩu của họ với thế giới. "Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường khu vực ASEAN và các thị trường khác".
Phần lớn xe ôtô bán ở Việt Nam mang thương hiệu quốc tế nhưng được lắp ráp trong nước từ các linh kiện nhỏ. Tuy nhiên hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã giảm thuế nhập khẩu và đang mở rộng thị trường. 30% thuế nhập khẩu xe ôtô đối với các nước Đông Nam Á được bỏ trong năm nay"
Vingroup đã tham gia vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam với thương hiệu Vinhomes, lĩnh vực y tế với thương hiệu Vinmec, hàng loạt các siêu thị được mở với tên gọi Vinmart và các khu nghỉ dưỡng vui chơi giải trí tại Vinpearl.
"Có khoảng 4 triệu khách hàng hiện đang tương tác với Vingroup, do vậy đây được coi là thương hiệu lớn, một thương hiệu đầy cảm hứng. Các khách hàng hàng sẵn sàng đón nhận sản phẩm nội đia mang tên VinFast", ông James Deluca nói.
Tại một đất nước được biết đến với những chiếc xe máy hiện diện ở khắp các con phố nhỏ vòng vèo ở Hà Nôi và Tp.HCM, VinFast dự kiến sản xuất khoảng 250,000 xe máy điện một năm song song với việc sản xuất 250.000 xe ôtô, hệ thống sản xuất xe máy điện thậm chí có thể đảm bảo sản lượng sản xuất lên tới đạt 1 triệu xe mỗi năm.
Công ty này cũng đã bắt đầu phát triển ắc quy động cơ điện với EDAG Engineering - một thương hiệu nổi tiếng của Đức, theo ông James Deluca. "Chúng tôi tin rằng với việc đầu tư xe hơi, tốt nhất là nên bắt đầu với xe động cơ đốt trong sau đó sẽ tiến hành với loại xe động cơ điện. Từ góc độ cơ sở hạ tầng, sạc một chiếc xe máy bao giờ cũng dễ hơn so với việc sạc xe ôtô".
VinFast đang được triển khai với tốc độ thần tốc như vậy một phần là nhờ vào việc được thừa hưởng nhiều công nghệ sẵn có của thế giới. Hai mẫu xe đầu tiên của VinFast được phát triển dựa trên nền tảng của BMW. Các bộ phận cấu thành được sản xuất bởi Magna Steyr thuộc tập đoàn Magna International (MG.TO) của Canada, trong khi đó mẫu thiết kế xe thiết kế bởi hãng thiết kế Pininfarina (PNNI.MI) đến từ Ý.
"Việc cộng tác với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tạo cho chúng tôi khả năng phát triển nhanh hơn tiến đến việc sản xuất chiếc xe 100% của VinFast và không giống bất cứ mẫu xe nào hiện đang có trên thị trường", ông James Deluca khẳng định.
VinFast chiêu mộ được nhiều các chuyên gia nước ngoài. Ít nhất 5 trong số đội ngũ lãnh đạo của VinFast, bao gồm ông Deluca và ông Calvert, đã từng là những lãnh đạo cấp cao của General Motors (GM).
Tháng 6/2018, GM - thương hiệu sản xuất ôtô hàng đầu của Mỹ đã đồng ý chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu nhà máy GM tại Hà Nội cho VinFast. Hãng xe Việt Nam hiện đã sở hữu license (quyền sở hữu nền tảng công nghệ) của GM để sản xuất các mẫu xe cỡ nhỏ từ năm 2019.
Không thể phủ nhận VinFast có bộ máy tổ chức nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên khi dấn thân vào ngành công nghiệp ôtô đầy cạnh tranh này, hãng cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn thực sự.
Trong khu vực, những công ty như Proton của Malaysia hay Holden của Úc cũng đang chật vật để có thêm được các nguồn thu tại các thị trường láng giềng ngoài doanh thu trong nước.
Vinaxuki - một công ty Việt Nam - từng thành lập thương hiệu sản xuất ôtô nội địa nhưng phải chấm dứt việc sản xuất vào năm 2012, trước cả khi chiếc xe đầu tiên chính thức được công bố.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc VinFast cho biết những mẫu xe đầu tiên của VinFast có giá "rất hợp túi tiền khách hàng" để thu hút thị trường, nhưng ông từ chối đưa ra giá cụ thể.
Dẫu vậy tại Việt Nam, nơi mà hàng trăm nghìn người người dân đổ ra đường với lá cờ tổ quốc trên tay mừng chiến thắng lịch sử của đội tuyển U23 Việt Nam, VinFast vẫn đang có những lợi thế cạnh tranh khó đo đếm. "Chúng tôi nghĩ niềm tự hào dân tộc chính là một lợi thế to lớn của VinFast", Reuters dẫn lời ông Deluca.