Phương tiện thay đổi màu sơn trên 50% sẽ bị từ chối đăng kiểm từ 1/10
Theo đó, với chủ xe thay đổi màu sơn ô tô bằng cách dán decal nhưng không làm thay đổi đến nhận diện màu xe ghi trên chứng nhận đăng ký xe, đơn cử như: dán nóc màu đen, trang trí decal thân vỏ xe,…sẽ được xếp vào lỗi hư hỏng, khiếm khuyết không quan trọng (MiD). Những ô tô này vẫn đạt hạng mục kiểm tra về màu xe, nếu đạt các hạng mục còn lại, sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định như bình thường.
Tuy nhiên, nếu chủ xe thay đổi màu sơn mà màu sơn đó chiếm diện tích lớn nhất của xe không đúng với màu được ghi trong chứng nhận đăng ký xe, ô tô sẽ bị từ chối đăng kiểm vì theo quy định mới sẽ được xếp vào hạng mục hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng, làm thay đổi nhận dạng bên ngoài của xe. Do đó, nếu các chủ xe muốn trang trí ô tô bằng cách thay đổi màu sơn xe thì nên lưu ý, màu sơn mới không được vượt quá 50% diện tích xe. Màu sơn theo đăng ký xe luôn luôn phải là màu sơn chủ đạo của xe.
Thông tư 30/2024 cũng quy định trường hợp thân vỏ ô tô bị bong tróc sơn sẽ là hư hỏng, khiếm khuyết không quan trọng và được chấp nhận khi kiểm tra hạng mục này.
Tự ý đổi màu sơn xe ô tô sẽ bị phạt tiền
Theo khoản 2, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, khi chủ xe ô tô tự ý thay đổi màu sơn xe khác với màu được ghi trong Giấy đăng ký xe sẽ phải chịu mức phạt từ 300.000 - 400.000 đồng (đối với cá nhân), 600.000 - 800.000 đồng (đối với tổ chức).
Tự ý thay đổi kết cấu phương tiện, bên cạnh bị phạt hành chính, chủ xe sẽ không được đăng ký, đăng kiểm và cấp phép lưu hành để tham gia giao thông. Đồng thời, phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của xe để không ảnh hưởng đến việc thẩm định của CSGT.
Thủ tục đổi màu sơn xe ô tô như thế nào?
Chủ xe được phép đổi màu sơn với điều kiện tuân thủ đầy đủ thủ tục đổi màu sơn xe ôtô theo quy định. Theo đó, thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an cũng có quy định rõ về vấn đề này.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Tờ khai đề nghị cấp lại màu sơn (mẫu số 2 ban hành kèm thông tư số 15) và Giấy đăng ký xe có thông tin chủ xe (tên chủ xe, địa chỉ thường trú, số CMND hoặc CCCD) và thông tin xe (dòng xe, màu sơn, biển số, năm sản xuất, số máy, số khung...).
- Các loại giấy tờ tùy thân bao gồm: CMND, CCCD hoặc sổ hổ khẩu bản photo công chứng cách thời điểm làm hồ sơ không quá 3 tháng.
- Sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng hoặc hộ chiếu còn thời hạn đối với chủ xe là người ngoại quốc.
- Giấy chứng nhận đăng ký xe cũ.
Để rút ngắn thời gian kiểm định hồ sơ, chủ xe nên chủ động chuẩn bị đầy đủ hồ sơ. Hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan Cảnh sát giao thông địa phương, không cần qua trung gian.
Chủ xe có thể bị phạt hành chính tối đa 800.000 đồng và không được cấp phép đăng kiểm nếu tự ý đổi màu sơn xe ôtô. Ảnh: Phong Nguyễn
Chủ xe có thể bị phạt hành chính tối đa 800.000 đồng và không được cấp phép đăng kiểm nếu tự ý đổi màu sơn xe ôtô. Ảnh: Phong Nguyễn
Bước 2: Đưa xe đến cơ quan đăng ký
Chủ xe đưa xe đến cơ quan đăng ký là Phòng CSGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bước 3: Cán bộ CSGT kiểm tra xe
Cán bộ CSGT tiến hành kiểm tra xe, đối chiếu số máy, số khung theo quy định. Chủ xe trình bày lý do đổi màu sơn và đề xuất màu sơn muốn thay đổi. Cán bộ CSGT sẽ xác nhận màu sơn mới, thay đổi thông tin và cấp giấy đăng ký xe mới.
Bước 4: Đóng lệ phí và lấy giấy hẹn
Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư số 127/2013/TT-BTC, mức lệ phí đổi Giấy đăng ký xe ôtô tại khu vực I, II, III là 150.000 đồng. Thời gian thực hiện thủ tục không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 5: Sơn lại màu đã được đăng ký mới
Sau khi hồ sơ được chấp nhận, chủ xe được phép sơn lại xe tại các gara uy tín, sau đó quay trở lại cơ quan Cảnh sát giao thông để đổi lại giấy chứng nhận đăng ký có màu sơn mới. Khi tới kỳ kiểm định, cơ quan Đăng kiểm sẽ đổi lại màu sơn của xe trong sổ chứng nhận kiểm định.