“Siết” hoạt động đăng kiểm: Để người dân, doanh nghiệp không bị thiệt thòi
Cụ thể, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thành lập một Tổ công tác thực hiện kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở kiểm định trên phạm vi toàn quốc nhằm nâng cao chất lượng các phương tiện tham gia giao thông.
Danh mục kiểm định được đặc biệt lưu ý bao gồm: Biển số xe; số khung, số máy; hệ thống đèn; cần gạt nước; nước rửa kính; hệ thống động cơ, nước làm mát; bánh xe, lốp phụ; bảng đồng hồ; hệ thống dây đai an toàn; hệ thống phanh.
Theo đó, các thay đổi kết cấu xe sẽ bị từ chối đăng kiểm bao gồm: Lắp thêm cản trước, cản sau, giá nóc; thay đổi hệ thống đèn xe; lắp thêm ghế; thay đổi màu sơn…
Trước đây, việc kiểm tra tổng thế an toàn kỹ thuật của một chiếc xe chỉ mất khoảng 15 phút. Tuy nhiên, dưới sự kiểm tra của tổ công tác, thời gian kiểm định kéo dài hơn, nhiều trường hợp xe ôtô bị hư hỏng mức độ nhẹ, hoặc lắp đặt, trang trí đơn thuần cũng bị “trượt” đăng kiểm. Điều này đã gây nên tình trạng ùn tắc cục bộ tại nhiều trung tâm đăng kiểm khu vực miền Nam những ngày qua.
Anh Đặng Khoa Vũ, đại diện garage Autobis (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Những ngày gần đây, các anh em trong nghề “độ” xe liên tục phản ánh tình hình kinh doanh ế ẩm. Thậm chí, nhiều khách đã chốt đơn, chờ ngày mang xe đến để tân trang thì nay lại hủy hợp đồng vì sợ trượt đăng kiểm”.
Cũng theo anh Vũ, những hạng mục “độ” xe thường được khách hàng ưa chuộng nhất là đèn Led, mặt ca-lăng, giá nóc, mâm xe… Trong đó, đèn Led là thiết bị gây nhiều tranh cãi nhất.
Theo Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, việc kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng chủ yếu là tình trạng hoạt động ra sao, màu của ánh sáng, hình dạng của chùm sáng, cường độ sáng. Còn theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, việc lắp đặt các loại đèn phải đảm bảo quy chuẩn về vị trí lắp đặt, màu sắc, số lượng tối thiểu, cường độ sáng. Trong đó, đối với đèn chiếu xa chỉ quy định cường độ sáng tối thiểu là 12.000 cd. Với quy định này, các dạng đèn Led bar gắn trên giá nóc hay cản trước, cản sau ô tô đều không hợp lệ.
“Nhiều khách hàng sử dụng xe đời cũ, dùng bóng halogen, nhưng hiện tại hãng không hỗ trợ sản phẩm tương tự nữa nên buộc phải thay loại bóng mới. Để đảm bảo độ sáng, một số khách lựa chọn lắp đèn pha led. Thông số kỹ thuật của đèn Led của nhà sản xuất cũng đáp ứng đủ tiêu chuẩn về cường độ sáng tối thiểu. Thế nhưng, khi mang xe đi kiểm định lại vẫn bị trượt khiến nhiều anh em lái xe bức xúc”, anh Vũ chia sẻ thêm.
Một số chủ xe cũng cho rằng, việc thay đổi chi tiết trên xe như dán decal họa tiết một phần, không làm thay đổi tổng thể màu xe cũng bị trả về là không hợp lý. Các chi tiết khác như mặt ca-lăng, mâm xe được trang trí cũng chỉ mang tính chất thẩm mỹ, không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo một đại diện trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, việc “độ” mặt ca-lăng khiến ngoại thất chiếc xe bị thay đổi so với bản tiêu chuẩn, dễ gây nhầm lẫn giữa các đời xe hoặc nhầm lẫn với mẫu xe khác hoàn toàn (ví dụ độ bodykit Lexus LX570 cho xe Fortuner). “Điều này sẽ gây khó khăn cho hoạt động quản lý phương tiện của cơ quan Nhà nước. Mặt khác, việc ốp mặt ca-lăng mới không đảm bảo kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị khác gắn ở đầu xe như radar, cảm biến. Đối với việc dán decal, nếu ở mức độ họa tiết đơn giản, không ảnh hưởng đến màu sơn và không vi phạm quy định của ngành văn hóa, trung tâm có thể xem xét cho đăng kiểm. Còn đối với việc thay đổi đèn xe, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể của Cục Đăng kiểm để các trung tâm thực hiện”, đại diện trung tâm này cho biết.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Hùng, Founder Startup DauThau.info, CEO VINADES.,JSC cho rằng, việc “siết” hoạt động đăng kiểm ôtô phải căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn. “Nếu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trang trí nội thất, đồ chơi ôtô tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được quy định thì lĩnh vực “độ” xe sẽ vẫn phát triển. Vấn đề ở Việt Nam là một số quy định chưa thực sự rõ ràng và chưa có lộ trình thay đổi cụ thể, dẫn đến sự lúng túng của nhiều trung tâm đăng kiểm. Điều này cũng góp phần tạo rủi ro trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này”, ông Hùng cho biết thêm.
Trước những phản ánh của người dân, mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn, cho phép các trung tâm đăng kiểm được cấp giấy chứng nhận kiểm định với các hạng mục khiếm khuyết không gây mất an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường, trong đó có các hạng mục như màu sơn, cửa xe, tay nắm cửa, bậc lên, xuống ô tô…
Các trung tâm đăng kiểm không được có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu; đảm bảo duy trì hoạt động ổn định cung cấp dịch vụ kiểm định và có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết tốt nhất nhu cầu đăng kiểm của người dân và doanh nghiệp.
Các đơn vị đăng kiểm cần thực hiện các nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và đánh giá trung thực, khách quan các khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới khi vào kiểm định theo quy định tại Bảng 1 Phụ lục II của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12-8-2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo hướng nhanh và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Phối hợp hoặc thông báo ngay tới chính quyền địa phương hoặc các cơ quan có thẩm quyền để phòng ngừa không để xảy ra hiện tượng cá nhân lợi dụng nhu cầu đăng kiểm tăng cao để trục lợi và gây rối trật tự công cộng; tuyệt đối không để xảy ra ách tắc, chậm trễ trong việc kiểm định phương tiện cho nhân dân; trường hợp có vướng mắc liên hệ Cục Đăng kiểm Việt Nam thông qua Phòng Kiểm định xe cơ giới theo số điện thoại 0243.768.4706 để kịp thời giải đáp.
Trên các diễn đàn chuyên về xe ô tô, giao thông những ngày qua vấn đề đăng kiểm là chủ đề rất nóng liên tục được bàn luận với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người tỏ ra đồng tình với việc từ chối đăng kiểm đối với các xe đã lắp đặt thêm phụ tùng, người lại cho rằng đối với những can thiệp nhỏ, không làm thay đổi yếu tố kỹ thuật, môi trường thì nên cân nhắc.
Trong khi đó, ở góc độ các chuyên gia trong ngành giao thông thì về nguyên tắc các phương tiện khi lưu thông nếu gặp nguy hiểm do nhiều nguyên nhân. Có thể chỉ ra một số trường hợp như do xe bị mất lái, hệ thống phanh không hoạt động tốt hoặc bị chở quá tải hoặc thay đổi kích thước so với thiết kế ban đầu v.v... Những nội dung này đã được nghiên cứu và đưa vào quy định của pháp luật để áp dụng. Đối với những yếu tố khác, nếu không làm ảnh hưởng đến độ an toàn của xe khi lưu thông trên đường thì vẫn được đăng kiểm như bình thường.
Thực tế, việc đăng kiểm ô tô định kỳ là việc làm cần thiết, là quy định pháp luật mà các chủ xe phải tuân thủ. Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận mong muốn là đăng kiểm như thế nào sao cho thực chất và minh bạch, đúng quy định, vì chỉ sau khi có những vấn đề tiêu cực khi bị phanh phui, các cơ quan quản lý nhà nước vào thanh kiểm tra mạnh tay thì các trung tâm đăng kiểm lúc đó mới làm chặt chẽ, nhưng lại quá cứng nhắc, vô tình đẩy cái khó cho người dân và nhiều doanh nghiệp dịch vụ bị ảnh hưởng.