Toyota đóng cửa nhà máy đầu tiên trong lịch sử

Mai Phương
Toyota đã chính thức quyết định đóng cửa nhà máy liên doanh với hãng xe Mỹ General Motors (GM) tại bang California
Nhà máy New United Motor Manufacturing Inc (Nummi) sẽ ngừng hoạt động vào tháng 3/2010 - Ảnh: AP.
Nhà máy New United Motor Manufacturing Inc (Nummi) sẽ ngừng hoạt động vào tháng 3/2010 - Ảnh: AP.
Hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới Toyota đã chính thức quyết định đóng cửa nhà máy liên doanh với hãng xe Mỹ General Motors(GM) tại bang California. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 72 năm của Toyota, một quyết định như vậy được đưa ra.

Thông báo ra ngày 28/8 của Toyota cho biết, nhà máy New United Motor Manufacturing Inc (gọi tắt là Nummi) sẽ ngừng hoạt động vào tháng 3/2010. Đây là nhà máy nơi Toyota sản xuất xe Corolla và Tacoma, đồng thời là nơi GM sản xuất những chiếc Pontiac Vibes. Theo quy trình phá sản, vào tháng 6 vừa qua, GM cũng đã tuyên bố đóng cửa sản xuất tại nhà máy này.

Sự xuống dốc thê thảm của thị trường ôtô Mỹ do khủng hoảng đã khiến “đại gia” Nhật Toyota không thể duy trì hoạt động sản xuất tại các nhà máy của hãng tại Bắc Mỹ với toàn bộ công suất.

“Nummi là một nhà máy có tổ chức công đoàn chặt chẽ và chi phí vận hành cao. Việc Toyota đóng cửa nhà máy này một quyết định hợp lý. Họ cần cắt giảm công suất vì nhu cầu ôtô sẽ không sớm phục hồi mạnh”, ông Yuuki Sakurai, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Fukoku Capital Management ở Tokyo, nhận định.

Việc đóng cửa nhà máy Nummi sẽ gây thêm khó khăn lớn cho bang California, nơi tỷ lệ thất nghiệp hiện đã lên tới mức 11,9%. Số công nhân mà Nummi hiện có là 5.400 người, trong đó có 4.550 công nhân thuộc Liên đoàn Công nhân ôtô Mỹ (UAW). Thêm vào đó, Nummi còn là khách hàng của hơn 1.000 nhà cung cấp.

Chủ tịch UAW Ron Gettelfinger nhận định, thông báo đóng cửa Nummi của Toyota là “một hung tin đối với hàng ngàn công nhân ở California”. “Họ xứng đáng được hưởng những gì tốt đẹp hơn việc bị công ty này bỏ rơi”, ông Gettelfinger nói.

Theo phát ngôn viên Yuta Kaga của Toyota, hiện chưa có quyết định gì về các gói bồi thường thôi việc cho nhân viên của Nummi, và việc này sẽ do Nummi quyết định.

Việc sản xuất xe bán tải Tacoma tại Nummi sẽ được Toyota chuyển về nhà máy ở San Antonia, còn hoạt động sản xuất xe Corolla tại nhà máy sắp đóng cửa sẽ được rời về nhà máy ở Ontario, Canada. Toyota cho biết họ sẽ cân nhắc việc thuê công nhân của Nummi tới làm việc tại các nhà máy khác của hãng.

Doanh số của Toyota tại thị trường Mỹ - nguồn thu lớn nhất của hãng xe này - đã giảm 38% trong nửa đầu năm nay, sau khi đã giảm 15% trong năm ngoái. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa qua, Toyota đã lỗ 436,9 tỷ Yên, đánh dấu năm thua lỗ lần đầu tiên trong 6 thập kỷ. Toyota dự báo, năm tài khóa này họ sẽ còn lỗ đậm hơn, với con số có thể lên tới 450 tỷ Yên.

Tổng công suất toàn cầu của Toyota hiện là 10 triệu xe mỗi năm, trong đó công suất tại Mỹ là khoảng 2 triệu xe. Riêng nhà máy tại Nummi có công suất 420.000 xe.

Trước khi chính thức tuyên bố đóng cửa Nummi, trong tuần này, Toyota đã tuyên bố tạm ngừng hoạt động một dây chuyền sản xuất tại một nhà máy trong nước trong thời gian từ 2010-2011.

(Theo Bloomberg)

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.