Vì sao nhiều hãng xe quay sang sản xuất xe Hybrid?

Lê Vũ
Xe “thuần điện" là một trong những loại phương tiện không phát thải, đáp ứng mục tiêu Net Zero của nhiểu quốc gia. Tuy nhiên, những rào cản về hạ tầng, giá thành sản phẩm và sự tiếp nhận của người tiêu dùng đã khiến tiến trình điện khí hóa không suôn sẻ như kỳ vọng. Một số chuyên gia cho rằng, có một giải pháp hài hòa hơn, đang được các nhà sản xuất đánh giá lại, đó là quay sang sản xuất xe Hybrid.

Niềm tin mãnh liệt vào xe Hybrid của Toyota

Động cơ Hybrid trên mẫu xe Toyota Corolla Cross.
Động cơ Hybrid trên mẫu xe Toyota Corolla Cross.

Toyota là công ty tiên phong giới thiệu công nghệ Hybrid trên thế giới. Hãng xe hàng đầu Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu tua bin khí, động cơ Hybrid từ năm 1968. Năm 1997, chiếc xe Hybrid đầu tiên trên thế giới, Toyota Prius chính thức ra mắt và trở thành “hiện tượng” trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh xe chạy xăng, dầu đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các dòng xe phổ thông đang ngày càng tiệm cận với túi tiền của người tiêu dùng, vấn đề giảm phát thải chưa thực sự được quan tâm nên Toyota Prius dần rơi vào cảnh “ế ẩm”. Đến năm 2007, doanh số mẫu xe này đã giảm đến 85%, trong khi các mẫu xe thuần điện của Tesla ngày càng “đắt khách”.

Sau nhiều năm tìm tiếng nói chung, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), các quốc gia đã đạt thỏa thuận lịch sử, cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”. Cụ thể, giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào năm 2050, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác. Điều này đã tạo nên một sức ép rất lớn lên các nhà sản xuất ô tô. Trong đó, nhiều chuyên gia từng chung nhận định rằng, xe thuần điện (BEV) và xe chạy bằng pin nhiên liệu Hydro (FCEV) mới là đích đến thực sự của Net Zero, còn xe Hybrid chỉ là “thời kỳ quá độ” và sẽ sớm bị thay thế trong tương lai gần.

Đó là lý do để Tesla (Mỹ) khởi phát cuộc chạy đua phát triển xe thuần điện trên toàn cầu và đối thủ cạnh tranh lớn nhất là BYD (Trung Quốc). Thậm chí, những hãng ô tô lớn nhất của Mỹ như GM, Ford cũng quyết định dồn toàn lực vào phát triển xe điện để hướng tới thay thế hoàn toàn xe chạy xăng, dầu. Trong khi đó, Chủ tịch Toyota, ông Akio Toyoda lại bày tỏ nghi ngờ về khả năng thành công nhanh chóng của xe BEV. Hồi tháng 1/2023, ông Toyoda nói: “Vì câu trả lời chưa rõ ràng nên chúng ta không cần phải giới hạn bản thân vào một lựa chọn duy nhất”, ý nói rằng Toyota sẽ không chỉ tập trung vào BEV mà sẽ vẫn duy trì xe Hybrid và phát triển FCEV.

Phát ngôn của ông Toyoda đã từng vấp phải sự chỉ trích của một số quan chức chính phủ và tầng lớp tinh anh trong tập đoàn rằng như vậy là đang thờ ơ với xe điện (BEV), để cho Tesla và BYD thỏa sức giành lấy thế chủ động. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định rời ghế CEO của ông Toyoda vào tháng 4/2023, nhưng vẫn nắm vị trí chủ tịch HĐQT.

Dù vậy, sau đó, chiến lược về xe điện của Toyota vẫn không có nhiều thay đổi. Mẫu “thuần” điện đầu tiên với tên gọi bZ4X không đạt thành công như mong đợi, thậm chí từng phải triệu hồi chỉ sau 2 tháng ra mắt, nhưng Toyota vẫn không “sốt sắng” phát triển thêm các mẫu xe mới. Thay vào đó, hàng loạt mẫu xe Hybrid mới tiếp tục được ra mắt trong 3 năm trở lại đây, trong đó phải kể đến Toyota Corolla Cross, Toyota Yaris Cross, Toyota Innova Cross và Toyota Camry 2024 (hoàn toàn bỏ động cơ xăng để chuyển đổi sang Hybrid).

Theo báo cáo, doanh số toàn cầu của Toyota trong năm 2023 đã đạt mức kỷ luc, với 11,23 triệu xe, giữ vững danh hiệu nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Trong đó, doanh số các dòng xe Hybrid (gồm Mild Hybrid, Full Hybrid và Plug-in Hybrid) đạt 3,57 triệu xe, trong khi doanh số BEV chỉ đạt 104.018 xe. Hiện nay, xe Hybrid của Toyota đã được bán tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các quốc gia châu Á như: Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Pakistan, Singapore, Brunei, Bhutan, Sri Lanka, Bangladesh và Việt Nam.

Những lý do khiến xe Hybrid trở thành lựa chọn phù hợp

Ngày càng nhiều hãng
Ngày càng nhiều hãng "quay xe" sang sản xuất xe Hybrid.

“Hybrid là bước chuyển phù hợp trong tiến trình điện khí hóa tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam”, đó là khẳng định của PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội). PGS Phúc cũng thông tin thêm rằng, trên thế giới, người ta phân chia Hybrid thành nhiều loại, dựa theo công suất và hiệu suất sử dụng năng lượng. Theo đó, đối với những dòng xe Micro Hybrid hoặc Mild Hybrid, công suất động cơ điện rất nhỏ, chủ yếu phục vụ đề nổ và một vài chức năng phụ bên trong xe, không có khả năng hoạt động độc lập khi xe hết xăng nên bản chất không khác một chiếc xe chạy xăng truyền thống, hầu như không đem lại hiệu quả tích cực đối với môi trường. Thay vào đó, để hướng đến giảm phát thải, các nhà sản xuất cần ưu tiên phát triển và tạo ra các sản phẩm xe Full Hybrid hoặc Plug-in Hybrid (PHEV) bởi những dòng xe này mới đem lại hiệu suất sử dụng năng lượng tối ưu.

Qua nghiên cứu hoạt động của động cơ Toyota Hybrid, PGS Phúc và các cộng sự nhận thấy rằng, hệ thống Toyota Hybrid có khả năng lựa chọn nguồn năng lượng cần thiết để vận hành xe một cách mạnh mẽ mà vẫn tiết kiệm nhiên liệu. Cụ thể, khi xe bắt đầu chuyển động, ở tốc độ thấp, năng lượng được cung cấp từ pin Hybrid đến động cơ điện. Động cơ xăng vẫn tắt, xe chuyển động êm ái và mượt mà nhờ động cơ điện. Khi tăng tốc, động cơ điện và động cơ xăng kết hợp cùng hoạt động, công suất của động cơ điện sẽ được cộng gộp với công suất của động cơ xăng, tạo nên công suất tổng hợp mạnh mẽ hơn so với phiên bản chạy xăng. Khi ắc quy Hybrid không còn đủ năng lượng, động cơ xăng sẽ làm quay động cơ điện và sử dụng nguồn điện tạo ra để dẫn động bánh xe. Khi giảm tốc và phanh, động cơ điện sử dụng động năng của xe làm máy phát quay, lượng điện này sẽ được tích vào pin Hybrid. Đây là tính năng quan trọng giúp giảm tiêu hao nhiên liệu mà các dòng xe Full Hybrid và Plug-in Hybrid có được. Cuối cùng, khi xe ở chế độ nghỉ, động cơ điện và động cơ xăng tự động tắt để bảo toàn năng lượng. Nhiên liệu không bị lãng phí khi xe không hoạt động.

Như vậy, trong một số tình huống, động cơ Hybrid mạnh mẽ hơn động cơ xăng thông thường, nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu hơn. Người dùng có cơ hội trải nghiệm cảm giác lái gần giống với một chiếc xe thuần điện, nhưng lại không mất đi những cảm giác quen thuộc của xe xăng như tiếng gầm, độ rung nhẹ khi động cơ vận hành và không làm thay đổi thói quen của người dùng.

Đồng thời, do sở hữu 2 loại động cơ gồm động cơ xăng và động cơ điện hoạt động hỗ trợ lẫn nhau, xe Hybrid vẫn sử dụng nhiên liệu xăng để vận hành, thay vì phải sạc pin tại các trạm sạc (trừ PHEV). Quy trình nạp nhiên liệu vẫn giống như đổ xăng tại các trạm xăng truyền thống, thường chỉ mất vài phút. Việc không phải lệ thuộc vào hạ tầng trạm sạc khiến xe Hybrid dễ được người tiêu dùng chấp nhận hơn.

Bên cạnh đó, giá cả cũng là một tiêu chí quan trọng tác động đến quyết định mua xe của người tiêu dùng. Thực tế, trong vài năm gần đây, doanh số xe thuần điện tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc tăng mạnh là nhờ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ chính phủ. Trong đó, chính sách trợ giá hàng nghìn USD dành cho mỗi chiếc xe điện được bán ra có tác động mạnh mẽ nhất, khiến nhiều người có điều kiện sẵn sàng móc hầu bao để sở hữu và trải nghiệm. Tuy nhiên, khi ưu đãi kết thúc, lượng người mua xe cũng giảm dần. Nguyên nhân chính là đa số các mẫu xe thuần điện tại Mỹ, châu Âu đều có mức giá khá cao, từ 42.000 - 60.000 USD đối với các mẫu xe phổ thông, thậm chí trên 100.000 USD đối với các mẫu xe sang; trong khi đó, các mẫu thuần điện tại Trung Quốc có mức giá khá rẻ, chỉ từ 30.000 USD, thậm chí dòng xe điện mini chỉ có giá từ 10.000 - 20.000 USD/xe. Điều này khiến nhiều người có tâm lý chờ đợi thêm một vài năm để giá xe thuần điện giảm xuống đến mức có thể chấp nhận được. Đối với một số mẫu xe Hybrid phổ thông, mức giá chỉ từ 30.000 - 42.000 USD tùy loại nên được nhiều người dùng nhắm đến.

Ngoài ra, vòng đời sử dụng của một chiếc ô tô đang ngày càng ngắn lại, trung bình chỉ còn 5-10 năm. Do vậy, trước kỳ hạn cuối đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, xe Hybrid vẫn còn dư địa phát triển rất lớn.

Trước thực trạng nhu cầu BEV chững lại, sự lớn mạnh của thị trường xe điện Trung Quốc và tình hình “ăn nên làm ra” của các mẫu xe Toyota Hybrid, nhiều nhà sản xuất đang phải tính toán lại và điều chỉnh chiến lược theo hướng giảm sản lượng BEV, dồn nguồn lực sang phát triển các mẫu Hybrid thế hệ mới. Trong đó, Ford đã cắt giảm một nửa sản lượng dự kiến đối với mẫu bán tải điện F-150 Lightning kể từ cuối năm 2023, gia tăng sản lượng các mẫu xe Hybrid. Số liệu mới nhất tháng 1/2024 cho thấy, tại thị trường Mỹ, doanh số BEV của Ford đã giảm 10,9% so với tháng 12/2023, trong khi đó, doanh số xe Hybrid tăng 42,7%.

Tại Việt Nam, các mẫu BEV nhập khẩu khó có “cửa” để cạnh tranh với VinFast do hãng xe điện Việt Nam đã sở hữu hệ thống trạm sạc khá bài bản, kèm theo mức giá bán rất hợp lý. Bù lại, việc giới thiệu các mẫu xe Hybrid sẽ là giải pháp khôn ngoan hơn để thăm dò thị trường, trước khi đi đến những chiến lược kinh doanh mới, khi thị trường xe điện “bùng nổ”.

Tin mới

BYD muốn định nghĩa lại “xe sang” trong kỷ nguyên xe điện

BYD muốn định nghĩa lại “xe sang” trong kỷ nguyên xe điện

Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD sẽ giới thiệu chiếc sedan đầu tiên nằm trong phân khúc cao cấp của mình tại triển lãm ô tô Bắc Kinh, nhằm thách thức những hãng như Mercedes-Benz của Đức, hãng mà ba năm trước đã rút khỏi sự phát triển của thương hiệu Denza, với lý do doanh số bán hàng chậm.
#AutoHashtag: Vì sao Ford nhiều năm “bất bại” trong phân khúc xe bán tải ở Việt Nam?

#AutoHashtag: Vì sao Ford nhiều năm “bất bại” trong phân khúc xe bán tải ở Việt Nam?

Khởi nguyên là dòng xe nhắm đến đối tượng khách hàng nông dân ở các vùng ngoại ô, ngày nay, những chiếc xe bán tải mang thương hiệu Mỹ, Ford, đang được đông đảo người dùng tại đô thị săn tìm. Vì sao dòng xe này phát triển mạnh tại Việt Nam và vì sao Ford lại thành công đến vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.
Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon có thể là một khái niệm xa lạ và không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc. Trên thế giới, khái niệm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và nhiều công ty đã thu được nguồn lợi không nhỏ.