Bộ Tài chính chính thức trình Chính phủ Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Hoàng Lâm
Trong tờ trình số 119/TTr-BTC, Bộ Tài chính cho biết, để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ chi trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.
Bộ Tài chính chính thức trình Chính phủ Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước - Ảnh 1

Sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia và hoàn thiện hồ sơ, ngày 20/6, Bộ Tài chính đã có Tờ trình gửi Chính phủ về dự án nghị định của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Ảnh: Lê Vũ.

Thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với địa phương; thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Công văn số 4019/VPCP-KTTH ngày 1/6/2023 và Công văn số 4174/VPCP-KTTH ngày 7/6/2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị định trước đó đã được gửi lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức, cá nhân, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia và hoàn thiện hồ sơ dự án nghị định. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có công văn gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự án nghị định.

Ngày 20/6/2023, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định về dự án nghị định. Bộ Tài chính đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đã có tờ trình chính thức gửi Chính phủ về dự án nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể, từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023, mức thu LPTB bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức thu LPTB tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các Nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, chính sách khi có hiệu lực sẽ có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc giảm 50% LPTB có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương, bởi đây là khoản thu thuộc ngân sách địa phương.  

Trong khi đó, theo ý kiến của Bộ Công thương, trên thực tế khả năng Việt Nam bị khởi kiện có thể không cao do việc khởi kiện chỉ nhằm chấm dứt các biện pháp đang được áp dụng, không thể nhằm vào một biện pháp đã kết thúc trong khi thời hạn áp dụng của nghị định ngắn.

Hơn nữa, trong thời gian áp dụng chính sách giảm mức thu LPTB theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/NĐ-CP, Việt Nam chưa nhận được bất kỳ ý kiến hay phản đối của các thành viên WTO cũng như các đối tác thương mại trong các khuôn khổ mà Việt Nam tham gia (Việt Nam chỉ nhận được một số yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu).

Trước đó, Bộ Tư pháp đã nhất trí về các nội dung sự cần thiết ban hành văn bản, sự phù hợp của dự thảo nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo. Bên cạnh đó, là sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Nghị định.

Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 5/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô chỉ đạt 20.726 xe, giảm 8% so với tháng 4 trước đó và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số 20.726 xe bán ra toàn thị trường, có 14.483 xe du lịch, 6.096 xe thương mại và 147 xe chuyên dụng.

Doanh số xe du lịch giảm 8%, xe thương mại giảm 6% và xe chuyên dụng giảm 16% so với tháng liền kề trước đó.

Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 12.079 xe, giảm 9% so với tháng trước đó; doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.647 xe, giảm 5% so với tháng 4.

Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2023, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 36% so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, xe ô tô du lịch giảm 41%, xe thương mại giảm 12% và xe chuyên dụng giảm 63% so với năm 2022.

Đến hết tháng 5/2023, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đã giảm 43%, trong khi xe nhập khẩu giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình hình tiêu thụ ô tô trong nước liên tục sụt giảm, các hiệp hội sản xuất ô tô, cơ khí, địa phương đã đồng loạt có kiến nghị lên Thủ tướng, các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước.

VAMA và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cùng các địa phương có nhà máy sản xuất ô tô lớn cũng đã kiến nghị tới Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tin mới

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua quá trình chuyển đổi triệt để và công nghệ blockchain có tiềm năng mang lại hiệu quả và tăng cường tạo ra giá trị trên toàn bộ ngành, từ sản xuất ô tô đường trường tại nhà máy đến siêu xe thể thao cao cấp.