Các nhà sản xuất ô tô và cung cấp phụ tùng xung đột về chi phí thuế quan

Các nhà cung cấp phụ tùng ô tô toàn cầu hiện đang tham gia vào cuộc chiến giá cả khốc liệt với các nhà sản xuất ô tô khi họ tìm cách tồn tại trước mức thuế có thể xóa sổ hàng nghìn công ty nhỏ hơn khỏi ngành công nghiệp trị giá 1 nghìn tỷ USD.
Thứ 2 tuần qua, Tổng thống Mỹ đã ra hiệu sẽ có "sự giúp đỡ" cho ngành công nghiệp ô tô nói chung nhưng vẫn chưa rõ chi tiết về cách áp dụng mức thuế với ngành phụ tùng như thế nào.
Jean-Louis Pech, người đứng đầu cơ quan thương mại Pháp, đại diện cho các nhà cung cấp phụ tùng ô tô, cho biết các thành viên của cơ quan này đang "chuẩn bị cho các cuộc đàm phán khó khăn với các nhà sản xuất ô tô cũng đang chịu áp lực", đồng thời nói thêm: "Đó sẽ là một cuộc chiến khủng khiếp".
Hồi đầu tháng, nhà cung cấp phụ tùng ô tô của Pháp Valeo nói rằng họ đã đồng ý chuyển thành công chi phí tăng thêm từ thuế quan cho một nửa số khách hàng của mình, nhưng một công ty ô tô toàn cầu cho biết họ vẫn kiên quyết phản đối các yêu cầu tăng giá từ 150 nhà cung cấp của mình, trong số đó có yêu cầu tạm dừng hợp đồng được gọi là "bất khả kháng".
“Chúng tôi không chống lại nhau, nhưng cả hai đều đang ở trong tình thế khó khăn”, một giám đốc điều hành cấp cao trong ngành cho biết.
Các giám đốc điều hành cũng cảnh báo các nhà sản xuất ô tô có thể sẽ phản đối các nỗ lực của nhiều nhà cung cấp phụ tùng, vốn đang hoạt động với biên lợi nhuận mỏng dưới 5%, nhằm chuyển chi phí thuế quan trong bối cảnh lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế và nhu cầu xe chậm lại.
Hầu hết các hợp đồng cung cấp phụ tùng không tự động cho phép các nhà thầu phụ tùng ô tô chuyển chi phí cho khách hàng, với hơn một nửa số nhà thầu được cơ quan thương mại EU Clepa và McKinsey khảo sát cho biết họ sẽ phải đàm phán lại hợp đồng để thích ứng với thuế quan.
Tại châu Âu, ngành công nghiệp này đã chịu áp lực tài chính nghiêm trọng từ lâu trước khi chiến tranh thương mại nổ ra do nhu cầu xe chậm lại. Tình trạng mất việc làm đã tăng gấp đôi vào năm ngoái trong khi một số nhà cung cấp của Đức, bao gồm nhà sản xuất ghế ngồi Recaro và nhà sản xuất phụ tùng ô tô hạng sang Walter Klein, đã phá sản.
Để hỗ trợ, Pech kêu gọi Brussels đưa ra nhiều quy định hơn về nội dung địa phương đối với phụ tùng ô tô, trợ cấp cho việc mua xe điện và một chương trình đầu tư tương tự như IRA của Joe Biden.
“Chúng ta có nguy cơ mất một nửa ngành công nghiệp của Pháp hiện tại nếu không có động thái nào được thực hiện trong năm năm tới”, Pech cho biết, đồng thời nói thêm rằng Pháp có 56.000 việc làm liên quan đến phụ tùng ô tô.
Các giám đốc điều hành cảnh báo tác động của cú sốc thuế quan đối với ngành này có thể tồi tệ hơn so với thời kỳ đại dịch. Mối quan hệ giữa các nhà cung cấp và khách hàng của họ sau đó trở nên căng thẳng, vì các nhà sản xuất ô tô từ chối chịu hoàn toàn chi phí tăng cao để đảm bảo các linh kiện, đặc biệt là chất bán dẫn, vốn đang cực kỳ khan hiếm.

Hầu hết các nhà cung cấp đều phải vật lộn với biên lợi nhuận bị thu hẹp, trong khi các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là các thương hiệu cao cấp như Mercedes-Benz và BMW, đã tăng giá và mở rộng biên lợi nhuận của họ trong giai đoạn này.
“Chúng tôi không thể chịu được thêm chi phí một lần nữa”, một giám đốc điều hành tại một nhà cung cấp của Đức cho biết.
“Nếu mọi thứ vẫn như hiện tại, phá sản sẽ là một phần của bức tranh khi các nhà cung cấp có thể chịu chi phí hoặc mất thị phần”, Benjamin Krieger, Tổng thư ký của Hiệp hội các nhà cung cấp ô tô châu Âu (CLEPA) cho biết.
Nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Pháp OPmobility đã bị ảnh hưởng bởi quyết định gần đây của Stellantis và các nhà sản xuất ô tô khác về việc tạm dừng sản xuất tại các địa điểm như Mexico và Canada để nhập khẩu ô tô vào Mỹ.
"Khi một khách hàng như Stellantis dừng lại, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dừng lại", giám đốc điều hành Laurent Favre nói.
So với châu Âu, các chuyên gia ô tô cho rằng sự hợp nhất giữa các nhà thầu phụ tùng của Nhật Bản đã bị kìm hãm bởi mạng lưới Keiretsu của công ty được thành lập dựa trên việc nắm giữ cổ phần chéo với các công ty như Toyota và Honda ở trung tâm.
Theo dữ liệu từ Tokyo Shoko Research, các nhà cung cấp phụ tùng ô tô Nhật Bản đang chịu áp lực khi tình trạng phá sản đạt mức cao nhất trong 11 năm qua với 36 công ty vào năm 2024.
Hideki Takamiya, chủ tịch giải pháp di động tại Starlite, một nhà cung cấp lưới tản nhiệt có trụ sở tại Osaka cho Mazda, Nissan và Mitsubishi Motors, đã nêu bật nỗi lo ngại đang lan rộng trong hàng ngũ nhà cung cấp.
Ông dự báo doanh số giảm 10% chỉ từ thuế quan đối với ô tô đã hoàn thiện và khả năng "cú đúp" từ đồng Yên mạnh hơn đối với hàng xuất khẩu của Nhật Bản.
"Tôi muốn nói rằng chúng ta có thể biến rủi ro này thành cơ hội nhưng không có cơ hội nào ở đây, chỉ có rủi ro", ông nói. "Nếu chúng ta không đạt được mối quan hệ đối tác cân bằng mới giữa các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng, thì chúng ta sẽ không tồn tại được".