Cơ hội cho xe điện mini chinh phục thị trường Việt Nam

Hoàng Lâm
Tại thị trường Việt Nam, thời gian qua đã có những mẫu ô tô điện phổ thông, thậm chí là cả cao cấp đã xuất hiện trên đường, mặc dù chưa nhiều. Làn sóng xe điện tại thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ rất sôi động khi đón nhận thêm một phân khúc xe mới, đó là ô tô điện mini. Dòng xe này được đánh giá khá phù hợp với những đô thị đông dân nhờ lợi thế về kích thước nhỏ gọn cũng như chi phí vận hành thấp hơn xe xăng.

Thị trường xe điện toàn cầu và Việt Nam

Thị trường xe điện cỡ nhỏ dự đoán tăng trưởng nhanh trong 2 thập kỷ tới.
Thị trường xe điện cỡ nhỏ dự đoán tăng trưởng nhanh trong 2 thập kỷ tới.

Nhìn lại 1 thập kỷ trước, vào năm 2012 có khoảng 120.000 ô tô điện được bán ra trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đến 2021, số lượng đó được tiêu thụ chỉ trong một tuần. Điều này cho thấy thị trường xe điện đang phát triển mạnh mẽ. Doanh số ô tô điện năm 2021 cũng chiếm 9% thị trường ô tô toàn cầu - gấp tới 4 lần thị phần vào năm 2019.

Kết thúc năm 2022, thị phần xe thuần điện đã chiếm tới 10% tổng lượng ô tô tiêu thụ, đạt doanh số toàn cầu tới 7,8 triệu chiếc, tăng 68% so với năm 2021 (theo LMC Automotive và EV-Volumes.com) . Cũng trong 2022, có 131 mẫu xe mới được giới thiệu hoặc ra mắt để mang đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn. 

Ùn tắc, ô nhiễm môi trường,... từ lâu đã là vấn đề nhức nhối tại không ít đô thị trên thế giới. Để xử lý vấn đề này, ô tô điện, đặc biệt là ô tô điện cỡ nhỏ hứa hẹn sẽ là một giải pháp cho giao thông thân thiện với môi trường hiệu quả. Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường IDTechEx cũng dự báo, trong vòng 2 thập kỷ tới (tức năm 2043) thị trường xe điện cỡ nhỏ có thể đạt khoảng 180 tỷ USD.

Xe điện đang là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Mặc dù số liệu xe ô tô điện tại Việt Nam còn ít, nhưng đã có những chuyển biến đáng kể. Trong năm 2019, chỉ có 140 xe điện được bán ra, năm 2020 tăng lên 900 xe, đến 2021 có thêm hơn 1.000 xe. Đặc biệt, riêng tháng 12/2022, có tới 4.000 người đã tin tưởng đầu tư vào xe điện. Điều này cho thấy, người dùng Việt đang quan tâm nhiều hơn và sẵn sàng chi hầu bao để sắm ô tô điện, hòa nhịp cùng xu hướng tại các nước phát triển trên thế giới. 

Với dân số gần 100 triệu người, GDP tăng trưởng ổn định, tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh mẽ, tốc độ phát triển công nghệ nhanh, Việt Nam hứa hẹn sẽ là một trong những thị trường phát triển xe điện lớn. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện hoá vào năm 2028 và đến năm 2040 số lượng xe điện sẽ đạt 3,5 triệu chiếc.

Tiềm năng của phân khúc xe điện mới xuất hiện tại Việt Nam

Cơ hội cho xe điện mini chinh phục thị trường Việt Nam - Ảnh 1

Tại các nước đang phát triển ở Châu Á, có hai yếu tố chính tác động đến quyết định sở hữu xe điện của người dùng, đó là giá cả và trạm sạc. Ấn Độ là một trong hai “công xưởng của thế giới” (chỉ sau Trung Quốc), nhưng sự phát triển của lĩnh vực xe điện lại chưa tương xứng với tiềm năng và tỷ trọng của toàn ngành công nghiệp ô tô. Tata Motor, hãng xe đang chiếm 88% thị phần tại quốc gia này cũng đã đặt mục tiêu đạt 30% tỷ lệ sử dụng xe điện vào năm 2030. Để phát triển thị trường trong bối cảnh hạ tầng trạm sạc còn rất hạn chế, Tata Motor, MG Ấn Độ và một số hãng xe khác cùng đưa ra chiến lược ra mắt các sản phẩm xe điện cỡ nhỏ, pin nhỏ, đồng nghĩa với việc giá thành rẻ và thời gian sạc pin ngắn.

Cụ thể, Tata Motor đã chào bán 2 mẫu xe điện mới nhất là Tigor EV và Nexon EV với mức giá từ 1.249.000 - 1.375.000 Rupee (tương đương 354,5 - 390,2 triệu đồng). Hai mẫu xe cùng sử dụng bộ pin lithium-ion 26 kWh, sạc thường 100% trong 7,5-8,5 giờ, quãng đường di chuyển tối đa 312-315 km.

MG thì ra mắt mẫu xe MG 4 EV với giá chỉ từ 1.000.000 Rupee (tương đương 284 triệu đồng) tại thị trường Ấn Độ. Mẫu xe này sở hữu hai lựa chọn pin 51kWh và 64 kWh, thời gian sạc thường 100% từ 7,5-9 giờ, sạc nhanh 80% chưa đến 40 phút, quãng đường di chuyển tối đa 350-452 km.

Tân binh Wuling Hongguang Mini đang gây sốt ở thị phần ô tô điện mini tại Việt Nam dù chưa có giá bán chính thức.
Tân binh Wuling Hongguang Mini đang gây sốt ở thị phần ô tô điện mini tại Việt Nam dù chưa có giá bán chính thức.

Trong khi đó, tại Việt Nam, phân khúc xe điện mini mới “chớm nở” và đang được chú ý bởi sự xuất hiện của tân binh Wuling Hongguang Mini. Đây là mẫu ô tô điện mini đầu tiên đặt chân đến Việt Nam dưới dạng chính hãng. Wuling Hongguang Mini gây chú ý bởi đây là mẫu xe điện được biết đến có doanh số bán chạy nhất tại Trung Quốc trong năm 2022 với 404.823 chiếc, cao hơn cả Tesla Model Y (315.314 chiếc) lẫn Model 3 (124.456 chiếc). Sức hấp dẫn của Hongguang Mini ít nhiều đến từ mức giá từ 4.766 USD tại quê nhà, quy đổi sang tiền Việt Nam chưa đến 120 triệu đồng.

Thực tế, ở Việt Nam, ngoại trừ các sản phẩm xe điện Vinfast đã đến tay người dùng như VF e34, VF 8 và sắp tới là VF 9, VF 5 Plus, rất khó để lựa chọn một sản phẩm xe điện trong khoảng giá dưới 1 tỷ đồng. Một số mẫu xe cỡ nhỏ đã ra mắt, nhưng chưa chốt ngày bàn giao đến khách hàng. Một số mẫu xe khác chỉ được giới thiệu, sau đó lại “bỏ ngỏ” khả năng chào bán tại Việt Nam. Đơn cử như Qingdao Hongri Automobile cũng vừa hoàn tất đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho một mẫu xe điện cỡ nhỏ mang tên Honri Boma tại Việt Nam. Theo đó, mẫu xe này có thiết kế phần đầu xe khá giống với Toyota Alphard, được trang bị động cơ điện và pin 30 kWh, phạm vi di chuyển khoảng 200 km.

Tuy nhiên, Wuling HongGuang MiniEV đang nhận được nhiều kì vọng của người tiêu dùng khi là sản phẩm được liên doanh GM – (SAIC – WULING) nghiên cứu, sản xuất và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn toàn cầu của General Motors. Liên doanh này đã thành công ngay từ khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dùng cho một chiếc xe điện cỡ nhỏ, phù hợp với các chuyến đi hàng ngày trong đô thị, nhưng vẫn có đủ tiện nghi và an toàn hơn nhiều so với xe máy đang rất phổ biến.

Vinfast VF 5 Plus, đối thủ "nặng ký" của phân khúc xe điện mini tại Việt Nam.
Vinfast VF 5 Plus, đối thủ "nặng ký" của phân khúc xe điện mini tại Việt Nam.

Kích thước xe cũng khá nhỏ gọn giúp việc di chuyển, xoay xở hay dừng đỗ xe tại các con đường đông đúc, chật hẹp trở nên dễ dàng. Dù chiều dài xe chỉ dưới 3m nhưng không gian bên trong xe được thiết kế tối ưu với 4 ghế ngồi, có thể chở tối đa 4 người hoặc linh hoạt tận dụng các cách bố trí ghế khác nhau để chở đồ. Ngoài ra, kiểu dáng 2 cửa độc đáo, nhỏ nhắn, có phần “cute” và các màu sắc sơn ngoại thất trẻ trung, thời trang cũng khiến giới trẻ yêu thích mẫu xe này. Với những ưu điểm đó, Wuling HongGuang MiniEV nhanh chóng trở thành chiếc xe đồng hành của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, dù là nhóm thực dụng hay nhóm phong cách.

Chính vì những lý do trên, trong vòng chưa đầy 3 năm kể từ khi ra mắt lần đầu vào tháng 7/2020, Wuling HongGuang MiniEV đã đạt doanh số lên tới khoảng 1 triệu xe bán ra trên thị trường, bỏ xa nhiều đối thủ khác để khẳng định vị thế là mẫu xe điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới các năm 2020-2021-2022, theo thống kê của JATO Dynamics - công ty chuyên nghiên cứu, phân tích ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Doanh số bán của mẫu xe này thậm chí còn chiếm lên tới khoảng 50% thị phần trong phân khúc ô điện mini toàn cầu.

Wuling Hongguang MiniEV thiết kế được đánh giá khá phù hợp với thị trường Việt.
Wuling Hongguang MiniEV thiết kế được đánh giá khá phù hợp với thị trường Việt.

Wuling HongGuang MiniEV được các chuyên gia dự đoán khi vào thị trường Việt Nam sẽ rơi vào tầm giá vừa phải và dễ tiếp cận với nhóm khách hàng bình dân, lấp vào khoảng trống thị trường tồn tại lâu nay giữa xe máy tay ga có giá cao nhất và ô tô mới có giá thấp nhất trên thị trường.

Nếu thành công, mẫu xe này chắc chắn sẽ tạo ra một xu hướng di chuyển mới bằng ô tô điện mini, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sử dụng từ xe máy sang ô tô tại Việt Nam. Dự kiến trong quý II/2023 hãng sẽ công bố chi tiết thông tin sản phẩm và giá bán của Wuling HongGuang MiniEV.

Về cơ bản, giới chuyên gia cho rằng phân khúc ô tô điện tại Việt Nam là rất tiềm năng, có dư địa lớn. Tuy nhiên, các mẫu ô tô điện mini nếu được bán tại Việt Nam cần có mức giá bán phải rất cạnh tranh, nhà phân phối cũng cần đưa ra giá bán tạo được khoảng cách an toàn với nhóm ô tô truyền thống và để làm được điều đó thì nhà sản xuất cần lấy ưu thế ở sự linh hoạt chứ không phải là trang bị tiện nghi để giảm giá thành.

Tin mới

Doanh số sụt giảm, Ford và GM chạy đua trong cuộc chiến giảm giá ở Trung Quốc

Doanh số sụt giảm, Ford và GM chạy đua trong cuộc chiến giảm giá ở Trung Quốc

Cuộc chiến giảm giá tại xe hơi tại Trung Quốc đang ngày càng nóng bỏng khi những cái tên mới liên tục giảm giá. Mới đây, Ford Motor Co., BMW Group BMW và Volkswagen AG đang giảm giá sâu và khuyến mãi cho xe điện sau khi Trung Quốc loại bỏ dần các khoản trợ cấp trên toàn quốc cho xe điện. Những người khác bao gồm General Motors Co. và nhà sản xuất Citroën cũng đang giảm giá cho những chiếc xe chạy bằng xăng.
Ô tô tự lái: Công nghệ của tương lai có thực sự đáng tin tưởng?

Ô tô tự lái: Công nghệ của tương lai có thực sự đáng tin tưởng?

Trong khi ngành công nghiệp ô tô thế giới đang chạy đua phát triển xe điện và công nghệ xe tự lái, Missy Cummings, giáo sư kỹ thuật và khoa học máy tính, người đang làm việc tại cơ quan an toàn ô tô liên bang tại Mỹ ,nói rằng các tài xế dường như đã đặt quá nhiều niềm tin vào các hệ thống như Autopilot của Tesla và các cơ quan quản lý cần phải hạn chế sử dụng chúng.
#AutoNews Weekly: Nhà đầu tư Tesla “dậy sóng” trước khả năng Elon Musk “thâu tóm” SVB

#AutoNews Weekly: Nhà đầu tư Tesla “dậy sóng” trước khả năng Elon Musk “thâu tóm” SVB

Những thông tin không mấy khả quan về thị trường ô tô Việt Nam những tháng đầu năm 2023, một số hãng xe tìm ra hướng đi mới để tối đa hóa lợi nhuận khi lượng xe tồn kho còn nhiều, những thông tin trái ngược giữa giá xăng dầu trong nước và quốc tế và đặc biệt, liên quan đến sự việc khủng hoảng tài chính tại ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), CEO Tesla, Elon Musk vừa “úp mở” khả năng sẽ “giải cứu” ngân hàng này là những thông tin nổi bật trong chương trình AutoNews Weekly tuần này.
Sản xuất ô tô điện: Bài toán khó với Foxconn

Sản xuất ô tô điện: Bài toán khó với Foxconn

Trong thập kỷ qua, Foxconn Technology Group đã tuân theo các kế hoạch ngày càng phức tạp của Apple Inc. để biến silicon, thủy tinh, nhựa, đồng và các vật liệu khác thành hàng trăm triệu chiếc iPhone trên khắp thế giới. Apple chỉ là một trong số hàng chục khách hàng hạng A của công ty Đài Loan này. Google, Microsoft, Sony và nhiều hãng khác cũng đã thuê họ để sản xuất điện thoại, máy tính, máy tính bảng, bảng điều khiển trò chơi, máy chủ, v.v… Vì vậy, không quá khó để nghĩ rằng Foxconn có thể làm điều tương tự đối với ô tô. Tuy nhiên, cho đến nay, sản xuất ô tô điện đang trở thành một công việc khó khăn hơn tưởng tượng đối với Foxconn.