Doanh nghiệp ngành ô tô đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam, cơ hội tăng tỉ lệ nội địa hoá

Hoàng Lâm
Năm 2022 đã qua đi, ngành ô tô Việt đã có nhiều bước ngoặt lớn. Trong đó đáng chú ý nhất phải kế đến việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định mới về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và việc nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất tại thị trường Việt.

Ngành công nghiệp mũi nhọn chuyển mình

Doanh nghiệp ngành ô tô đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam, cơ hội tăng tỉ lệ nội địa hoá - Ảnh 1

Ngày 10/8/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022. Điểm nhấn là Thông tư 11/2022 đã bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật:

Thứ nhất, Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Thứ hai, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Thứ ba, Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Thông tư này sau gần 20 năm mới có thay đổi, đã mở ra một hướng đi mới của ngành ô tô trong nước vì có các quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu. Các quy định nêu thực tế trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ô tô và đã ảnh hưởng không nhỏ tới định hướng phát triển của các doanh nghiệp trong ngành.

Ngay sau khi Thông tư 11 chính thức có hiệu lực, ngành ô tô Việt năm 2022 cũng đã có nhiều sự kiện đáng chú ý. Một trong đó là từ giữa tháng 11/2022, tại Ninh Bình, Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Tập đoàn Ô tô Hyundai đã khánh thành Nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Nhà máy có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020, trên tổng diện tích hơn 50 ha. Kết hợp với nhà máy số 1, tổng công suất xe Hyundai có thể xuất xưởng tại Ninh Bình được thiết kế lên đến 180.000 xe/năm, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như hướng đến thị trường khác trong khu vực.

Tập đoàn BMW cũng đã chính thức tuyên bố hợp tác với THACO AUTO để lắp ráp các mẫu xe BMW 3 Series, BMW 5 Series, BMW X3 và BMW X5 tại nhà máy ở Chu Lai (Quảng Nam). Hãng xe Đức cho biết, sự hợp tác này sẽ giúp mở rộng mạng lưới sản xuất xe của BMW ở châu Á, sau các nhà máy của BMW ở Ấn Độ và Thái Lan, nhà máy liên doanh ở Trung Quốc và nhà máy đối tác ở Malaysia, Indonesia, giờ là Việt Nam.

Không chỉ thế, thực hiện chương trình tái cấu trúc theo chiến lược đa ngành của THACO, THACO mới đây đã chính thức công bố thành lập công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải – THACO Industries với tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD, diện tích 120ha và 6.500 nhân sự. Đặc biệt, THACO Industries sản xuất các sản phẩm gồm: sơ mi rơ moóc; thiết bị công nghiệp; thiết bị nông nghiệp; linh kiện phụ tùng ô tô; linh kiện phụ tùng ngoài ngành ô tô, nguyên vật liệu và gia công cơ khí theo công đoạn của quy trình công nghệ sản xuất theo yêu cầu khách hàng.

Doanh nghiệp ngành ô tô đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam, cơ hội tăng tỉ lệ nội địa hoá - Ảnh 2

Tại Chu Lai tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà máy hiện hữu và đầu tư các dự án mới như Tổ hợp nội thất xe du lịch; Sản xuất kính xe du lịch; Mâm xe; Linh kiện và sản phẩm xuất khẩu; Các dây chuyền đúc, dập nóng và phát triển các dự án sản xuất công nghệ cao như sản xuất & lắp ráp linh kiện bo mạch điện tử, robot công nghiệp… Đến năm 2025 nâng lên thành 36 nhà máy công nghiệp hỗ trợ và 1 tổ hợp cơ khí chế tạo với mục tiêu trở thành Trung tâm cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ và là hạt nhân liên kết vùng tại miền Trung.

Trước đó, năm 2003, THACO đã đầu tư xây dựng nhà máy Sản xuất lắp ráp xe tải, xe bus tại Chu Lai – Quảng Nam, trong đó có xưởng cơ khí để sản xuất các linh kiện phụ tùng thân vỏ xe bus và thùng xe tải. Năm 2007, THACO đưa vào hoạt động nhà máy xe du lịch và mở rộng thêm các dây chuyền sản xuất linh kiện phụ tùng (khung xương ghế xe tải, linh kiện composite cho xe bus, keo thân xe ô tô). Sản lượng ô tô liên tục tăng kéo theo nhu cầu sản lượng linh kiện phụ tùng cũng tăng theo. Từ năm 2009, THACO đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy Gia công Thép; Nhà máy Cơ khí chế tạo và các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, bao gồm: Nhà máy ghế ô tô, Linh kiện nội thất, Kính, Dây điện, Nhíp; Linh kiện Composite; Sản xuất Khuôn, Máy lạnh xe du lịch, Máy lạnh xe tải, bus; Linh kiện nhựa; Thân vỏ ô tô với mục đích đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, giảm giá thành.

Vào những ngày cuối cùng của năm 2022, Toyota Việt Nam đã tuyên bố chính thức đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất 2 dòng xe mới là Avanza và Veloz, thay cho việc nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Đáng chú ý, tổng cộng có tới 237 chi tiết của xe Veloz và Avanza được sản xuất bởi 30 nhà cung cấp tại Việt Nam. Hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã lên tới 58, trong đó có 12 nhà cung cấp Việt Nam, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt gần 1.000 sản phẩm các loại. Với việc có thêm 2 mẫu xe đa dụng MPV được lắp ráp trong nước, Toyota Việt Nam đã có tổng cộng 5 mẫu xe lắp ráp tại nhà máy Vĩnh Phúc.

Cơ hội tăng hàm lượng nội địa hoá

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 3 năm trở lại đây, sản lượng lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ ngồi đã đáp ứng được 70% nguồn cung ứng trong nước. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, cộng dồn cả năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đã cho xuất xưởng tổng cộng 299.800 chiếc, tăng đến 9,1% so với năm 2020.

Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ trong 11 tháng năm 2022, thị trường ô tô Việt Nam đã bán được 369.334 xe, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 63%; xe thương mại tăng 0,3% và xe chuyên dụng giảm 9% so với năm 2021.

Doanh nghiệp ngành ô tô đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam, cơ hội tăng tỉ lệ nội địa hoá - Ảnh 3

Doanh số bán hàng VAMA công bố nêu trên chưa tính tới 72.037 xe Hyundai được bán ra, hoặc số lượng hơn 20.000 xe của VinFast và cũng chưa có số liệu của Mercedes-Benz Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam có thể nghĩ tới việc thoát khỏi cái tên “vùng trũng” của khu vực trong năm 2023 và những năm tới.

Trước đó, doanh số của ngành ô tô Việt đa phần chỉ dừng ở xung quanh mức 400.000 xe/năm. Năm 2019 doanh số thị trường xe Việt chỉ đạt 409,412 xe, năm 2020 là 407.655 xe, năm 2021 doanh số đạt được 409.844 xe.

Thực tế, dù quy mô thị trường còn nhỏ bé so với các nước khác trong khu vực, nhưng với xu hướng “ô tô hoá” tại Việt Nam và những bước chuyển của ngành trong năm 2022 cùng sự phát triển của các doanh nghiệp Việt, ngành công nghiệp ô tô của nước ta đã có các hệ thống nhà máy ô tô công nghệ cao, bắt kịp xu hướng và tốc độ phát triển chung của toàn cầu, tăng dần tỉ lệ nội địa hoá. Do đó, chất lượng của các dòng xe ô tô nội địa cũng được cải thiện rõ rệt, không hề thua kém những mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc trên thị trường và có lượng tiêu thụ rất tốt do giá thành cạnh tranh.

Trong năm 2022 vừa qua, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thị trường Việt Nam nhận thêm 64.700 ô tô cả lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 12/2022, cao nhất tính từ đầu năm đến nay.

Tính trong cả năm 2022, tổng số ô tô xuất xưởng tại Việt Nam đạt 439.600 xe, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xe nhập khẩu đạt 176.590 xe với tổng kim ngạch 3,87 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng lượng ô tô mới có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2022 ước đạt 616.190 xe, tăng trưởng mạnh so với năm 2021.

Đặc biệt, năm 2022, lượng xe lắp ráp trong nước được bổ sung nhiều gương mặt mới đang bán rất chạy như Ford Ranger thế hệ mới, Ford Territory, Hyundai Tucson thế hệ mới… Trong năm 2023, dự kiến một số mẫu xe rất “hot” khác cũng sẽ được chuyển sang lắp ráp thay vì nhập khẩu như hiện nay, giúp tăng sản lượng xe lắp ráp như Toyota Veloz Cross, Hyundai Creta, Hyundai Stargazer, các mẫu BMW…

Với những chính sách mới đã có hiệu lực như Thông tư 11 và sự quyết tâm của các doanh nghiệp Việt khi mở rộng nhà máy, dây chuyền lắp ráp, từng bước bắt kịp xu thế toàn cầu, ngành ô tô Việt Nam đã đạt được những kỷ lục mới với những con số ấn tượng, hứa hẹn sẽ có những thay đổi đáng chú ý trong năm 2023 đặc biệt là việc tăng tỉ lệ nội địa hoá khi ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất xe ô tô trong nước.

Tin mới

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Theo báo cáo do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố mới đây, doanh số xe máy tại Việt Nam ở quý III đạt 686.001 xe, tăng 13,74% so với quý II trước đó và cao hơn tới 12,34% so với cùng kỳ năm ngoái.