Doanh số ô tô tháng 2 thấp kỷ lục: Thị trường xe Việt đã “chạm đáy”?

Lê Vũ
Thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm 50% so với cùng kỳ và thấp nhất trong 5 năm gần đây. Một số chuyên gia nhận định, đây là thời điểm khó khăn nhất của các hãng xe trong năm 2024.
Doanh số ô tô toàn thị trường tháng 2/2024 sụt giảm gần 50% so với cùng kỳ. Nguồn: VAMA
Doanh số ô tô toàn thị trường tháng 2/2024 sụt giảm gần 50% so với cùng kỳ. Nguồn: VAMA.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 2/2024, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp thành viên chỉ đạt 11.633 xe các loại, giảm 40% so với tháng 01/2024 và giảm 50% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, tổng lượng xe bán ra của cả hãng xe chỉ tương đương doanh số của một mẫu xe bán chạy ở những tháng trước đó, ví dụ Toyota (1.248 xe), KIA (1.386 xe), Mazda (1.355 xe), Honda (1.264 xe), Suzuki (667 xe). Toàn bộ các mẫu xe trong danh sách của VAMA đều tăng trưởng âm. Đây cũng là tháng ghi nhận doanh số ô tô thấp nhất trong 5 năm gần đây, chỉ nhỉnh hơn một chút so với doanh số ô tô tháng 2/2019 (11.453 xe).

Top 10 xe bán chạy tháng này không ghi nhận bất kỳ mẫu xe nào đạt doanh số 4 chữ số. “Ngôi vương” doanh số tháng 1/2024 là Mitsubishi Xpander cũng chỉ bán được 641 xe, Ford Ranger “khá khẩm” hơn và vươn lên đầu bảng với 880 xe được bán ra, Mazda CX-5 và KIA Sonet cũng sụt giảm mạnh với doanh số lần lượt là 600 xe và 428 xe... Mẫu xe có doanh số sụt giảm mạnh nhất là Toyota Vios khi chỉ bán được 170 xe, trong khi tháng trước đó là 653 xe. Honda HR-V vừa có màn khởi động ấn tượng trong tháng 1 với 801 xe được bán ra, đến tháng 2 chỉ còn 282 xe. Riêng các mẫu xe gồm Suzuki Ciaz, Toyota Hiace, Landcruiser Prado, Hilux, Rush, Innova Cross, Honda Civic Type R, Brio... không bán được xe nào.

Dự báo một năm kinh doanh đầy khó khăn của các hãng xe tại thị trường Việt.
Dự báo một năm kinh doanh đầy khó khăn của các hãng xe tại thị trường Việt.

Về dòng xe, SUV ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất với tổng doanh số 2.055 xe, giảm 51% so với tháng 1/2024, MPV giảm 45,3%, CUV giảm 39,7%, sedan giảm 32,7%. Điều này cho thấy dòng xe SUV thuộc danh mục tăng trưởng nóng tại Việt Nam và cũng là dòng xe dễ “tổn thương” trước biến động tiêu cực của thị trường.

Một số chuyên gia nhận định, tháng 2 là thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán, thị trường ô tô chưa nóng trở lại do một bộ phận người dân còn tâm lý du Xuân, trảy hội, chưa sẵn sàng cho các kế hoạch lớn của năm. Tuy nhiên, thông thường, doanh số ô tô tháng 2 sẽ cao hơn tháng 1, hoặc nếu giảm cũng không quá nhiều.

Do đó, số liệu thấp kỷ lục của tháng 2/2024 báo hiệu một năm kinh doanh đầy khó khăn, thử thách của các hãng xe tại Việt Nam. Với kịch bản tích cực, đây có thể là “vùng đáy” của thị trường trong chu kỳ 5 năm, nhưng cũng không loại trừ tình huống xấu hơn còn tiếp diễn.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.