EU không ngại chiến tranh thương mại với Trung Quốc trong bối cảnh tranh cãi về xe điện
EU khẳng định cuối tuần qua rằng nền kinh tế của họ có thể tồn tại trước bất kỳ sự trả đũa nào từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh cảnh báo rằng cuộc điều tra của Brussels về trợ cấp ô tô điện của Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho quan hệ thương mại.
Châu Âu tự đặt mình vào nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố điều tra chống trợ cấp hôm thứ Tư tuần trước, cáo buộc Trung Quốc giữ giá ô tô “thấp một cách giả tạo bởi các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước”.
Cuộc điều tra có thể cho thấy Liên minh châu Âu đang cố gắng bảo vệ các nhà sản xuất ô tô châu Âu bằng cách áp đặt thuế trừng phạt đối với ô tô mà họ cho rằng được bán không công bằng với giá thấp hơn.
Một ngày sau thông báo của von der Leyen, Bộ thương mại Trung Quốc đã đáp trả “chủ nghĩa bảo hộ” của EU và cho biết các biện pháp này “sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU”.
Thương mại với Trung Quốc chiếm khoảng 2,5% GDP khu vực đồng euro, nhưng ủy viên kinh tế Paolo Gentiloni dường như không ngạc nhiên trước cảnh báo này khi được hỏi về việc liệu nền kinh tế của khối có thể tồn tại trước bất kỳ mức thuế quan nào hay không. “Tôi tự tin, nhưng chúng ta phải giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc. Tôi nghĩ không có lý do cụ thể nào để trả đũa nhưng việc trả đũa luôn có thể xảy ra”, ông nói trước cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro tại thành phố Santiago de Compostela của Tây Ban Nha.
Cuộc điều tra diễn ra sau khi Pháp thúc đẩy Brussels thực hiện hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ ngành công nghiệp châu Âu trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Mỹ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã nhiệt tình bảo vệ sức mạnh của EU khi bác bỏ các cáo buộc về chủ nghĩa bảo hộ. Ông nói: “Chúng tôi không ở đây để kích hoạt bất kỳ loại chiến tranh thương mại nào và nói thêm: “Nó không liên quan gì đến chủ nghĩa bảo hộ”.
“Thật là tin tốt khi châu Âu nhận ra sự cần thiết phải bảo vệ lợi ích kinh tế của mình”, Le Maire nói, đồng thời chỉ ra Mỹ và Trung Quốc hành động để bảo vệ nền kinh tế của họ.
Đức, một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, tỏ ra kín tiếng hơn vì các thương hiệu lớn, nổi tiếng của họ tiếp xúc nhiều hơn với thị trường Trung Quốc so với các nhà sản xuất Pháp.
Mặc dù Berlin có những lo ngại trước thông báo này, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner vẫn ủng hộ cuộc điều tra trong các bình luận hôm thứ Sáu cuối tuần qua. “Nếu có lo ngại rằng điều đó là không công bằng thì cần phải xem xét. Thương mại thế giới dựa trên các quy tắc và tất nhiên cũng áp dụng cho xe điện”, ông nói.
Các chuyên gia tin rằng ô tô Trung Quốc rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh châu Âu khoảng 20% và Brussels tin rằng điều này có thể là do các hành vi bất hợp pháp nhưng Bắc Kinh cho rằng ngành công nghiệp của họ đang thu được lợi ích từ đầu tư.
Trong cuộc đua sản xuất nhiều công nghệ sạch hơn, EU đang tìm cách tránh những sai lầm trong quá khứ.
Năm nay von der Leyen đã dẫn đầu nhiều kế hoạch, bao gồm cả quy định, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng của Châu Âu.
EU cũng đã đồng ý một thỏa thuận tăng cường sản xuất chip ở châu Âu để sản xuất các linh kiện cần thiết cho hàng điện tử.
Nhưng Brussels cũng phải đối mặt với những thách thức từ đồng minh bên kia Đại Tây Dương.
Năm ngoái, Mỹ đã thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, quy định khoảng 370 tỷ USD trợ cấp cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Mỹ, bao gồm cả việc giảm thuế cho xe điện do Mỹ sản xuất.
Thực tế, cuộc điều tra chống trợ cấp của EU được cho cũng gây rắc rối cho các nhà sản xuất xe điện của châu Âu chứ không hẳn là có lợi. Trong khi ngăn cản xe điện giá rẻ do Trung Quốc sản xuất thâm nhập thị trường châu Âu, điều này có thể gây ra biến động và phản ứng dữ dội đối với các nhà sản xuất xe điện lớn của châu Âu đang sản xuất tại Trung Quốc và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Khi triển lãm ô tô Munich khai mạc cách đây chưa lâu, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, dẫn đầu là BYD, đã “đánh cắp” ánh đèn sân khấu vốn dành cho các thương hiệu được ca ngợi của châu Âu.
Sự chú ý đổ dồn vào xe điện của Trung Quốc dường như đã gây ra sự hoảng loạn trong các nhà hoạch định chính sách ở Liên minh châu Âu.
Hiện gần như mọi nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đều có kế hoạch bán xe ở châu Âu. Nhưng nhiều người trong số họ vẫn chưa bắt đầu thực hiện những kế hoạch như vậy. Và bây giờ bị đe dọa bởi cuộc điều tra của Ủy ban Châu Âu, họ sẽ đơn giản từ bỏ chúng.
Trong số các thương hiệu EV thuộc sở hữu của Trung Quốc xuất khẩu xe sang châu Âu, chỉ có hai thương hiệu MG và BYD đạt được doanh số đáng kể trên thị trường.
Cuộc điều tra sẽ không trở thành vấn đề đau đầu vì cả hai đều đã bắt đầu lựa chọn địa điểm ở châu Âu để sản xuất xe điện. Điều họ cần làm bây giờ để tránh mức thuế cao là đẩy nhanh các kế hoạch sản xuất trong nước.