Hà Nội đề xuất cho xe khách và buýt thường đi vào đường buýt nhanh BRT

Khôi Nguyên
Trước những bất cập được phản ánh thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội vừa có đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép xe khách (trên 24 chỗ), xe công vụ, xe cứu nạn, buýt thường được đi vào làm đường dành riêng cho buýt nhanh BRT 01.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đề xuất UBND TP Hà Nội điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên tuyến buýt nhanh BRT 01 có lộ trình bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã.  Ảnh: Tuấn Nam.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đề xuất UBND TP Hà Nội điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên tuyến buýt nhanh BRT 01 có lộ trình bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã.  Ảnh: Tuấn Nam.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đề xuất TP Hà Nội tổ chức lại tuyến đường dành riêng xe buýt BRT, cho phép các phương tiện lưu thông vào gồm xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường.

Đề xuất trên nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, đồng thời tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông trên tuyến đường có xe buýt BRT đi qua.

Theo lý giải của Sở GTVT Hà Nội, xe buýt BRT chạy trên trục xuyên tâm, tập trung các phương tiện ra - vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông tại các nút giao làm giảm hiệu quả hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT.

Một số nút giao xe buýt BRT đi qua thường xuyên ùn ứ như Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, Tố Hữu - Trung Văn, Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh. Đối với nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến do đang rào chắn để phục vụ thi công hầm chui Lê Văn Lương, diện tích mặt đường bị thu hẹp trong khi lưu lượng phương tiện lớn.

Do vậy, Sở GTVT đề xuất phối hợp với Ban Quản lý dự án công trình giao thông TP Hà Nội điều chỉnh, tổ chức giao thông cục bộ khu vực thi công để cải thiện thi công.

Nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh ùn ứ do lưu lượng phương tiện giao thông tham gia lớn, nhu cầu phương tiện rẽ trái từ Tố Hữu vào Vũ Trọng Khánh rất cao. Hiện đã tổ chức lại giao thông thí điểm từ ngày 18-6, Sở GTVT sẽ theo dõi và điều chỉnh cho phù hợp.

Với nút giao Tố Hữu - Trung Văn, tình trạng ùn tắc do lưu lượng phương tiện cao, từ khu vực nút giao Trung Văn. Hiện, Sở GTVT đang chờ được phân bổ kinh phí để xén mở rộng mặt đường từ nút giao Trung Văn đến Vũ Trọng Khánh; điều chỉnh điểm quay đầu và xén hè mở rộng lòng đường khu vực tòa nhà Bắc Hà.

Theo phương án phân luồng hiện tại, tuyến buýt BRT chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. Các đoạn đi hỗn hợp với các phương tiện khác gồm đoạn bến xe Yên Nghĩa - Ba La, đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã.

Sở GTVT Hà Nội cho biết tuyến xe buýt nhanh BRT 01 từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ theo Hiệp định tín dụng tài trợ cho dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và Hiệp định tín dụng viện trợ của quỹ môi trường toàn cầu. Do vậy, để thực hiện điều chỉnh thí điểm như trên, Sở GTVT kiến nghị với TP Hà Nội có ý kiến thống nhất với WB.

Tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7 km, có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Dọc tuyến có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe. Xe BRT gồm 35 chiếc (mỗi chiếc trên 5 tỉ đồng), sức chứa 90 hành khách; vận doanh 22 xe ngày bình thường và 16 xe ngày chủ nhật.

Đầu năm 2018, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) đề xuất các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 4h đến 23h hàng ngày; phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h hôm sau. Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải lúc đó phản bác, cho rằng đề xuất trên chỉ là của một đơn vị chuyên môn và lãnh đạo thành phố khẳng định "BRT là tuyến riêng".

Tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, cuối năm 2016 bắt đầu khai thác. Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, mất khoảng 45 phút.

Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của WB, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Kết quả khảo sát của Viện Kinh tế xã hội Hà Nội giữa năm 2021 cho thấy, kể từ khi đưa vào hoạt động, vào các khung giờ cao điểm xe BRT đạt 40-45 khách/chuyến, giảm được 400-500 phương tiện cá nhân ra vào nội đô, góp phần giảm ùn tắc, giảm khí thải gây ô nhiễm.

Tin mới

Top 10 mẫu xe bán chạy nhất nửa đầu năm 2025

Top 10 mẫu xe bán chạy nhất nửa đầu năm 2025

Trong nửa đầu năm 2025, VinFast là hãng xe chiếm 3 vị trí đầu bảng của những mẫu xe bán chạy nhất. Trong khi đó, Vios của Toyota là mẫu sedan duy nhất nằm trong top xe bán chạy. Ford thì có cú ăn ba với cả ba mẫu xe chủ lực đều nằm trong top.
Đến 1/7/2026, Hà Nội không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1

Đến 1/7/2026, Hà Nội không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ngoài việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên, tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm.
Geely Việt Nam chính thức ra mắt hai mẫu xe Monjaro và EX5

Geely Việt Nam chính thức ra mắt hai mẫu xe Monjaro và EX5

Geely Auto vừa chính thức nhận đặt cọc cho hai mẫu xe hoàn toàn mới tại thị trường Việt Nam là Geely Monjaro – mẫu SUV cỡ D và Geely EX5 – mẫu xe điện đô thị, hướng tới lễ ra mắt vào ngày 16/7/2025. Đây là bước tiến tiếp theo trong hành trình mở rộng danh mục sản phẩm và chinh phục người tiêu dùng Việt Nam của Geely Việt Nam.