Hà Nội: Đề xuất thí điểm 1.000 xe đạp công cộng
Theo đề xuất, quy mô triển khai giai đoạn 1 với 1.000 xe (50% là xe đạp điện), 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư là khoảng 30,255 tỷ đồng (bao gồm: Chi phi đầu tư xe đạp, khóa, simdata: 17,3 tỷ đồng; Chi phí vận hành mua sắm trang bị công cụ dụng cụ, xe sửa chữa, văn phòng: 3,55 tỷ đồng; Phần mềm máy chủ server: 1,12 tỷ đồng; Đầu tư trạm xe, thi công bảo dưỡng: 1,74 tỷ đồng; Nhân công vận hành: 6,54 tỷ đồng).
Năm đầu tiên Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam, đơn vị triển khai, xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng; giai đoạn tiếp theo căn cứ vào số liệu vận hành thực tế Công ty sẽ phối hợp với Sở, ban, ngành liên quan tổng hợp kết quả triển khai làm căn cứ báo cáo, đề xuất UBND Thành phố về nội dung này.
6 quận nội thành được thí điểm trước ở giai đoạn đầu. Trong đó, quận Ba Đình dự kiến có 340 xe đặt tại tuyến Kim Mã, Trần Huy Liệu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, Quán Thánh. Quận Tây Hồ có 242 xe tại các tuyến Lạc Long Quân, Thanh Niên, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Trích Sài.
Quận Đống Đa có 100 xe tại Giảng Võ, Hào Nam, Hoàng Cầu, Thái Hà, Láng. Quận Hoàn Kiếm có 280 xe tại Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng... Gần 300 xe còn lại được đặt tại quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.
Người dân có thể sử dụng dịch vụ thông qua phần mềm trên điện thoại thông minh: mở khóa xe bằng quét mã QR, tìm trạm và đặt xe qua ứng dụng...
Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống cũng có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Trước đó, từng có đề xuất không thu phí trong thời gian thí điểm nhưng Trí Nam đã khẳng định không thể thực hiện được do việc triển khai xây dựng dịch xe đạp đô thị dựa trên nguồn lực từ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không có sự tài trợ của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào trong và ngoài nước. Theo doanh nghiệp này, với phương án vé, quy mô và số lượng hành khách tương tự như TP Hồ Chí Minh, cần ít nhất 7 năm mới có thể thu hồi vốn.
Sở GTVT TP Hà Nội cho hay, đã xem xét thực tế việc triển khai dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Quy Nhơn. Các thành phố đã triển khai này đều thống nhất cho phép Trí Nam triển khai dịch vụ xe đạp đô thị có thu phí sử dụng của người dân trên địa bàn. Đến nay, Trí Nam chưa nhận được phản ánh, thắc mắc về việc thu phí của người dân trên các địa bàn đã triển khai.
Năm 2016, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa thí điểm cho thuê xe đạp và xe đạp điện bằng năng lượng mặt trời tại Hà Nội, nhưng sau đó đã không duy trì được dài hạn.
Tại TP HCM, cuối năm 2021, Công ty Trí Nam thí điểm dịch vụ thuê xe đạp tại quận 1. Sau 10 ngày triển khai (từ 16 đến 26/12/2021), mô hình đã thu hút 19.000 lượt sử dụng.