Hà Nội sẽ xử lý nghiêm các trường hợp người đi bộ cố tình "phớt lờ'' cầu bộ hành
Trước tình trạng này, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội giao Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an thành phố, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách để ngăn chặn vi phạm.
Hiện mức xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (Điều 9 Nghị định 100 sẽ phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn…
Các cầu bộ hành tại thành phố Hà Nội đã được đưa vào hoạt động có thể kể đến như: trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), đoạn gần nút giao Mai Dịch-Phạm Hùng và trước cổng Trường Đại học Quốc gia; nút giao thông Tây Sơn-Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), Bệnh viện K Tân Triều (huyện Thanh Trì); cầu vượt Xã Đàn, gần ngã tư Xã Đàn-Phạm Ngọc Thạch; cầu bắc qua đường Giải Phóng-Lê Thanh Nghị, đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai...
Mặc dù các cây cầu này đi vào hoạt động đã lâu nhưng nhiều người, từ học sinh, sinh viên, đến cả người cao tuổi vẫn chưa xây dựng được thói quen tham gia giao thông đúng quy định.
Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội cũng tổ chức hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên dịp đầu năm học mới giúp các em hiểu rõ hơn về những quy tắc ứng xử thông qua các bài giảng trực quan, sinh động, từ đó giúp các em có thể bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình khi tham gia giao thông.
Trước đó, năm 2009, Hà Nội đã khởi công đầu tư xây dựng 18 cầu dành cho người đi bộ tại các tuyến phố: Chùa Bộc, Láng Hạ, Giảng Võ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Trần Khát Chân, Giải Phóng, Thái Hà, Ngọc Hồi nhằm góp phần thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô trong việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.