Ôtô uể oải cũng vì… ngân hàng

Đức Thọ
Hiện tượng thị trường ôtô trong nước giảm sâu kỷ lục có một nguyên nhân lớn là sự thắt chặt cho vay của các ngân hàng
Thị trường ôtô trong nước sẽ sôi động trở lại một phần không nhỏ nhờ ngân hàng "tháo nút" cho vay tiêu dùng - Ảnh: Đức Thọ.
Thị trường ôtô trong nước sẽ sôi động trở lại một phần không nhỏ nhờ ngân hàng "tháo nút" cho vay tiêu dùng - Ảnh: Đức Thọ.
Hiện tượng sức mua trên thị trường ôtô trong nước giảm sâu kỷ lục trong thời gian vừa qua, ngoài các nguyên nhân tăng thuế và phí dẫn đến tăng giá, còn có một nguyên nhân khác là sự thắt chặt cho vay của các ngân hàng.

Kể từ tháng 4/2008, thị trường ôtô trong nước bắt đầu trở nên u ám khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng bị điều chỉnh tăng thêm 5-10% kéo theo giá bán của các loại ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng theo. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5, mãi lực ôtô trong nước mới thật sự sụt giảm mạnh mẽ.

Đặc biệt trong ba tháng 7, 8 và 9, sản lượng bán hàng của các hãng ôtô trong nước càng trở nên thê thảm. Tháng 7, tổng sản lượng bán hàng của các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) tụt mạnh xuống còn 8.458 chiếc. Sang tháng 8, con số này chỉ còn 7.809 chiếc.

Tháng 9, sức mua ôtô trong nước đã xuống mức thấp kỷ lục khi chỉ đạt 5.180 chiếc, thấp nhất kể từ đầu năm và cũng là lần đầu tiên sụt giảm so với cùng kỳ 2007, thậm chí giảm đến 33%.

Có một sự trùng hợp là cũng trong thời gian này, tăng trưởng tín dụng chung, trong đó có tín dụng hỗ trợ mua ôtô, liên tục duy trì ở mức thấp.

Trong các tháng 7, 8 và 9, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã rơi xuống "vùng trũng" thấp nhất kể từ đầu năm, chỉ từ 0,7 - 0,9%. Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 18,03%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 30% của cùng kỳ năm 2007.

Thực tế cho thấy, đây là quãng thời gian thị trường cho vay mua ôtô hầu như đóng cửa hoặc người dân, doanh nghiệp không thể mua xe trả góp do lãi suất quá cao, có thời điểm lên đến gần 25% tính cả các chi phí liên quan. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, thị trường cho vay mua xe cũng đã thu hẹp khá mạnh do vốn khả dụng và thanh khoản của nhiều ngân hàng khó khăn.

Theo thông tin từ một chuyên viên tín dụng của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) tại Tp.HCM, hoạt động cho vay mua ôtô của ngân hàng này đã tạm ngừng từ đầu năm.

Đáng chú ý là trong năm 2007, ngân hàng này là một đầu mối hỗ trợ vốn loại này mạnh, với hạn mức cao, có sản phẩm lên tới 90% giá trị xe. Đặc biệt, trong năm 2006 và 2007, SeABank được biết đến là một ngân hàng năng động khi mở dịch vụ ngân hàng ngay tại đại lý các hãng ôtô lớn để tiếp thị vốn đến người mua xe. Nhưng từ vài tháng trở lại đây, hoạt động này đã bị ngưng lại.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ một chuyên viên tín dụng của Ngân hàng Quốc tế (VIB), hiện dư nợ cho vay mua ôtô của ngân hàng này chưa có thống kê công bố cụ thể, nhưng chắc chắn là giảm mạnh so với năm 2007. Nguyên do là lãi suất cao, lạm phát cao hạn chế nhu cầu. Về phía ngân hàng, việc rà soát và tăng cường các điều kiện cho vay cũng là một hạn chế.

Đến đây, câu hỏi được đặt ra là sự trùng hợp này có phải ngẫu nhiên?

Trả lời câu hỏi này, các nhà phân tích cho rằng, thực tế sự tác động từ thị trường cho vay tiêu dùng lên thị trường ôtô qua tác động trực tiếp lên nhu cầu và khả năng chi trả của người dân là rất lớn, nhất là với các loại xe thương mại, xe du lịch hạng trung và thấp bởi đây là đối tượng khách hàng cần mua xe trả góp hơn cả.

Thử làm một phép tính nhỏ để thấy rõ hơn điều này. Nếu khách hàng mua một chiếc xe Honda Civic 2.0 có mức giá 600 triệu đồng, khách hàng thanh toán trước 200 triệu và trả góp 400 triệu còn lại với lãi suất trả góp 15%/năm tại thời điểm đầu năm thì 2 năm sau, khi thanh toán toàn bộ số tiền mua xe kể cả lãi, khách hàng đó sẽ mất tổng cộng 720 triệu đồng. Nếu mua xe tại thời điểm lãi suất cao nhất là 25%/năm, khoản tiền đó sẽ lên đến 800 triệu đồng.

Đó là trong trường hợp có thể mua xe trả góp mặc dù lãi suất cao, còn trên thực tế, trong quý 3/2008 đa số các ngân hàng đều đóng cửa với thị trường này. Do vậy, cho dù người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận lãi suất cao để mua xe cũng đành phải “bó tay”.

Trao đổi với VnEconomy, Chủ tịch VAMA, Tiến sỹ Udo Loersch đã nhận định sự thắt chặt của thị trường cho vay mua xe là một nguyên nhân quan trọng khiến thị trường ôtô trong nước sụt giảm mạnh.

Cụ thể hơn, bà Dương Kim Thoa, Công ty Ôtô Đông Hải (Hà Nội), nói trong thời gian qua, khách hàng rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng thông qua hình thức mua xe trả góp hay thuê mua tài chính. Và chính việc hạn chế cho vay mua xe của các ngân hàng đã làm giảm khoảng 50% nhu cầu mua xe của thị trường.

Mặc dù vậy, hiện cũng đang có một số dự báo về khả năng các ngân hàng sẽ thôi “bó” ôtô với việc mở rộng trở lại hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay mua xe trả góp. Theo đó, mặc dù thị trường ôtô trong nước thời gian tới vẫn còn khó khăn song sẽ được cải thiện đáng kể nếu thị trường cho vay mua xe sôi động trở lại.

Dự báo này được đưa ra dựa trên những tín hiệu vui từ ngành ngân hàng với đà giảm nhanh lãi suất và nguồn cung tiền dồi dào cùng khả năng mở rộng đối tượng tiếp cận lãi suất ưu đãi trong đó có cả cho vay tiêu dùng cá nhân.

Và ngay trong tháng 10/2008, cùng thời điểm với việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất kể cả cho vay lẫn huy động cùng hoạt động mở rộng diện tiếp cận vốn vay, thị trường ôtô trong nước cũng đã có bước tăng trưởng trở lại, dù ở mức nhẹ.

Tin mới

Tái chế lốp xe: Xu hướng xanh hoá ngành ô tô toàn cầu

Tái chế lốp xe: Xu hướng xanh hoá ngành ô tô toàn cầu

Tái chế lốp xe thời gian gần đây đã nổi lên như một giải pháp thay thế tiết kiệm năng lượng hơn cho sản xuất lốp xe truyền thống, nơi nguyên liệu thô được chiết xuất, chế biến và định hình thành lốp xe mới.
VinFast miễn phí sạc thêm 2 năm: Các đối thủ ngoại đối mặt thêm nhiều khó khăn

VinFast miễn phí sạc thêm 2 năm: Các đối thủ ngoại đối mặt thêm nhiều khó khăn

VinFast vừa công bố áp dụng chính sách miễn phí sạc pin cho tất cả khách hàng cá nhân đã và sẽ mua xe tới hết ngày 30/06/2027. Với “0 đồng nhiên liệu” trong vòng hơn 2 năm tới, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thêm nhiều động lực để chuyển đổi sang xe điện, góp phần kiến tạo môi trường xanh bền vững. “Nước cờ” mới này của VinFast cũng sẽ khiến các đối thủ ngoại đứng ngồi không yên.
Top 10 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn thế giới 2024

Top 10 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn thế giới 2024

Trong danh sách top 10 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới do Forbes công bố, đó là những người tiên phong trong lĩnh vực xe điện đến các nhà sản xuất xe thể thao hạng sang, những công ty này đại diện cho hình mẫu của sự đổi mới, hiệu suất và sự xuất sắc trong thế giới ô tô.
“Gã khổng lồ” Geely sắp vào Việt Nam vượt mốc doanh số 3 triệu xe toàn cầu trong năm 2024

“Gã khổng lồ” Geely sắp vào Việt Nam vượt mốc doanh số 3 triệu xe toàn cầu trong năm 2024

Zhejiang Geely Holding (Tập đoàn Geely) vừa công bố báo cáo doanh số toàn cầu 11 tháng đầu năm 2024, trong đó tổng doanh số lũy kế của các hãng xe thuộc Tập đoàn này đã chính thức vượt mốc 3 triệu xe, tăng trưởng tới 20.7% so với cùng kỳ năm trước. Với thành tích này, Geely giữ vị thế nằm trong Top 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu trên thế giới.