Sản lượng xe máy ra thị trường vẫn tăng cao dù sắp đến mốc phải hạn chế 2030

Lê Vũ
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê mới công bố, các doanh nghiệp trong nước sản xuất ước đạt 269.600 chiếc xe máy mới trong tháng 10/2024 vừa qua. Đáng chú ý, con số này tăng đến 14,8% so với tháng 9 trước đó (234.800 chiếc) và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh số xe máy được bán ra thị trường Việt vẫn có xu hướng tăng.
Doanh số xe máy được bán ra thị trường Việt vẫn có xu hướng tăng.

Ở một báo cáo khác, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong quý III năm 2024, tổng số xe máy bán ra thị trường vẫn đạt 686.001 chiếc, tăng 12,34% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 13,74% so với quý II năm 2024.

Hiện nay, thị trường xe máy Việt Nam có 5 nhà sản xuất lớn, chiếm trên 95% thị phần gồm: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio và SYM, đây cũng là 5 thành viên thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM). 

Chính phủ đã có nghị định 48 về việc tăng cường thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, trong đó yêu cầu 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những thống kê nêu trên cho thấy nhu cầu của người dân vẫn là rất lớn với xe máy hai bánh.

Việt Nam là thị trường xe 2 bánh lớn thứ tư trên thế giới và lớn thứ ba về doanh số bán xe điện hai bánh. Motorcycles Data ước tính rằng hơn 2/3 số người dân sống ở Việt Nam sở hữu xe điện hai bánh và hơn 90% hộ gia đình có xe máy. Việt Nam thậm chí còn là một trong những quốc gia có GDP tăng trưởng nhanh nhất thế giới và cùng với đó là nhu cầu giảm ô nhiễm đô thị rất lớn.

Trước đó, 4 tháng đầu năm 2024, doanh số thị trường xe hai bánh Việt Nam là 904.684 (- 6,0%). Dữ liệu cuối cùng của năm 2023 báo cáo tổng doanh số bán xe 2 bánh ở mức 2,78 triệu (-18,1%), kết quả tồi tệ hơn trong 15 năm qua và kỳ vọng về sự phục hồi vào năm 2024.

Tính từ tháng 4 - 6 năm 2024, tổng lượng xe máy tiêu thụ trên thị trường là 603.127 chiếc. Tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng lại giảm 6,9% so với quý đầu năm.

Honda tiếp tục duy trì vị thế thống trị trên thị trường với việc bán ra 554.805 chiếc trong quý III-2024, tương đương 80,8% thị phần. Các thương hiệu khác như Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha chia miếng bánh thị phần còn lại.

Xe điện là bước chuyển tiếp theo của thị trường xe hai bánh Việt.
Xe điện là bước chuyển tiếp theo của thị trường xe hai bánh Việt.

Hiện tại, ngành công nghiệp xe máy Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển dịch việc sản xuất các linh kiện, phụ tùng và các sản phẩm trung gian từ các nhà cung cấp nước ngoài về các doanh nghiệp trong nước.

Trong xu thế mới, đại diện VAMM từng đưa ra dự báo rằng thị trường xe máy Việt Nam đã bước vào giai đoạn bão hòa và đang dịch chuyển từ dòng xe số sang sử dụng dòng xe tay ga. Dòng xe tay ga chiếm hơn 45% thị phần và sẽ là phân khúc tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Đặc biệt, khi thị trường trong nước bão hòa, các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu xe máy nguyên chiếc ra các thị trường lân cận trong khu vực.

Với “cơn bão” điện khí hoá toàn cầu, thị trường xe máy truyền thống ở Việt Nam cũng đã có bước chuyển dần sang thị trường xe máy điện.

Theo đánh giá của Motorcycles Data, VinFast, Pega và Yadea hiện là ba thương hiệu xe máy điện hiện “chiếm sóng” tại Việt Nam. Các thương hiệu truyền thống như Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki cũng đang dần chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực này và đã ra mắt sản phẩm mới, nhưng mới ở mức thăm dò thị trường.

Thực tế, trong mấy chục năm qua, những thành phố lớn trên cả nước và đóng vai trò đầu não của đất nước như Hà Nội đã đưa ra nhiều quy hoạch, đề án và giải pháp như tăng quỹ đất cho giao thông, tăng năng lực của vận tải công cộng, quản lý các hệ thống phương tiện, nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Thành phố hiện có dân số đã vượt qua 8 triệu người, chưa kể khoảng 1,2 triệu người dân vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại đây. Số lượng phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó gần 1,5 triệu ô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của Thành phố là 4,5%/năm, riêng ô tô khoảng 10%. Tuy nhiên, diện tích đất dành cho giao thông hiện chỉ đạt khoảng 12,13%, dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng trên các tuyến đường.

UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024.

Theo dự thảo này, vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí. Dự kiến, việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ đầu năm 2025.

Còn tại TP.HCM, đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân đã được HĐND TP thông qua vào năm 2020. Theo đó, từ năm 2021-2030, TP.HCM sẽ triển khai phương án mở rộng mạng lưới xe buýt, đảm bảo kết nối đến các vùng đô thị, đầu mối giao thông, hoàn thiện các dự án có khối lượng vận tải lớn như xe bus nhanh, metro,... Khi vận tải công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tùy từng khu vực, TP sẽ triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân, tổ chức lại giao thông cho xe hai, ba bánh tại khu vực trung tâm.

Với nhóm giải pháp kiểm soát xe cá nhân, đề án sẽ xem xét việc bổ sung phí ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại phí, lệ phí, phân vùng hoạt động của xe hai, ba bánh phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, năng lực của vận tải công cộng giai đoạn từ 2021-2025. 

Đánh giá về việc hạn chế xe máy và giảm ùn tắc, các chuyên gia trong ngành cho rằng Hà Nội và các đô thị lớn chỉ thực hiện được khi vận tải công cộng đạt từ trên 50% nhu cầu đi lại của người dân.

Trong khi đó, với việc doanh số bán xe máy vẫn tăng cao trong thời gian gần đây dù được thị trường được đánh giá đã rơi vào giai đoạn bão hoà và đang có xu hướng chuyển dịch “ô tô hoá” với nhiều mẫu ô tô mini có giá thành hấp dẫn, các chuyên gia giao thông cho rằng điều này cũng có thể dự đoán trước được vì nhu cầu thực tế của người dân không thể thay đổi một sớm một chiều. Đặc biệt, khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng cộng với thói quen lâu nay thì người dân rõ ràng vẫn sẽ tìm đến phương tiện xe hai bánh để di chuyển dẫn đến doanh số của xe hai bánh vẫn tăng cao.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.