Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Lê Vũ
Thị trường ô tô điện tại Việt Nam có thể gặp thách thức vào năm 2025, khi ưu đãi về lệ phí trước bạ giảm xuống một nửa. Khoảng thời gian còn lại chỉ vừa đủ để các nhà sản xuất ô tô ra mắt những mẫu xe mới, phát triển hệ thống đại lý phân phối và gia tăng nhận diện thương hiệu tới người tiêu dùng.
VinFast
VinFast "sống khỏe" ngay cả khi giảm ưu đãi về lệ phí trước bạ nhờ 3 ưu thế cạnh tranh. Ảnh: VinFast.

Theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, trong vòng 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (01/3/2022), ô tô điện chạy pin được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%. Trong vòng 2 năm tiếp theo (từ 01/3/2025 đến 01/3/2027), nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Quy định trên áp dụng cho cả xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc và có hiệu lực liên tục với tổng thời gian là 5 năm. Trong khi đó, đối với xe dùng động cơ đốt trong, chính sách giảm lệ phí trước bạ chỉ áp dụng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, thời hạn 6 tháng và chỉ giảm 50%. Do đó, chính sách miễn, giảm lệ phí trước bạ dành cho xe điện chạy pin có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với các dòng xe thân thiện với môi trường và góp phần giúp đẩy nhanh tiến trình điện khí hóa tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tại thời điểm bắt đầu áp dụng quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, thị trường Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện những mẫu xe “thuần” điện (BEV) đầu tiên gồm VinFast VF e34, Porsche Taycan. Cuối năm 2022, các mẫu BEV tiếp theo được giới thiệu gồm VinFast VF 8, VF 9, BMW, Mercedes-Benz EQS, Audi e-tron. Trong khi đó, các dòng xe thân thiện với môi trường khác bao gồm Hybrid (HEV), Plug-in Hybrid (PHEV), dù đã tồn tại trước đó nhiều năm như Toyota Prius (2007), Lexus LS600H (2007), Lexus RX450h (2009) và các mẫu Hybrid thế hệ mới như Toyota Corolla Altis 1.8HEV, Camry HEV, Corolla Cross 1.8HEV lại không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ như BEV.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn chưa đến một năm nữa, mức thu lệ phí trước bạ đối với BEV sẽ được điều chỉnh từ 0% lên 50%. Điều này có nghĩa chi phí lăn bánh một chiếc BEV sẽ tăng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, tùy thuộc giá niêm yết của xe. Điều này, vô hình trung, sẽ góp phần tạo thêm áp lực tài chính cho người tiêu dùng bởi giá một chiếc BEV thường cao hơn so với phiên bản chạy xăng, dầu, đặc biệt đối với các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc. Bên cạnh đó, các hãng xe cũng phải chịu áp lực gia tăng chương trình ưu đãi, thậm chí giảm giá niêm yết để kích cầu tiêu dùng.

Như vậy, kể từ tháng 3/2025, trên thị trường, chỉ có VinFast đảm bảo được thị phần ổn định nhờ lợi thế “sân nhà”, lợi thế về giá bán (do đang nắm giữ công nghệ lõi về cell pin) và lợi thế về hạ tầng trạm sạc.

Báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý I/2024 cho thấy, doanh thu của VinFast đạt 7.264 tỷ đồng, tăng 269,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm, VinFast đã bàn giao tổng cộng 9.689 ô tô điện, tăng 444% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast cho biết Công ty giữ nguyên mục tiêu bàn giao 100.000 xe trong năm 2024 nhờ mạng lưới phân phối ngày càng mở rộng cũng như hướng tới cân bằng giữa tăng trưởng doanh thu và tối ưu hóa chi phí. Dự kiến đến năm 2025, VinFast sẽ hòa vốn và bắt đầu có lãi.

Đối với thị trường xe nhập khẩu, từ nửa cuối năm 2023, nhiều mẫu BEV bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, bao gồm BMW iX3, i4, i7, Mercedes-Benz EQB, EQE, Haima 7X-E... Doanh số các mẫu xe này không được nhà sản xuất công bố. Tuy nhiên, với giá đề xuất từ 1 tỷ đồng đến hơn 7 tỷ đồng (riêng Rolls-Royce Spectre giá gần 18 tỷ đồng), việc điều chỉnh lệ phí trước bạ lên mức 50% của xe chạy xăng, dầu cùng chỗ ngồi, tương đương mức lệ phí 5-6% giá trị xe có thể khiến nhiều khách hàng “xây xẩm” khi giá lăn bánh mới đội lên khá cao. Điều này khiến cơ hội trải nghiệm và sở hữu một chiếc xe sang chạy điện ngày càng xa vời với số đông người dùng Việt.

Thách thức lớn đối với các thương hiệu xe điện nhập khẩu hoặc liên doanh. Ảnh: TMT Motors
Thách thức lớn đối với các thương hiệu xe điện nhập khẩu hoặc liên doanh. Ảnh: TMT Motors.

Đối với các mẫu BEV lắp ráp trong nước, bao gồm Hyundai Ioniq 5, Wuling Mini EV, tương quan giữa giá bán và trang bị, công nghệ đi kèm cũng là bài toán khó đối với các thương hiệu ô tô. Lý do bởi linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc vào Việt Nam không được ưu đãi thuế nhập khẩu 0% như linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN (theo ATIGA). Điều này khiến giá thành phẩm một chiếc ô tô không giảm nhiều so với xe nhập khẩu nguyên chiếc, thậm chí vẫn cao hơn xe lắp ráp tại Thái Lan, Indonesia.

Trong đó, Wuling Mini EV, dù được đánh giá có nhiều cơ hội “tỏa sáng” trong phân khúc xe điện mini, nhưng vẫn chưa đủ sức chinh phục đa số khách hàng Việt. Mới đây, Công ty CP Ô tô TMT (TMT Motors) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2023. Theo kế hoạch ban đầu đặt ra, TMT Motors dự kiến bán được 5.525 chiếc Wuling Mini EV, nhưng thực tế cả năm 2023 chỉ bán được 591 xe. Doanh thu thuần bán hàng đạt 2.616 tỉ đồng, giảm 13,5% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt gần 2,4 tỷ đồng, giảm 95%.

Theo TMT Motors, ngoài nguyên nhân khách quan do tình hình kinh tế khó khăn và thị trường ô tô cả nước sụt giảm, nguyên nhân chủ quan do công tác triển khai kinh doanh và kết nối khách hàng chưa thực sự hiệu quả. Trong thời gian tới, TMT Motors sẽ tiếp tục tìm giải pháp mở rộng đối tượng khách hàng tiềm năng. Trong đó, việc sử dụng xe điện mini vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ taxi cũng là một lựa chọn khá phù hợp.

Tại một số diễn đàn về ô tô, nhiều người chung nhận định rằng đối với dòng xe BEV tại Việt Nam, VinFast đang là thương hiệu có lợi thế cạnh tranh lớn nhất và đây sẽ là thương hiệu dẫn dắt thị trường xe điện đi lên trong thời gian tới. Đối với các thương hiệu xe nước ngoài, dù có đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam (như trường hợp của Chery), điều quan trọng là cần có giải pháp về vấn đề sạc pin và vấn đề hậu mãi để người dùng yên tâm sử dụng.

Tin mới

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi được biết đến là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới đã tạo ra tác động đáng kể đến thị trường xe điện (EV) thời gian qua. Xiaomi đã vượt qua mục tiêu bán hàng đầy tham vọng vào năm 2024 là 130.000 xe chỉ trong vòng 9 tháng. Mẫu xe điện đầu tiên của công ty, SU7, ra mắt vào tháng 3, là nền tảng cho thành công này dù vướng phải nhiều tranh cãi.
Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Theo Nghị định số 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thay thế cho Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao so với hiện tại.