Singapore thúc đẩy phát triển xe điện nhưng gặp khó vì… dân giàu có

Khôi Nguyên
Nỗ lực khiến người dân ngừng mua ô tô động cơ đốt trong từ năm 2030 của Singapore đang vấp những khó khăn nhất định khi người dân giàu có đang khá đông trong khi tổng dân số chỉ khoảng gần 6 triệu người. Với mức thu nhập và tài sản hiện có, cư dân ở quốc gia này nhiều người có đủ thu nhập để sở hữu những chiếc siêu xe ở một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới. Vì vậy xe điện vẫn chưa đủ hấp dẫn.

Xe điện không hấp dẫn người dân bằng siêu xe

Eu Gene Goh, một kỹ sư thiết kế chip và chiếc McLaren 765LT của mình ở Singapore.
Eu Gene Goh, một kỹ sư thiết kế chip và chiếc McLaren 765LT của mình ở Singapore.

Mục tiêu loại bỏ dần doanh số bán ô tô đốt trong vào năm 2030 của Singapore đặt nước này vào một nhóm nhỏ các quốc gia có mục tiêu ngắn hạn đó, bao gồm Iceland, Thụy Điển và Hà Lan, nhưng doanh số bán ô tô điện ở những thị trường này đã tăng nhanh hơn.

Thực tế Chính phủ Singapore đã thúc đẩy phát triển xe điện (EV) trong hai năm qua, đưa ra các ưu đãi lên tới 45.000 đô la Singapore và mở rộng mạng lưới sạc, nhưng việc tiếp nhận của người mua cá nhân sẽ cần phải tăng tốc rất nhiều để đạt được mục tiêu mong muốn.

EV chiếm gần 12% tổng doanh số bán ô tô tại Singapore vào năm ngoái, tăng từ mức gần 4% vào năm 2021, Cơ quan Giao thông Đường bộ của nước này cho biết.

Tuy nhiên, xe điện chỉ chiếm 1% số ô tô trên đường. Để so sánh, xe thể thao chạy động cơ đốt trong một thành phố nơi Giải đua xe Công thức 1 là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm, chiếm 1,65% trong số gần 653.000 xe đã đăng ký.

Ở Singapore, một hòn đảo nhỏ với hệ thống giao thông công cộng rộng khắp, tỉ lệ chỉ có khoảng 12 chiếc ô tô được sở hữu trên 100 người. Trong khi tỉ lệ trên là 9 trên 100 ở Hong Kong và 82 ở Mỹ.

Trong khi đó, trong thập kỷ qua, số lượng siêu xe Ferrari ở Singapore đã tăng 67% và Lamborghini tăng 38%. Dữ liệu cho thấy số lượng McLarens đã tăng hơn 5 lần lên 180 chiếc kể từ năm 2012. Số lượng xe Porsche trên đường gần gấp năm lần so với xe Tesla.

“Về cơ bản, toàn bộ thị trường đã chuyển sang quy mô lớn”, nhà kinh tế Walter Theseira nhận định. Ông cho biết thêm, sở thích của người Singapore đối với những chiếc xe hơi sang trọng và hiệu suất là do sự giàu có ngày càng tăng của một bộ phận cư dân trong khi những người có thu nhập thấp hơn phải trả giá bằng quyền sở hữu xe hơi.

HSBC ước tính 13% người Singapore có thể trở thành triệu phú vào năm 2030, tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Một cuộc đấu giá từ thiện gồm 100 chiếc Hyundai Ioniq 5 phiên bản giới hạn “made in Singapore” hồi đầu năm nay chỉ bán được một nửa số xe điện phiên bản đặc biệt có in nổi linh vật Merlion của thành phố.

Xe điện chưa phải là xu hướng hấp dẫn được giới nhà giàu ở Singapore.
Xe điện chưa phải là xu hướng hấp dẫn được giới nhà giàu ở Singapore.

Hyundai cho biết “rất vui khi thấy kết quả, xét đến sự xa lạ và mới mẻ” của EV, nhưng từ chối cho biết cuộc đấu giá đã thu được bao nhiêu.

Markus Schuster, giám đốc điều hành của Audi Singapore, tin rằng xe điện sẽ chiếm phần lớn doanh số bán ô tô mới sớm nhất là vào năm 2025 hoặc 2026 khi các mẫu xe cao cấp hơn như Q8 e-tron và Q4 e-tron của Audi được tung ra thị trường.

“Là nơi trưng bày xe điện, thành phố này thật hoàn hảo”, Schuster cho biết thêm, các tài xế Singapore chỉ đi trung bình 30 km một ngày và không có kiểu “lo lắng về phạm vi” như các tài xế ở Mỹ và châu Âu.

Chính phủ nước này cũng có kế hoạch xây dựng 60.000 điểm sạc vào năm 2030, tăng từ 1.600 hiện nay. Schuster tin rằng đây sẽ là điểm bùng phát để đạt được mục tiêu năm 2030.

Nhưng cũng có những người giàu thích chuyển đổi để “trải nghiệm” như Goh, chủ sở hữu một chiếc McLaren, đã là một người chuyển đổi sang dùng EV. Lý do cho sự lựa chọn này là anh thích việc không phải để động cơ chạy khi đưa đón con và chi phí sạc pin cho chiếc Tesla Model 3 của mình vào năm ngoái là dưới 700 đô la Singapore cho 11.000 km lái xe.

“Đối với một người lái xe hàng ngày, tôi sẽ không quay lại với một chiếc xe chạy xăng bình thường”, Goh nói.

Nhưng Goh hiện đang giữ chiếc McLaren của mình để có thể thưởng thức màn trình diễn của chiếc xe trên đường đua mà anh đến thăm ở Malaysia.

“Tôi thích công nghệ và tôi thấy siêu xe, đặc biệt là McLaren, giống như kết hợp công nghệ và nghệ thuật lại với nhau”, Goh nhấn mạnh.

Singapore – “Điểm nóng” của giới nhà giàu

Những chiếc xe điện là lựa chọn đứng sau siêu xe ở SIngapore.
Những chiếc xe điện là lựa chọn đứng sau siêu xe ở SIngapore.

 

Singapore được cho có thể vượt Australia và Hong Kong trở thành thủ đô triệu phú châu Á trong vòng chưa đầy một thập kỷ sắp tới. Theo một báo cáo của ngân hàng toàn cầu HSBC vào năm 2022, trong 8 năm nữa, hơn 13% dân số trưởng thành của Singapore sẽ có tài sản từ 1 triệu USD trở lên, vượt qua tỷ lệ triệu phú ở Mỹ, Trung Quốc và 12 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương khác.

Đến năm 2030, ngân hàng HSBC dự đoán rằng chỉ 8,8% người trưởng thành ở Mỹ và 4,4% người trưởng thành ở Trung Quốc sẽ là triệu phú. Trong số các nền kinh tế châu Á, Úc sẽ đứng thứ hai sau Singapore với khoảng 12,5% dân số trưởng thành là triệu phú vào thời điểm đó và Hong Kong sẽ đứng thứ ba với 11,1%.

Singapore hiện có tỷ lệ triệu phú trưởng thành cao thứ hai ở mức 7,5%, chỉ sau 8% của Úc, nhưng cao hơn 5,9% của Đài Loan.

Hòn đảo này từ lâu đã được coi là một thiên đường tư bản, phát triển mạnh về kinh tế, yêu cầu người dân phải đóng thuế ở mức tối thiểu, trong khi vẫn cung cấp một mạng lưới an sinh xã hội tốt. HSBC kỳ vọng Singapore sẽ tiếp tục mở rộng thứ hạng các điểm đến hàng đầu cho người nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ và tài chính khi các doanh nghiệp và chuyên gia toàn cầu rời khỏi Hong Kong, và những công dân Trung Quốc giàu có chuyển vốn của họ sang nước này.

Nhiều cá nhân giàu nhất thế giới, từ Li Xiting, người sáng lập hãng sản xuất thiết bị y tế lớn nhất Trung Quốc, Mindray đến nhà đồng sáng lập Facebook Eduardo Saverin cho đến người sáng lập gã khổng lồ về trò chơi và thương mại điện tử Sea Forrest Li, tất cả đều đã sống ỏ Singapore.

Trong những năm gần đây, Singapore đã củng cố vị thế là nơi trú ẩn an toàn cho nguồn vốn ở châu Á, khi các doanh nghiệp và chuyên gia toàn cầu trở nên căng thẳng dưới các chính sách cứng rắn về COVID-19 của Hong Kong và Trung Quốc đại lục. Điều này đã giúp thúc đẩy một làn sóng người nước ngoài và tiền Trung Quốc đến Singapore. Một nhà sáng lập của một công ty dịch vụ doanh nghiệp ở Singapore đã nói với CNBC vào tháng 3/2022 rằng 50 khách hàng của cô phần lớn đến từ Trung Quốc, đã mở văn phòng ở Singapore. Mỗi văn phòng nắm giữ ít nhất 10 triệu USD tài sản.

Tuy nhiên, mặc dù có thể có số lượng triệu phú trên đầu người cao nhất, nhưng các quốc gia có dân số đông hơn sẽ vượt Singapore về số lượng tuyệt đối vào năm 2030. Đến năm đó, Trung Quốc có thể có 50 triệu triệu phú, trong khi số triệu phú của Ấn Độ có thể lên tới 6 triệu. Số lượng triệu phú của Singapore dự kiến sẽ đạt 700.000 từ mức 400.000 hiện nay. Trong khi dân số đất nước này chỉ ở mức 5,7 triệu người.

Singapore có thể sớm có tỷ lệ triệu phú lớn nhất trong dân số trưởng thành, nhưng sự giàu có của các nước láng giềng cũng đang tăng lên.

Trong 8 năm tới, số người trưởng thành ở châu Á có tài sản ròng trên 250.000 USD có thể lên tới 350 triệu người. Ở Ấn Độ, con số đó sẽ tăng gấp ba lên 60 triệu. Hơn 2 triệu người Việt Nam trưởng thành dự kiến sẽ sở hữu ít nhất 500.000 USD vào cuối thập kỷ này, vượt qua cả người Singapore.

Giám đốc kinh tế châu Á của HSBC và đồng giám đốc nghiên cứu toàn cầu châu Á Frederic Neumann, tác giả báo cáo, đã viết trong một bài báo cho Business Today nói rằng thế giới nên “đánh giá sự giàu có đang gia tăng của châu Á. Sự giàu có về tài chính nói chung của khu vực, từ tiền gửi ngân hàng đến chứng khoán cho thấy rằng hầu như không thiếu vốn. Sự giàu có ngày càng tăng của Châu Á làm sáng tỏ các nguồn lực xã hội cuối cùng có sẵn để giúp hàng triệu người khác thoát khỏi đói nghèo”.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.