Tranh luận về đề xuất trẻ em không được ngồi trên ghế trước ô tô

Lê Vũ
Quy tắc mới dành cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô trong Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh.
Tại một số quốc gia, trẻ em phải được ngồi trên ghế chuyên dụng, quay mặt ngược với hưởng lái xe để đảm bảo an toàn. Ảnh: Car Seat
Tại một số quốc gia, trẻ em phải được ngồi trên ghế chuyên dụng, quay mặt ngược với hưởng lái xe để đảm bảo an toàn. Ảnh: Car Seat.

Hàng ngày, chị Phan Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội) phải chuẩn bị xe từ 6h30 sáng để đưa đón con đi học, dù nhà chỉ cách trường 5 km. Chị Quyên kể rằng, khi con còn nhỏ, mới đi nhà trẻ thì ngày nào bà nội cũng phải đi cùng xe để bế ẵm. Đến khi chuẩn bị vào lớp một, bé được mẹ cho ngồi hàng ghế sau, cài dây an toàn. Nhưng được một thời gian, bé nằng nặc đòi ngồi ghế trước cạnh mẹ. Cực chẳng đã, chị Quyên đành chiều con và lần nào bước lên xe cũng phải nhắc nhở con cài dây an toàn, ngồi ngoan, không được táy máy các nút bấm trên xe.

“Cho con ngồi phía trước cũng hơi lo đấy, nhưng bù lại, tôi có thể dễ dàng để ý đến con hơn. Đến giờ, con đã học lớp hai nhưng ngồi trên xe rất ngoan nên tôi cũng yên tâm”, chị Quyên nói.

Tương tự, gia đình chị Phạm Thị Hòa (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ do cả hai vợ chồng làm chung công ty nên cứ mỗi buổi sáng là cả gia đình lại leo lên xe để đi học, đi làm.

“Những năm đầu mới có một bé thì chồng tôi lái xe, tôi ngồi bế con ở ghế phụ, có cài dây an toàn. Đến giờ có hai bé rồi thì bố mẹ ngồi ghế trước, hai con ngồi ghế sau, đứa chị trông đứa em, nhưng gần như chúng chẳng chịu ngồi yên một chỗ bao giờ”, chị Hòa cho biết.

Trong khi đó, chị Phan Kim Linh (Việt kiều Đức) cho biết chị khá bất ngờ với cách mà các phụ huynh ở Việt Nam đưa đón con đi học hoặc đi chơi ở Việt Nam. “Tôi thấy rất nhiều gia đình cho con nhỏ ngồi ở ghế phụ phía trước, có người lớn bế ẵm. Thậm chí, tôi còn từng nhìn thấy cảnh người bố đang lái xe, con trai thì đứng trên ghế phụ và nhảy múa. Thật nguy hiểm!”, chị Linh kể lại.

Chị Linh cũng cho biết, ở châu Âu, trong hầu hết trường hợp, trẻ dưới 8 tuổi không được ngồi ở ghế phụ phía trước. Trong trường hợp chỉ có phụ huynh và một cháu trên ô tô thì chỗ ngồi an toàn nhất là hàng ghế thứ hai, bên tay phải. Phụ huynh có thể để ý được con của mình thông qua gương chiếu hậu bên trong xe.

Khuyến nghị loại ghế ngồi dành cho trẻ em theo từng độ tuổi tại châu Âu. Nguồn: SafetyBeltSafe
Khuyến nghị loại ghế ngồi dành cho trẻ em theo từng độ tuổi tại châu Âu. Nguồn: SafetyBeltSafe.

Tại Thụy Điển, trẻ dưới 5 tuổi được khuyến khích ngồi trên ghế dành riêng cho trẻ em và quay mặt vào ghế ô tô ở phía sau. Các chuyên gia phân tích, việc cho trẻ quay mặt vào ghế ô tô làm gia tăng khả năng sống sót khi có tai nạn xảy ra, kể cả va chạm phía trước, phía sau hoặc bên hông xe. Nếu không thể cho trẻ em ngồi quay mặt về phía sau xe đến 5 tuổi thì ít nhất cũng cần duy trì thói quen này cho đến khi trẻ được 3 tuổi.

Một nghiên cứu của SafetyBeltSafe (Mỹ) vào năm 2008 cho thấy, trẻ dưới 2 tuổi nếu ngồi hướng mặt về phía trước, khi xảy ra va chạm mạnh thì tỷ lệ tử vong lên đến 75%. Nếu trẻ được ngồi quay mặt về phía sau sẽ an toàn hơn gấp 5 lần.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, cơ quan Nhà nước đã nhiều lần đề xuất quy định trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi trên ghế trước ô tô. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, quy định này vẫn chưa được luật hóa có giá trị cưỡng chế thi hành.

Theo quy định tại Điều 9 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: “Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật)”.

Khi được hỏi, nhiều phụ huynh đồng tình với quy định trẻ em không được ngồi trên hàng ghế trước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định về độ tuổi của trẻ chưa thực sự phù hợp.

“Thực ra đa số các bé từ 6 tuổi đều đã hiểu và biết làm theo yêu cầu của cha, mẹ khi bước lên xe đó là phải cài dây an toàn và ngồi yên một chỗ. Nếu chỉ có một người lớn trên xe, sẽ chẳng thể biết được bọn trẻ làm gì khi ngồi ở phía sau. Điều này khiến tôi không yên tâm”, chị Vũ Lê Na (Hà Nội) chia sẻ.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, việc quy định về chiều cao 1,35 mét cũng khó khả thi. Bởi quy định này thường chỉ áp dụng tại các khu vui chơi, dịch vụ ăn uống có đặt sẵn dụng cụ đo chiều cao. Chẳng lẽ, CSGT cũng phải mang theo thước dây để đo chiều cao của các cháu khi tham gia giao thông?

Việc để trẻ em ngồi trên ghế phụ, thậm chí ghế lái tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Ảnh minh họa: Internet
Việc để trẻ em ngồi trên ghế phụ, thậm chí ghế lái tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Ảnh minh họa: Internet.

Ngược lại, không ít người cho rằng, đây là quy định chung đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, giúp đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, cần sớm được áp dụng tại Việt Nam.

Anh Hoàng Mạnh (Hà Nội) là người đã có 20 năm kinh nghiệm lái xe, cho biết việc để trẻ em ngồi ở ghế lái hoặc ghế phụ phía trước tiềm ẩn rủi ro rất cao. Thứ nhất, hàng ghế phía trước thường có ít nhất 2 túi khí. Khi xảy ra va chạm, túi khí bật ra với tốc độ khoảng 60-70 km/h, có thể gây đau rát với người lớn và dĩ nhiên đối với trẻ em thì càng dễ bị thương tổn hơn. Trong trường hợp va chạm nhẹ hoặc phanh gấp, túi khí không bung, với vóc dáng thấp, việc trẻ bị đập mặt vào táp lô là điều rất dễ xảy ra. Thậm chí, trẻ sẽ bị thương nặng hơn khi ngồi trên lòng của người lớn, vì khi đó khoảng cách giữa trẻ với táp lô càng gần hơn.

Thứ hai, nhiều người nghĩ rằng để trẻ ngồi ghế phụ sẽ dễ kiểm soát hơn nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Đa số trẻ em đều khá hiếu động, khi ngồi trên xe sẽ nói hoặc làm những hành động để thu hút sự chú ý của người lớn, hoặc tò mò bấm, gạt vào các phím chức năng trên ô tô. Điều này khiến phụ huynh dễ bị xao nhãng, mất tập trung khi lái xe, làm tăng nguy cơ tai nạn. Bên cạnh đó, khi sắp xảy ra va chạm, như một phản xạ tự nhiên, nhiều người sẽ có xu hướng đánh lái để tránh vật cản. Trong trường hợp xe chưa thể thoát hết khỏi chướng ngại vật thì phía ghế phụ, nơi trẻ đang ngồi, sẽ hứng trọn xung lực từ vụ va chạm.

“Có lẽ điểm bất lợi duy nhất đó là cha, mẹ dễ... bỏ quên con ở hàng ghế sau. Thực tế cũng đã từng xảy ra những vụ việc như vậy, nhưng tỷ lệ rất thấp. Những dòng xe mới hiện nay cũng đã được trang bị tính năng cảnh báo có trẻ đang ngồi trên xe, giúp cứu cánh cho các cha, mẹ trong những lúc bất cẩn”, anh Mạnh nói.

Theo dự kiến, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024.

Tin mới

#Auto Hashtag: Những nhầm tưởng tai hại về xe Hybrid của người tiêu dùng

#Auto Hashtag: Những nhầm tưởng tai hại về xe Hybrid của người tiêu dùng

Cuộc cách mạng “xanh” hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải dường như đang chia thành hai nhánh phát triển có tính khả thi nhất hiện nay, một là xe thuần điện, hai là xe Hybrid. Trong giai đoạn đầu, đa số các hãng ô tô đều tâm niệm rằng xe thuần điện mới là “chân ái” và họ bước vào một cuộc chạy đua đầy cam go, khốc liệt. Nhiều người từng cho rằng, xe Hybrid chỉ là giải pháp chuyển giao và sẽ sớm bị quên lãng. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, một số hãng ô tô lại bắt đầu “bẻ lái” sang tập trung phát triển xe Hybrid, khiến cuộc so kè giữa hai dòng xe này đang ngày càng trở nên cân bằng.