Tương lai của thị trường xe Việt sau khi hết ưu đãi thuế trước bạ cho xe trong nước
Theo Nghị định 109/2024/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước, từ ngày 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ ngày 01/12/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Với bối cảnh thị trường xe Việt hiện tại, theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng như một giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng. Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về LPTB bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng (tương đương mức giảm theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP).
Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước thực tế đã làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT có thể tăng.
Theo một nghiên cứu của SSI Research, bức tranh thị trường ô tô Việt Nam năm 2024 chưa thực sự khởi sắc hơn so với năm 2023, mức tăng trưởng chỉ dự kiến khoảng 9%,
Trước đó, thị trường ô tô Việt Nam từng 3 lần được Chính phủ ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi lần có hiệu lực 6 tháng và đều có kết quả khả quan.
Lần đầu tiên, áp dụng 6 tháng cuối năm 2020, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra tăng kỷ lục, đạt tới 398.177 xe, gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Lần 2 áp dụng 6 tháng từ 1/12/2021 - 31/5/2022, lượng xe trong nước bán được tổng cộng 232.192 xe. Trung bình 5 tháng đầu năm 2022, doanh số xe trong nước đạt 33. 690 xe/tháng, cao gấp 1,5 lần so với con số trung bình trong 7 tháng cuối năm 2022.
Lần 3, áp dụng 6 tháng cuối năm 2023, doanh số xe trong nước đạt 176.483 xe, tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2023.
Trong lần thứ 4 này, khoảng thời gian dù khá ngắn nhưng cũng chứng kiến tăng trưởng doanh số toàn thị trường, trong đó có màn bứt tốc của xe lắp ráp trong nước từ tháng 9. Tuy nhiên, khoảng thời gian ngắn nên khó có thể tạo được sự đột biến trong cả năm 2024.
Thực tế, khi thị trường bị kìm xuống, thông tin về thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước như “cơn mưa giải nhiệt”. Tuy nhiên, bên cạnh việc có thể là một cú hích lớn dành cho các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước thì thị trường xe ô tô trong nước rất khó lường sau khi chính sách hết hiệu lực.
Các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước là người sẽ chịu tác động nhiều nhất khi tâm lý người tiêu dùng có tâm lý “tiếp tục” chờ đợi thuế mới mua xe dẫn đến lượng hàng tồn kho cao. Trong khi đó, xe nhập khẩu đang tranh thủ cơ hội vươn lên với doanh số ấn tượng hơn trước sự khó khăn của xe lắp ráp.
Từ năm 2019, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Không thể phủ nhận những tác động tích cực của việc giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, nếu việc làm này kéo dài, các chuyên gia trong ngành cho rằng sẽ vi phạm Hiệp định WTO, các FTA mà Việt Nam đã tham gia và sẽ phản ứng. Để giải quyết bài toán này, nếu như Việt Nam vẫn tiếp tục giảm lệ phí trước bạ xe sản xuất và lắp ráp trong nước thì theo quy định của WTO và các FTA, cũng phải có chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô nhập khẩu. Trong bối cảnh hiện tại, điều này hoàn toàn không có lợi cho ngành sản xuất ô tô trong nước.
Không chỉ thế, trong lần thứ 4 này, việc giảm thuế trước bạ cũng chỉ trong vòng 3 tháng, “liều thuốc” giảm 50% này được giới chuyên gia đánh giá không xử lý triệt để gốc rễ vấn đề của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô Việt cần có một phương án chính sách dài hơi, bền vững hơn một cách toàn diện cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô nội địa.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, để đẩy mạnh phát triển dung lượng thị trường, đặc biệt là xe nội địa, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô tô trong nước. Điều này sẽ giải quyết vấn đề giảm giá thành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước vì tăng được tỷ lệ nội địa hoá, đồng thời đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu đang tăng trưởng rất nhanh và làn sóng xe Trung Quốc.
So với những lần trước được ưu đãi thuế trước bạ, năm 2024 là năm chứa nhiều biến số nhất từ khi có thông tin giảm thuế trước bạ hồi tháng 4 đầu năm. “Vùng đáy” của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam diễn ra vào khoảng giữa năm 2024 khi nhiều biến động vô cùng khó lường và doanh số sụt giảm nghiêm trọng, xe trong nước cũng thất thế trước xe nhập khẩu.
Trong khi đó, đến 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, dành cho các khu vực châu Âu, Nhật Bản, Mexico… Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ngày càng tràn vào nhiều. Hiện tại, dù trong vài tháng qua doanh số xe trong nước đã được vực dậy phần nào nhưng sau mốc 30/11, xe trong nước sẽ cần phải có một lối đi khác mới hơn mới có đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với xe nhập khẩu thay vì chỉ chờ chính sách ưu đãi tức thời.