Vì sao các “ông lớn” ngành ô tô chưa niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam?

Lê Vũ
Trong tổng số hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Điều này khiến nhóm cổ phiếu ngành ô tô trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Cổ phiếu nhóm ngành ô tô
Cổ phiếu nhóm ngành ô tô "vắng bóng" doanh nghiệp lớn.

Trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) phiên bản 2022, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải là doanh nghiệp lớn nhất ngành ô tô (xếp thứ 21/500), vốn chủ sở hữu đạt 48.445 tỷ đồng (tính đến 31/12/2022); kế tiếp là Công ty CP Tập đoàn Thành Công (xếp thứ 25/500), vốn chủ sở hữu đạt 3.680 tỷ đồng (tính đến 31/12/2022). Tuy nhiên, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, cho đến nay, cả hai doanh nghiệp này đều chưa chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Điều tương tự cũng diễn ra tại các doanh nghiệp lớn khác như Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Công ty TNHH Ford Việt Nam, Công ty CP Hyundai Thành Công Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ phát triển (sở hữu hệ thống đại lý ô tô Honda, Toyota, HEAD khu vực TP.HCM, Long An, Cần Thơ...).

Những doanh nghiệp ngành ô tô đã lên sàn, trừ TMT Motor, VEA (Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam), còn lại chủ yếu là doanh nghiệp chuyên kinh doanh ô tô, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có vốn hóa vừa và nhỏ như: Công ty CP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh - HAX (vốn điều lệ 719,43 tỷ đồng), Công ty CP City Auto - CTF (760,18 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Máy Việt Nam - VVS (205 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy - TCH (6.682,16 tỷ đồng)...

Trong danh sách này, THACO đến nay là doanh nghiệp ô tô có nhiều “duyên nợ” với thị trường chứng khoán Việt Nam nhất. Thực hiện cổ phần hóa từ năm 2007, chỉ sau 3 năm, doanh nghiệp này đã ấp ủ kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán với dự kiến đăng ký 250 triệu cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), nhưng sau đó kế hoạch này đã dừng lại. Năm 2017, thông tin THACO niêm yết lại tiếp tục khiến nhà đầu tư “dậy sóng”. Cổ phiếu của THACO trên sàn giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) có thời điểm đạt giá trị thỏa thuận lên đến 150.000 đồng/cp. Tuy nhiên, kế hoạch trở thành công ty đại chúng của THACO lần nữa bị hủy bỏ và trong vài năm sau đó, THACO không nhắc tới kế hoạch niêm yết của mình.

THACO nhiều lần
THACO nhiều lần "lỗi hẹn" với sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Ảnh: THACO

Tháng 7/2020, THACO tiếp tục đệ tờ trình về phương án tái cấu trúc công ty theo hướng phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, gồm: ô tô; nông, lâm nghiệp; đầu tư, xây dựng; logistic; thương mại... Tập đoàn này cũng dự kiến phát hành 1,35 tỷ cổ phiếu với mệnh giá 13.560 đồng/cp. Những tưởng “ván đã đóng thuyền”, kế hoạch của THACO một lần nữa phải dừng lại sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng của doanh nghiệp này kể từ 1/1/2021.

Nguyên nhân cho lần “lỗi hẹn” này xuất phát từ quy định mới trong Luật Chứng khoán 2019. Theo đó, công ty cổ phần trở thành công ty đại chúng nếu đáp ứng một trong hai điều kiện: Một là, có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Hai là, đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo quy định này, tại thời điểm xét duyệt hồ sơ, số đông nhỏ lẻ sở hữu chưa tới 3% tổng số cổ phần biểu quyết của THACO, nghĩa là chưa đạt điều kiện 10% của Luật Chứng khoán 2019.

Hiện tại, cổ phiếu của THACO (THA) vẫn được giao dịch trên sàn OTC, vốn là thị trường không chính thức, giao dịch dựa trên sự thỏa thuận giá cả, số lượng của bên mua và bên bán, không công khai mệnh giá. Điều này khiến những nhà đầu tư đã “lỡ” mua cổ phần của THACO trước đó khó có điều kiện giao dịch cổ phiếu thuận tiện như trên sàn HoSE, HNX hay UPCOM.

Trên thực tế, vẫn có những nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận từ sàn OTC. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) ghi nhận khoản lãi lớn từ việc đánh giá lại với cổ phiếu chưa niêm yết. Cụ thể, CTS ghi nhận giá trị hợp lý khoản đầu tư cổ phiếu của THACO là 404 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần sau 6 năm nắm giữ.

Đối với Vingroup, tập đoàn này thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast từ tháng 6/2017. Sau 6 năm, Vinfast đã vươn lên trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sản xuất các sản phẩm xe thuần điện, trải đều các phân khúc từ hạng A đến hạn E phục vụ thị trường Việt Nam và hướng đến xuất khẩu. Sau 10 lần tăng vốn, vốn điều lệ của VinFast hiện đạt gần 57.380 tỷ đồng, vượt cả vốn của công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup (vốn điều lệ trên 38.800 tỷ đồng).

Doanh số xe Vinfast 4 tháng đầu năm 2023.
Doanh số xe Vinfast 4 tháng đầu năm 2023.

Mặc dù vậy, Vinfast cũng không thỏa mãn điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Thứ nhất, doanh nghiệp này hiện vẫn là công ty TNHH, trong khi theo Luật Chứng khoán 2019, điều kiện trở thành công ty đại chúng phải là công ty cổ phần. Thứ hai, theo Điều 109 Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ, một trong những điều kiện được niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của 02 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi.

Tuy nhiên, trong bản cáo bạch VinFast gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), trong 3 năm 2020, 2021 và 2022, Vinfast đều ghi nhận lỗ ròng. Tính riêng năm 2022, nếu trừ chi phí nghiên cứu, phát triển (R&D), chi phí khấu hao, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận mức lỗ khoảng 2,13 tỷ USD, tương đương gần 50.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, để một doanh nghiệp non trẻ đầu tư vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ như ô tô điện sẽ đòi hỏi lượng vốn khổng lồ và việc thua lỗ trong vài năm đầu là điều hoàn toàn dễ hiểu. Điều quan trọng là Vinfast tiếp tục được bổ sung vốn để duy trì, mở rộng sản xuất và phát triển hệ sinh thái giao thông theo chiến lược đã đề ra. Trong đó, việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán không phải là kênh huy động vốn duy nhất mà doanh nghiệp có thể thực hiện. Trong tổng số 10 lần tăng vốn cho đến nay, lượng vốn chủ yếu Vinfast có được từ việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức, trái phiếu, vốn tài trợ từ Vingroup và các chủ sở hữu.

Theo báo cáo, kết quả kinh doanh của Vinfast những tháng đầu năm 2023 đã có cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Mặc cho thị trường chung ảm đạm, doanh số Vinfast liên tục tăng mạnh, đạt mức kỷ lục 3.798 chiếc trong tháng 4/2023. Trong đó, Vinfast VF e34 đạt doanh số 2.332 chiếc, xếp thứ nhất trong top 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam. Với câu chuyện phát triển ô tô điện ở Việt Nam, đây mới chỉ là bước khởi đầu.

Việc niêm yết trên sàn chứng khoán thường nằm trong chiến lược tài chính của doanh nghiệp, với mục tiêu tiếp cận kênh huy động vốn dài hạn một cách nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng hơn. Trong đó, việc phát hành lần đầu ra công chúng cho phép một doanh nghiệp được quảng bá hình ảnh tốt hơn, góp phần định giá giá trị và nâng cao sự tín nhiệm của nhà đầu tư, khách hàng.

Mặt khác, khi niêm yết trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định của Luật Chứng khoán, trong đó phải công khai kết quả sản xuất, kinh doanh, chịu áp lực về chi phí niêm yết, áp lực của cổ đông...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc niêm yết trên sàn chứng khoán đối với doanh nghiệp sẽ được nhiều hơn mất. Đối với nhà đầu tư và khách hàng, càng có nhiều doanh nghiệp ô tô lên sàn sẽ càng giúp minh bạch hóa tình hình sản xuất, kinh doanh, xây dựng một bức tranh toàn cảnh về ngành ô tô, từ đó góp phần tăng niềm tin của các nhà đầu tư và nâng giá trị, thanh khoản cho thị trường.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.