Vì sao người Việt “chán” sedan, xe gầm cao 5 - 7 chỗ lên ngôi?
Theo số liệu bán hàng từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2023 người Việt mua sắm ít ô tô mới hơn so với những năm trước đây. Cụ thể, trong năm 2023 doanh số bán ô tô các loại của các thành viên thuộc VAMA đạt tổng cộng 301.989 xe ô tô các loại, giảm 102.646 xe tương đương tăng 25% so với năm 2022. Nếu tính cả doanh số bán ô tô Hyundai do Hyundai Thành Công Việt Nam (HTV) lắp ráp, phân phối tại Việt Nam, trong năm 2023 người Việt đã tiêu thụ tổng cộng 369.439 xe ô tô mới các loại, giảm 139.702 xe, tương đương 27,4% so với năm 2022.
Số liệu từ VAMA cho thấy, trong năm 2023 doanh số bán các dòng ô tô đều sụt giảm so với năm 2022. Đáng chú ý, dòng sedan chỉ đạt 52.658 xe, giảm gần 38.400 xe so với năm 2022. Trong khi đó, dòng xe đa dụng SUV từ 5 - 7 chỗ có doanh số bán lên tới 62.234 xe, cao nhất trong các dòng ô tô tại Việt Nam. Lượng xe crossover 5 - 7 chỗ cũng đạt doanh số bán gần 38.000 xe. Doanh số các mẫu MPV 7 chỗ cũng đạt 53.062 xe. Những con số này đã phản ánh tình hình thị trường xe Việt đã có nhiều thay đổi khi các mẫu sedan nói chung đang dần bị “thất sủng”.
Trong phân khúc sedan, trong năm 2023, Hyundai Accent, dù vẫn giữ được vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng của năm 2023 nhưng mẫu sedan bán chạy nhất của Hyundai cũng chỉ có doanh số 17.452 xe trong năm 2023. “Vua doanh số” Toyota Vios có doanh số 13.521 xe, trong khi đó năm 2022 mẫu xe này đạt số lượng 23.529 xe. Có thể thấy dù có doanh số khá tốt nhưng thực tế các mẫu sedan ăn khách đang mất dần thị phần.
Các mẫu xe khác như Mitsubishi Attrage, KIA Soluto, Mazda 2, Honda City vẫn giữ vững doanh số hàng tháng, không có nhiều biến động nhưng các mẫu sedan dường như không còn là quân bài chiến lược của các hãng nữa.
Đáng chú ý là ngay trong nhóm sedan cũng đang có sự phân hoá khi sedan hạng B được người tiêu dùng “ưu ái” hơn trước các nhóm sedan hạng A, C, D. Nguyên nhân lớn nhất có lẽ chính là ở mức giá của các mẫu sedan hạng B khá dễ chịu với người mua. Nổi bật như Toyota Vios có giá từ 479-592 triệu đồng, Hyundai Accent giá từ 399-465 triệu đồng, Honda City từ 559-609 triệu đồng, Mitsubishi Attrage từ 380-490 triệu đồng, Mazda 2 từ 415-499 triệu đồng, KIA Soluto từ 386-462 triệu đồng, Nissan Almera từ 539-595 triệu đồng...
Trong khi đó, các dòng xe gầm cao từ 5 – 7 chỗ đã có một cuộc lật đổ ngoạn mục các dòng sedan tại thị trường Việt sau một thời gian dài chiếm lĩnh thị trường. Theo thống kê của VAMA, Mitsubishi Xpander đã vượt qua Toyota Vios để trở thành mẫu xe đạt doanh số bán hàng cao nhất năm 2023 với 19.740 xe. Đây chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho thấy sức bật của các mẫu gầm cao có giá bình dân đang nở rộ tại thị trường Việt. Tỉ lệ khách hàng lần đầu mua ô tô lựa chọn các dòng xe crossover, MPV ngày càng tăng so với những năm trước đây.
Thực tế thì các hãng cũng đã rất nhanh nhạy nắm bắt được “gu” của người tiêu dùng Việt đang thay đổi nên thời gian qua các nhà sản xuất ngày càng chú trọng vào các phân khúc xe đa dụng như SUV, CUV và MPV. Và những mẫu xe gầm cao đô thị thực tế đã chứng minh là trụ cột doanh số của hầu hết các nhà sản xuất ô tô trong năm 2023 chứ không phải sedan như những năm trước.
Theo các chuyên gia trong ngành, xu thế này là một điều tất yếu vì ưu thế của các mẫu gầm cao bên cạnh việc giá cả hấp dẫn thì sự linh hoạt sử dụng cho nhiều điều kiện khác nhau của các mẫu SUV/CUV khiến chúng trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều người dùng có gia đình hoặc đông người.
Từ năm 2021 đến nay, liên tục các chục mẫu SUV/CUV mới được ra mắt hoặc làm mới cho thị trường Việt Nam, đặc biệt là phân khúc SUV/CUV đô thị phủ kín phân khúc từ A+, B đến B+. Một số thương hiệu có đến 2-3 cái tên cạnh tranh ở phân khúc này.
Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) từ năm 2019 đến nay cho thấy, SUV đang từng bước lớn mạnh và giành lấy thị phần từ tay sedan. Cụ thể, năm 2019, doanh số sedan đạt 101.542 chiếc, SUV đạt 56.885 chiếc. Những năm tiếp theo, doanh số sedan và SUV lần lượt là: 93.905 chiếc/60.880 chiếc (năm 2020); 75.588 chiếc/64.091 chiếc (năm 2021); 90.984 chiếc/85.903 chiếc (năm 2022).
Năm 2018, toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ 117.769 chiếc sedan, chiếm đến 33% tổng dung lượng thị trường. Tuy nhiên sau 5 năm, con số này chỉ còn 113.482 xe trong năm 2022, giảm hơn 4.000 xe. Doanh số sedan trên tổng lượng xe bán ra cũng chỉ còn khoảng 22,2%.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý nữa là trong vài năm qua, phân khúc sedan gần như không có nhiều đổi mới khi chỉ có một vài cái tên quen thuộc, trong khi hầu hết phân khúc khác, xe mới liên tục cập bến thị trường, giúp đa dạng hóa lựa chọn cho người dùng. Chính vì vậy, sedan đang dần dần tự biến mình không còn là lựa chọn được ưa tiên của người tiêu dùng hẳn cũng không quá khó hiểu.