Vụ Ngân hàng Thung lũng Silicon sụp đổ: Cơ hội cho Elon Musk?
Min-Liang Tan, Giám đốc điều hành của Razer, công ty bán máy tính chơi game đã đặt câu hỏi với Musk trên Twitter: “Twitter có nên mua SVB và trở thành một ngân hàng kỹ thuật số hay không?”. Musk đã úp mở với câu trả lời: “Tôi cởi mở với ý tưởng đó”.
Ngay sau đó, rất nhiều ý kiến bình luận đã xuất hiện trước ý kiến của Musk. Mikael Pawlo, người đứng đầu bộ phận xây dựng thương hiệu tại công ty fintech Thụy Điển Bokio, đã tweet vào thứ Sáu cuối tuần qua: “Sẽ hoàn toàn hợp lý nếu toàn bộ hệ sinh thái của Musk mua lại những tàn tích của SVB và cũng có thể tạo ra một mô hình kinh doanh khả thi trong tương lai cho Twitter”.
“Thật là một cơ hội”, Kevin Paffrath, Giám đốc điều hành của HouseHack, một công ty bất động sản và A.I. nói.
Musk, người đồng sáng lập ra PayPal, đã tiếp quản Twitter với giá 44 tỷ USD vào cuối tháng 10 năm ngoái. Ông từng đặt mục tiêu thêm các khoản thanh toán vào nền tảng, điều mà việc mua lại SVB có lẽ sẽ giúp ích. Có lẽ chính vì vậy mà ngay khi có tin SVB sụp đổ, nhiều người đã nghĩ ngay tới Elon Musk.
Trước đó, Twitter đã xin giấy phép theo quy định và tạo phần mềm để giới thiệu các khoản thanh toán trên nền tảng này, Financial Times đưa tin vào cuối tháng 1.
Tất nhiên, không phải ai cũng hào hứng với ý tưởng rằng Musk sẽ có một sự phân tâm khác. Đáng chú ý, các nhà đầu tư vào Tesla đã thất vọng với việc Musk tập trung vào Twitter. Musk đã bán số cổ phiếu Tesla trị giá hàng tỷ USD để hỗ trợ tài chính cho việc tiếp quản Twitter của mình và đang bận tâm đến việc định hình lại nền tảng này.
Vào tháng 12, Leo Koguan, một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất của Tesla đã kêu gọi thay đổi lãnh đạo, viết trên Twitter: “Elon đã bỏ rơi Tesla và Tesla không còn CEO. Tesla cần và xứng đáng có một CEO làm việc toàn thời gian”.
Một nhà đầu tư khác của Tesla đã trả lời bình luận “cơ hội” của Paffrath bằng cách viết, “Bán thêm 20 tỷ đô la cổ phiếu Tesla ư. Không, cám ơn!".
“SVB là một ngân hàng rất quan trọng trong hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm”, nhà đầu tư Ryan Gilbert, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm LaunchPad Capital nhận định. "Đó là một ngân hàng mà chúng tôi đã hợp tác rất nhiều. Họ giữ tiền gửi của chúng tôi khi chúng tôi gửi tiền vào và SVB đã mở rộng hạn mức tín dụng và các khoản vay khác cho nhiều công ty. Họ hiểu các công ty khởi nghiệp hơn bất kỳ ngân hàng nào khác. Vì vậy, đó là một tổn thất lớn khi SVB không còn kinh doanh nữa”.
SVB là người cho vay của nhiều công ty công nghệ. Công ty này là một nhân tố trung tâm trong nền kinh tế đổi mới. Đó là xương sống của ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon. Nó đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính chuyên biệt, chuyên môn trong ngành, mạng lưới có giá trị và danh tiếng vững chắc.
Trong khi đó, trước khi cân nhắc trở thành chủ ngân hàng, Musk cũng có thể trở thành chủ mảng bất động sản. Theo Wall Street Journal, Musk đang lên kế hoạch xây dựng thị trấn của riêng mình dọc theo sông Colorado bên ngoài Austin, Texas. Công nhân tại Tesla, SpaceX và The Boring Company được cho là có thể sống trong những ngôi nhà mới ở đó với mức giá thấp hơn thị trường. Một số người trong số họ, có lẽ cũng có thể là khách hàng của Ngân hàng Thung lũng Silicon, có chi nhánh gần đó.
Các nhà quản lý California trước đó đã đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon vào thứ Sáu cuối tuần qua sau khi tiền gửi cạn kiệt đẩy ngân hàng này vào khủng hoảng, gây ra vụ phá sản ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2008. SVB đã được giao lại cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. Đơn vị này sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả cho người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng.
Được thành lập vào năm 1983, Ngân hàng Thung lũng Silicon, tự coi mình là "đối tác của nền kinh tế đổi mới", đưa ra mức lãi suất tiền gửi cao hơn so với các đối thủ lớn hơn, để thu hút khách hàng. Sau đó, công ty đầu tư tiền của khách hàng vào trái phiếu kho bạc dài hạn và trái phiếu thế chấp với lợi nhuận cao.
Chiến lược này đã hoạt động tốt trong những năm gần đây. Tiền gửi của ngân hàng này đã tăng gấp đôi lên 102 tỷ USD vào cuối năm 2020 từ 49 tỷ USD vào năm 2018. Vào năm 2021, tiền gửi đã tăng lên 189,2 tỷ USD.
Nhưng mọi thứ đảo lộn khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất, điều này làm cho các trái phiếu hiện tại do SVB nắm giữ trở nên ít giá trị hơn. Do đó, ngân hàng đã phải bán trái phiếu với giá chiết khấu để trang trải cho việc rút tiền từ khách hàng của mình. Khi bán các vị thế trái phiếu này, SVB đã phải chịu khoản lỗ đáng kể 1,8 tỷ USD.
Trước khoản lỗ này, SVB bất ngờ thông báo cần huy động thêm 2,25 tỷ USD vốn bằng cách phát hành mới cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi. Quyết định này đã gây ra sự hoảng loạn và một cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng.
Musk từng gây xôn xao suốt một thời gian dài khi mua ứng dụng truyền thông xã hội Twitter đang gặp khó khăn trong một cuộc đàm phán kéo dài vào năm 2022. Vào tháng 4, ông đã đồng ý mua Twitter với giá 44 tỷ USD nhưng đã cố gắng rút lại thỏa thuận để có được mức giá tốt hơn.
Cuối cùng, sau những lời đe dọa pháp lý, Musk đã chính thức hoàn tất việc mua bán và hoàn tất việc tiếp quản vào ngày 27 tháng 10 năm 2022. Theo CNBC, nếu Musk không hoàn thành thỏa thuận, ông sẽ phải đối mặt với các cáo buộc tại Tòa án Thủ hiến của Delaware.
Thương vụ Twitter khiến tài tài sản của Musk giảm mạnh. Theo Bloomberg Billionaire Index, kể từ khi công bố đề nghị mua lại Twitter, tài sản của tỷ phú này đã giảm từ 251 tỷ USD xuống còn 214 tỷ USD ngày 13/7 năm ngoái. Tính đến ngày 10 tháng 3, giá trị tài sản ròng của Musk, dựa trên cổ phần của ông trong Tesla được định giá 165 tỷ USD .
Hiện Elon Musk chưa bình luận thêm gì về khả năng “giải cứu” SVB, nhưng nhiều đầu tư của Tesla đang tỏ ra lo lắng vì thương vụ trước đó với Twitter cũng từng từ nhưng lời bâng quơ của Musk như hiện tại với SVB.