Xe Hybrid: “Cứu cánh” của BYD tại thị trường Việt?
Sau khi tăng trưởng vượt bậc trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu vào năm ngoái, gã khổng lồ xe điện Trung Quốc đã có khởi đầu bùng nổ vào năm 2025. BYD đã bán được hơn 1 triệu xe điện và xe hybrid sạc điện trong ba tháng đầu năm. Đáng chú ý, doanh số bán hàng ở nước ngoài của BYD đã tăng gấp đôi vào đầu năm khi mở rộng sang các thị trường mới. Với sự ra đời của các xe điện mới, một số người dự đoán BYD có thể chứng kiến sự tăng trưởng thậm chí còn lớn hơn trong năm nay.
BYD đã bán được 377.420 xe năng lượng mới (NEV) chỉ riêng trong tháng 3. Giống như hầu hết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, BYD sản xuất các loại xe NEV, bao gồm xe hybrid sạc điện (PHEV) và xe thuần điện (EV).
Trong số 371.419 xe chở khách mà BYD bán ra vào tháng 3, có 166.109 xe là xe điện và tới 205.310 xe còn lại là xe PHEV. Tổng doanh số của BYD tăng 23% so với năm ngoái.
Với doanh số ấn tượng như vậy, BYD rất tự tin sẽ có được khởi sắc tại thị trường Việt Nam với mẫu hybrid mới có tên Sealion 6 có tên Song Plus tại thị trường Trung Quốc. Mẫu xe này được hãng cho rằng sẽ là “một bước tiến mới vượt kỳ vọng” trong phân khúc xe hybrid cắm sạc.

Theo kế hoạch, BYD Việt Nam sẽ giới thiệu Sealion 6 đến khách hàng vào đầu quý II/2025. Giá bán của mẫu xe này hiện vẫn chưa được tiết lộ nhưng dự kiến sẽ vào khoảng khởi điểm từ 800 triệu. Đây là mức giá mà BYD được cho có thể sẵn sàng đối đầu với các đối thủ khác đang có mặt tại Việt Nam như Honda CR-V hay Haval H6.
Thực tế, BYD bên cạnh xe điện còn có cả xe hybrid cũng là sản phẩm chủ lực. Thời điểm hiện tại khi doanh số bán xe thuần điện của BYD không quá khởi sắc thì hybrid được hãng đưa về thị trường Việt cũng là điều không quá khó hiểu nhằm tìm giải pháp tăng doanh số. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng thì đang đặt dấu hỏi về chiến lược của hãng xe Trung Quốc này với thị trường Việt vì từ khi chính thức ra mắt đến nay dường như BYD vẫn chưa cho thấy sự quyết tâm chinh phục thị trường. Do đó, sự ra mắt của một mẫu hybrid mới có lẽ chỉ là một màn “xoay chiều” để tìm kiếm một cơ hội khác sau vết trượt với xe điện. Nhưng điều đó là không dễ dàng.
Về tổng quan thị trường, năm 2024, tổng doanh số bán xe hybrid của các thương hiệu thuộc VAMA tại Việt Nam (bao gồm mild-hybrid - MHEV, hybrid tự sạc - HEV, hybrid sạc ngoài - PHEV) đạt gần 10.000 xe, tăng hơn 200% so với năm 2023. Và người cầm cờ trong mảng xe hybrid là Toyota với 5.350 xe, chiếm khoảng 54,2% toàn thị trường. Bên cạnh Toyota còn có nhiều hãng khác không công bố doanh số cụ thể.
Ở thời điểm hiện tại, BYD tung ra một sản phẩm hybrid có thể nói là tương đối khó khăn để tìm được một chỗ đứng ở một phân khúc với gần 20 sản phẩm khác nhau. Trong đó Toyota là thương hiệu đang dẫn đầu về số lượng mẫu mã cũng như thị phần ô tô hybrid tại Việt Nam. Toyota Việt Nam hiện có tới 6 mẫu xe có phiên bản hybrid. Honda là một đối thủ Nhật Bản khác cũng đã bổ sung thêm bản hybrid của CR-V và Civic. Suzuki chuyển sang phân phối bản XL7 Hybrid. Bên cạnh đó là các hãng xe Trung Quốc như Omoda hay Haval cũng có các sản phẩm hybrid.
Khi bối cảnh hạ tầng trạm sạc ô tô Việt Nam vẫn còn hạn chế, giá bán xe điện vẫn còn ở mức cao, xe hybrid được được xem là một trong những lựa chọn thu hút khách hàng. Nhận thấy điều này, Toyota dự kiến sẽ còn cung cấp thêm các tùy chọn hybrid, giúp cho dòng xe này dễ dàng tiếp cận hơn tới người dùng.
Trước tình hình chung ở mảng xe hybrid, có thể thấy BYD sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối đầu với một Toyota hùng mạnh với dải sản phẩm đa dạng.

Tiếp đến là vấn đề giá bán sẽ là yếu tố quyết định xem thương hiệu có được khách hàng quan tâm hay không. Các mẫu xe hybrid của các hãng xe Nhật Bản thường có giá bán khá cao với mặt bằng chung phân khúc. Đây có lẽ là khe cửa hẹp mà BYD có thể khai thác để có thêm lợi thế cạnh tranh với các đối thủ tới từ Nhật Bản. Nhưng để làm được điều đó cũng không hề đơn giản vì BYD là xe Trung Quốc và vẫn gặp nhiều định kiến với người tiêu dùng Việt nên việc giải quyết bài toán về giá là không dễ. Bằng chứng cho điều đó là hãng xe đồng hương Haval khi ra mắt đã neo ở mức giá khá cao, tuy nhiên, sau đó đã phải liên tục giảm giá mà vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Ở thị trường quốc tế, BYD cũng từng vướng vào những lùm xùm quanh việc giảm giá gây nhiều tranh cãi.
Không chỉ vậy, dù là một ông lớn trên thế giới nhưng tại Việt Nam BYD vẫn là một cái tên xa lạ, chưa khẳng định thương hiệu và độ tin tưởng so với các thương hiệu Nhật Bản vốn đã tồn tại rất lâu tại thị trường Việt.
Ngoài ra, trước đó ở mảng xe điện, khi mới bước chân vào Việt Nam, BYD đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi khi nhận thấy tiềm năng của Việt Nam, hãng xe này đã từng có ý định xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, BYD lẳng lặng hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy xe điện tại Việt Nam.
Tiếp đến chính là việc phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam khi BYD bán xe điện. Bên cạnh tâm lý e ngại với xe Trung Quốc, có lẽ đây chính là vấn đề khiến BYD không dễ thu hút được người tiêu dùng Việt với các sản phẩm xe thuần điện. Trả lời câu hỏi này, BYD Việt Nam chỉ cho biết hãng đang phối hợp với các đối tác để phát triển trạm sạc phù hợp, nhưng chưa nói rõ thời điểm khi nào mới “phổ cập” được hệ sinh thái của mình.
Ở thời điểm hiện tại, khi người tiêu dùng chắc chắn vẫn “chưa quên” các vấn đề với chiến lược phát triển xe điện tại Việt Nam của BYD thì việc hãng xe này chuẩn bị tung ra một mẫu hybrid mới với nhiều kì vọng dường như sẽ không hề dễ dàng để chinh phục được khách Việt. Ngoài ra chắc chắn BYD còn vấp phải bài toán lớn trong việc cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ từ Nhật Bản đã bám trụ tại thị trường Việt rất lâu. Rõ ràng việc xe hybrid có phải là “cứu cánh” của BYD tại thị trường Việt hay không vẫn là một dấu hỏi lớn với hãng xe Trung Quốc này.