"Biến số" đặc biệt của dòng xe bán tải tại Việt Nam năm 2024

Lê Vũ
Trong khi hầu hết mẫu xe phổ thông tại Việt Nam biến động theo thị trường chung thì dòng xe pick-up (xe bán tải) vẫn luôn ổn định, cả về doanh số lẫn thị phần trong suốt một thập kỷ qua. Thế nhưng, kể từ năm 2024, câu chuyện về dòng xe này rất có thể sẽ phát sinh “biến số” mới.

Đi ngược xu hướng chung

Ford Ranger giữ vững
Ford Ranger giữ vững "ngôi vương" doanh số trong hơn một thập kỷ. Ảnh: Ford Việt Nam.

Năm 2014, thời điểm Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) bắt đầu công khai doanh số bán hàng toàn bộ mẫu xe của các hãng xe thành viên trên các phương tiện truyền thông, người tiêu dùng đã có cái nhìn tổng thể, rõ ràng hơn về thị trường ô tô tại Việt Nam. Trong đó, dòng xe pick-up (xe bán tải) có 7 đại diện gồm: Ford Ranger, Vinastar Triton (sau này là Mitsubishi Triton), Toyota Hilux, Isuzu D-Max, VINAMAZDA BT-50 (sau này là THACO Mazda BT-50), GM Vietnam Colorado LTZ (sau này là VinFast (Chevrolet) Colorado LTZ) và Mekong Premio. Toàn bộ các mẫu bán tải đều được thiết kế 4 cửa, 5 chỗ ngồi, khác với dòng bán tải cổ điển vốn chỉ có thiết kế 2 cửa, 2 chỗ ngồi.

Giai đoạn 2014-2019, doanh số xe bán tải tại Việt Nam tăng dần đều, từ 9.665 xe (năm 2014) lên 22.767 xe (năm 2019). Trong đó, Ford Ranger là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc, chiếm 50-60% thị phần. Mitsubishi Triton, Mazda BT-50 và Toyota Hilux lần lượt xếp thứ 2, 3 và 4. Tháng 4/2017, Mekong Premio rời khỏi thị trường do doanh số quá thấp, dưới 100 xe/năm. Năm 2018, Chevrolet Colorado LTZ bất ngờ vượt các mẫu xe đối thủ để vươn lên vị trí số 2 với 3.916 xe được bán ra. Tuy nhiên, sau đó mẫu xe này dần “đuối sức”, doanh số sụt giảm mạnh và dần biến mất khỏi thị trường từ cuối năm 2019.

Giai đoạn 2020-2021, thị trường ô tô Việt Nam khá “ảm đạm” do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 khiến nhiều khu vực bị phong tỏa và giao thông bị hạn chế. Theo VAMA, doanh số ô tô toàn thị trường năm 2020 đạt 296.634 xe, giảm 8% so với năm 2019; năm 2021 đạt 304.149 xe, tăng 7.515 xe tương đương 3% so với năm 2020. Tương tự, dòng xe bán tải cũng chịu tác động không nhỏ khi doanh số năm 2020 chỉ đạt 19.697 xe, giảm 13% so với năm 2019. Tuy nhiên, năm 2021, doanh số xe bán tải tăng đột biến lên 25.325 xe, cao nhất kể từ thời điểm năm 2014. Trong đó, Ford Ranger có mức tăng trưởng ấn tượng khi doanh số đạt 15.650 chiếc, chiếm 61% thị phần. Toyota Hilux vươn lên vị trí số 2 với 4.413 xe được bán ra.

Năm 2022, dịch Covid-19 tại Việt Nam được đẩy lùi. Nhu cầu đi lại, mua sắm tăng mạnh trở lại. Thị trường ô tô trong nước bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ khi doanh số ô tô toàn thị trường đạt 404.635 xe, tăng 33% so với năm 2021. Tuy nhiên, lũy kế 12 tháng năm 2022, doanh số xe bán tải chỉ đạt 22.762 xe, giảm 2.563 xe so với cùng kỳ. Lý do cho sự sụt giảm này là mẫu Toyota Hilux “âm thầm” rời khỏi thị trường Việt và phải đến tháng 3/2023 mới xuất hiện trở lại.

Năm 2023, thị trường ô tô Việt Nam sụt giảm mạnh gần 30%, nhưng đối với dòng xe bán tải chỉ ghi nhận mức giảm khoảng 15%. Lũy kế 11 tháng năm 2023, doanh số xe bán tải đạt 17.762 xe và có thể đạt doanh số năm khoảng 20.000 xe sau khi số liệu tháng 12/2023 được công bố chính thức.

Về thị phần xe bán tải, kể từ năm 2014 đến nay, Ford Ranger vẫn luôn giữ vững “ngôi vương” doanh số trong phân khúc. Thậm chí, trong những thời điểm khó khăn nhất của thị trường chung, mẫu xe này vẫn đạt doanh số đều đặn trên 1.000 xe/tháng. Thị phần của các hãng xe còn lại như Mitsubishi, Toyota, Isuzu và Mazda không có nhiều biến động. Đặc biệt, chỉ có hai mẫu xe rời khỏi thị trường và không ghi nhận thêm bất kỳ mẫu xe mới nào trong suốt một thập kỷ. Điều này khác biệt hoàn toàn với các phân khúc xe khác vốn có sự cạnh tranh khốc liệt như sedan hạng B, crossover/SUV hạng B, hạng C...

“Biến số” mới: Xe bán tải điện

Danh mục xe điện được VinFast trình làng tại CES 2024. Ảnh: VinFast
Danh mục xe điện được VinFast trình làng tại CES 2024, trong đó có hình ảnh một mẫu xe "lạ". Ảnh: VinFast.

Thực tế đã chứng minh, mỗi khi VinFast ra mắt mẫu xe mới, các mẫu xe cùng phân khúc sẽ phải “dè chừng”. Trước đó, khi VinFast ra mắt mẫu VinFast Fadil đã nhanh chóng giành lấy “ngôi vương” doanh số phân khúc xe đô thị hạng A của Hyundai Grand i10 và chỉ trả lại sau khi VinFast thông báo dừng sản xuất xe chạy xăng để chuyển sang xe điện. Tháng 4 và tháng 5/2023, khi doanh số ô tô toàn thị trường sụt giảm mạnh lại là lúc VinFast VF e34 và VF 8 “tỏa sáng” khi lần lượt giành vị trí top 1 xe bán chạy nhất tháng. Có thể thấy, tương tự dòng xe bán tải, các mẫu xe điện của VinFast cũng có một quỹ đạo riêng, hầu như không bị ảnh hưởng bởi các tác động của thị trường chung.

Mới đây, trong thông báo kèm ảnh poster tham gia Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) 2024 tại Las Vegas từ ngày 9-12/1/2024, VinFast đang “úp mở” một mẫu concept hoàn toàn mới, bên cạnh mẫu concept VF 3 đã xuất hiện tại các sự kiện trước đó ở Việt Nam.

Trong ảnh poster, mặc dù chiếc xe ngoài cùng bên trái bị che phủ một màu đen. Tuy nhiên, bằng mắt thường, người yêu xe đã nhanh chóng nhận ra những dấu hiệu cơ bản của một chiếc xe bán tải, bao gồm: khoảng sáng gầm cao hơn hẳn VF 8, VF 9; lốp xe cỡ lớn; đặc biệt khoang phía sau được thiết kế thấp hơn hẳn, khả năng cao là thùng xe, tương tự thiết kế của các mẫu xe bán tải thông dụng. Trước đó, năm 2018, VinFast đã từng cân nhắc sẽ sản xuất xe bán tải. Tại thời điểm đó, một mẫu bán tải chạy điện đã được hiển thị trong danh mục phân khúc SUV hạng D của VinFast. Điều này cho thấy khả năng xuất hiện một mẫu concept bán tải điện trong sự kiện ngày 9/1 tới đây là rất cao.

Bản thiết kế xe bán tải từng được VinFast hé lộ năm 2019. Ảnh: VinFast
Bản thiết kế xe bán tải từng được VinFast hé lộ năm 2019. Ảnh: VinFast.

Đến thời điểm hiện tại, đối với dòng xe bán tải, chỉ còn Ford Ranger vẫn trụ vững trên thị trường, trong khi các thương hiệu còn lại đều gặp khó khăn về doanh số. Thậm chí, trong nhiều tháng liền, doanh số Toyota Hilux, Isuzu D-Max và Mazda BT-50 luôn ở mức dưới 100 xe/tháng. Do vậy, với những thành tích ấn tượng trước đó, nhiều người tin tưởng rằng, mẫu bán tải mới của VinFast sẽ có thể là một đối thủ xứng tầm của Ford Ranger.

Một số chuyên gia nhận định, động cơ của VinFast thường có mô-men xoắn cực đại cao hơn so với các mẫu xe cùng phân khúc; đồng thời vì là động cơ điện nên thời gian đáp ứng sẽ nhanh hơn, khả năng bứt tốc và kiểm soát lực kéo sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, xe bán tải điện không gây tiếng ồn lớn và mùi nhiên liệu như xe máy dầu. Ngoài ra, xe điện thường được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, giúp hành trình “phượt” trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn.

Ngược lại, một số ý kiến cũng lo ngại xe bán tải điện sẽ ngốn nhiều pin hơn khi vận hành trên đường đèo, địa hình phức tạp. Nếu gặp lỗi phát sinh, việc xử lý sẽ khó khăn hơn nhiều và thường sẽ phải chờ cứu hộ của chính hãng đến hỗ trợ. Mặt khác, một bộ phận khá đông người đam mê xe bán tải vẫn thích một chiếc xe thơm mùi dầu khói và cảm giác phấn khích khi chiếc xe “gầm lên” để vượt qua chướng ngại vật. Trải nghiệm này rất khó có thể có được trên một chiếc bán tải điện.

Tuy nhiên, vẫn có không ít người mua xe bán tải nhưng chủ yếu đi trong thành phố hoặc xuyên Việt trên những cung đường đẹp. Khi đó, những ưu điểm của xe điện sẽ được bộc lộ nhờ vận hành êm ái, nhiều tính năng an toàn cao cấp và thân thiện với môi trường.

Tin mới

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Theo báo cáo do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố mới đây, doanh số xe máy tại Việt Nam ở quý III đạt 686.001 xe, tăng 13,74% so với quý II trước đó và cao hơn tới 12,34% so với cùng kỳ năm ngoái.