Đề xuất CSGT không được lập chốt ở nơi bị che khuất tầm nhìn

Nam Nguyễn
Theo Dự thảo thông tư quy định quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT) của Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp, tại một điểm trên đường, CSGT lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật để kiểm soát người vi phạm.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Cục CSGT.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Cục CSGT.

Trong Dự thảo, một trong những nội dung đáng chú ý là các quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang và xử lý vi phạm của lực lượng CSGT.

Theo đó, Cán bộ Cảnh sát giao thông di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trực tiếp quan sát hoặc thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

Khi kiểm soát tại một điểm trên đường, Cảnh sát giao thông tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định. 

Đặc biệt, tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ.

Khi tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.

Khi tuần tra, kiểm soát cơ động được kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc khi kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông được tuần tra, kiểm soát cơ động nhưng phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

Khi tổ chức tuần tra, kiểm soát công khai theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này phải có kế hoạch của Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên và bảo đảm các quy định sau:  Sử dụng trang phục Cảnh sát theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này; Sử dụng phương tiện giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công; Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Thông tư này.

Tổ Cảnh sát giao thông được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều này để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.

Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm: Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.

Đối với điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này ban hành. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.

Bộ phận cán bộ hoá trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong Tổ Cảnh sát giao thông phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.

Bộ phận cán bộ hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác; khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.

Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động Nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm; thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.

Tin mới

Xe nhập khẩu vào Việt Nam giảm gần 14% trong tháng 4

Xe nhập khẩu vào Việt Nam giảm gần 14% trong tháng 4

Theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, trong tháng 4/2025 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu giảm 13,5% (tương ứng giảm tới 2.926 chiếc) so với lượng nhập khẩu của tháng trước.
Thị trường ô tô Việt Nam giảm nhịp

Thị trường ô tô Việt Nam giảm nhịp

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường tháng 4 vừa qua đạt 29.585 xe, bao gồm 20.766 xe du lịch; 8.619 xe thương mại và 200 xe chuyên dụng. So với tháng 3 có mức tăng trưởng khá thì bước sang tháng 4, doanh số đã có dấu hiệu chững lại khi giảm nhẹ khoảng 7%.
Các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc giữa ngã ba đường chinh phục thị trường xuất khẩu

Các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc giữa ngã ba đường chinh phục thị trường xuất khẩu

Cho đến tận năm 2020, Trung Quốc chỉ là nước xuất khẩu ô tô lớn thứ sáu trên toàn cầu, nhưng doanh số bán hàng hàng năm kể từ đó đã tăng gần gấp sáu lần. Sự gia tăng đáng kinh ngạc này đã đưa Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2023. Nước này tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu của mình trước Nhật Bản, Đức và tất cả các nhà sản xuất khác vào năm ngoái.