Phó chủ tịch Nissan: "Việt Nam là thị trường xe điện rất tiềm năng tại ASEAN"

Lê Vũ
Trong cuộc trao đổi với AutoNews mới đây, Phó chủ tịch Nissan, phụ trách các thị trường khu vực, Châu Á Thái Bình Dương, Nirmal Nair, đánh giá rất cao thị trường ô tô Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Phó chủ tịch Nissan: "Việt Nam là thị trường xe điện rất tiềm năng tại ASEAN" - Ảnh 1
Phó chủ tịch Nissan: "Việt Nam là thị trường xe điện rất tiềm năng tại ASEAN" - Ảnh 2

Ông Nirmal Nair cho rằng, các quốc gia trong ASEAN đang ở các giai đoạn rất khác nhau trong việc phát triển xe điện. Sự quan tâm của người tiêu dùng và sự tiếp nhận của các mô hình điện khí hóa cũng khác nhau giữa các quốc gia. Tuy nhiên nhìn chung, tỷ trọng trong tổng sản lượng toàn ngành vẫn còn rất nhỏ.

Hiện có thể thấy động lực giúp xe điện được phát triển mạnh mẽ có thể kể đến như chính sách và quy định của Chính phủ các nước trong khối ASEAN. Các cách tiếp cận chính sách toàn diện dễ nhận thấy bao gồm tài chính (trợ giá mua hàng và miễn thuế) và phi tài chính (làn đường đặc biệt cho xe điện, khu vực đậu xe đặc biệt, v.v…). Những cách làm này thực tế sẽ khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn xe điện, ngoài ra, chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất và nhà phân phối phát triển xe điện, hay những yêu cầu về tỷ lệ phần trăm xe điện trong dải sản phẩm cũng sẽ giúp việc áp dụng xe điện và phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng tốt hơn, nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành xe điện.

Là một trong những hãng tiên phong trong việc phát triển xe điện trên thế giới, Nissan đã ủy quyền cho Frost & Sullivan thực hiện một số nghiên cứu ở khu vực các nước ASEAN, kết quả cho thấy 77% người được hỏi cho rằng lợi ích về thuế và độ phủ của trạm sạc tại các tòa nhà dân cư (75%) là 2 tiêu chí hàng đầu để họ chuyển sang sử dụng xe điện. Mặc dù nhu cầu về xe thuần điện đang tăng nhưng có nhiều khó khăn tiềm ẩn, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng sạc, thời gian sạc, công suất điện và một số vấn đề khác nữa.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới và trong khu vực ASEAN, xe điện tại Việt Nam đang ngày càng có những định hướng rõ rệt trong những năm gần đây. Thị trường xe điện tại Việt Nam được coi là một thị trường tiềm năng với lượng xe điện nhập khẩu.

Nissan tìm kiếm cơ hội tại thị trường ôtô điện Việt Nam (Ảnh: Reuters)
Nissan đánh giá cao tiềm năng thị trường ô tô điện Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đưa ra dự báo đến năm 2040, Việt Nam sẽ có khoảng 3,5 triệu ô tô điện.

Để bắt kịp xu thế, Việt Nam hiện đã có các chủ trương khuyến khích sử dụng các phương tiện di chuyển thân thiện môi trường, gắn liền với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện.

Bên cạnh đó, một trong những lợi thế của Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực là ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam còn khá non trẻ và có rất nhiều tiềm năng phát triển.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ô tô thế giới, ông Nirmal Nair đánh giá người tiêu dùng trên toàn khu vực đang ngày càng quan tâm hơn đến xe điện. Nghiên cứu về người tiêu dùng ở Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Singapore cho thấy gần 2/3 (64%) số người được hỏi trên khắp Đông Nam Á nói rằng họ sẵn sàng cân nhắc sở hữu một chiếc xe điện. 66% người tiêu dùng trên toàn khu vực khẳng định sẽ sử dụng xe điện như là phương tiện cá nhân trong tương lai gần. Sự hưởng ứng này phần lớn được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng nhằm mang đến một tương lai bền vững hơn.

Phó chủ tịch Nissan: "Việt Nam là thị trường xe điện rất tiềm năng tại ASEAN" - Ảnh 3

Nissan vẫn được biết đến là một trong những hãng tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh xe điện. Thời điểm năm 2010, khi nhiều hãng xe khác đang phát triển dòng xe hybrid thì Nissan đã ra mắt mẫu xe “thuần điện” đầu tiên trên thế giới có tên Nissan LEAF.

Trên thực tế, LEAF đã giữ vững được “ngôi vương” về doanh số trong nhiều năm, cho đến khi Tesla Model Y ra mắt đầu năm 2020 và cạnh tranh khốc liệt. Đến nay, hơn 601.000 chiếc Nissan LEAF đã được trao tới khách hàng trên toàn cầu.

Mặc dù vậy, với thế mạnh về công nghệ, Nissan đang thể hiện tầm nhìn dài hạn mới trong việc nâng cao năng lực di chuyển và hơn thế nữa. Thông qua chiến lược "Nissan Ambition 2030", hãng xe Nhật Bản này đã đặt mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới một thế giới sạch hơn, an toàn hơn và hòa nhập hơn.

Trong 5 năm tới, Nissan đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình điện khí hóa các dòng xe và tăng tốc đổi mới công nghệ thông qua khoản đầu tư 15 triệu USD. Hãng này cũng có kế hoạch giới thiệu 23 mẫu xe điện mới, trong đó có 15 mẫu xe “thuần” điện vào năm tài chính 2030. Nỗ lực này sẽ giúp hãng đạt được tỷ lệ điện khí hóa hơn 50% trong tổng số các mẫu xe mang thương hiệu Nissan và Infiniti trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Nissan còn đặt mục tiêu ra mắt xe điện chạy bằng pin thể rắn (ASSB) độc quyền của mình vào năm tài chính 2028. Công nghệ ASSB sẽ giúp xe điện của Nissan đi được xa hơn, sạc nhanh hơn, trong khi giảm giá thành sản xuất.

“Hiện tại, ngoài sản phẩm xe thuần điện Nissan LEAF, chúng tôi đã phát triển và ra mắt sản phẩm Nissan Kicks e-POWER tại Thái Lan, Singapore, sắp tới là tại Việt Nam. Tại các quốc gia ASEAN, cơ sở hạ tầng sẽ là một thách thức đối xe thuần điện, bởi vậy công nghệ e-POWER sẽ là một lựa chọn phù hợp nhất”, ông Nirmal Nair - Phó chủ tịch Nissan, phụ trách các thị trường khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết.

Công nghệ e-POWER
Công nghệ e-POWER độc quyền của Nissan.

e-POWER là công nghệ độc quyền của Nissan. Công nghệ này tích hợp vào các mẫu xe mới cho phép thừa hưởng những lợi ích và trải nghiệm lái phấn khích của xe thuần điện, đồng thời hạn chế được những khó khăn trong việc sạc điện. Đối với những quốc gia có cơ sở hạ tầng đang trong quá trình phát triển trạm sạc, e-POWER sẽ trực tiếp giải quyết nhu cầu của khách hàng, cả về hiệu quả kinh tế lẫn hạn chế về quãng đường di chuyển.

“Đối với Nissan, xe thuần điện như Nissan LEAF và xe sử dụng động cơ e-POWER đại diện cho hai công nghệ trụ cột, kết nối chặt chẽ với nhau, hướng đến mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, giảm khí thải, đồng thời mang đến lựa chọn đa dạng cho người sử dụng, tùy theo nhu cầu và phong cách sống của mình”, ông Nirmal cho biết thêm.

Hiện nay, Nissan đã có mặt tại 22 thị trường trong khối ASEAN, trong đó, đã có thành tích khá nổi bật tại Thái Lan, Malaysia.

Trong khi đó, nhận định về thị trường xe điện tại Việt Nam, ông Nirmal nói: “Xu hướng xe điện tại Việt Nam đang ngày càng có những định hướng rõ rệt trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, một trong những lợi thế của Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực là ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam còn khá non trẻ và có nhiều tiềm năng phát triển. Chúng tôi tin rằng khách hàng Việt Nam sẽ chuyển hướng dần sang sử dụng xe điện, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về định hướng xanh vào năm 2050”.

Phó chủ tịch Nissan: "Việt Nam là thị trường xe điện rất tiềm năng tại ASEAN" - Ảnh 4

Mặc dù vậy, ông Nirmal Nair cho rằng việc mở rộng thị trường tại Việt Nam cũng không phải màu hồng. Đầu tiên là các chính sách của Chính phủ về tài chính (trợ giá mua hàng và miễn thuế) và phi tài chính (làn đường dành riêng cho xe điện, khu vực đỗ xe đặc biệt…) còn đang ở những bước khởi đầu. Tiếp đến, cơ sở hạ tầng sẽ là một thách thức đối xe “thuần” điện. Bên cạnh đó, Nissan cũng như các hãng xe nước ngoài sẽ chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ đối thủ “chủ nhà” Vinfast đang có rất nhiều ưu thế.

Do vậy, theo ông Nirmal Nair, để phát triển tại thị trường Việt Nam hãng sẽ có chiến lược riêng. Đầu tiên, Nissan sẽ phối hợp với công ty đại diện VAD tại Việt Nam xây dựng một thương hiệu mạnh. Theo đó, Nissan sử dụng công nghệ làm thế mạnh của mình. Sau đó là cung cấp những sản phẩm, công nghệ mới nhất của Nissan, bao gồm cả các công nghệ điện khí hóa. Ngoài ra cũng cần nâng cao trải nghiệm của khách hàng thông qua số hóa, chất lượng sản phẩm và mạng lưới đại lý.

Hiện tại, Nissan có mạng lưới 24 đại lý trên toàn quốc (tính đến tháng 7 năm 2022), 5 điểm bán hàng và dự kiến mở thêm 7 điểm trong năm tài chính 2022. Ngoài ra, hãng này còn phát triển Ứng dụng di động thông minh, giúp trải nghiệm dịch vụ, các sản phẩm qua máy tính bảng cho khách hàng.

Trước câu hỏi, tại thị trường Việt Nam, bên cạnh sự cạnh tranh từ các hãng xe điện khác, hãng xe nội địa Vinfast đã dừng sản xuất xe xăng và phát triển rất mạnh về xe điện, Nissan sẽ phải làm gì để cạnh tranh với đối thủ “chủ nhà” đang có rất nhiều ưu thế này, ông Nirmal nhấn mạnh: “Việc cạnh tranh giữa các hãng sẽ giúp tăng cường sự hiện diện của thương hiệu và lan tỏa hơn nữa thông tin về các sản phẩm xe điện cũng như xu hướng điện hóa. Khách hàng mới là những người thông minh nhất trong việc chọn lựa sản phẩm nào và là người được hưởng lợi từ việc này nên việc của các hãng là thực tế phải làm chính là phải đưa ra các sản phẩm thật tốt, Nissan cũng không nằm ngoài xu thế đó".

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.