Taxi điện: Bước ngoặt của thị trường gọi xe Việt
Vào tháng 4/2023, CTCP Di chuyển xanh và thông minh GSM (thuộc Tập đoàn Vingroup) chính thức đưa Xanh SM, hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động. Đây là bước ngoặt đáng chú ý của thị trường gọi xe Việt. Với sự xuất hiện của Xanh SM, như vậy, thị trường taxi tại Việt Nam đã có 3 loại hình gồm: taxi truyền thống, taxi công nghệ và taxi điện.
Về phương thức hoạt động, taxi điện có nhiều điểm giống với taxi truyền thống, khi cùng là những doanh nghiệp kinh doanh vận tải thuê hoặc mua xe, có tài xế phục vụ khách hàng thông qua hình thức vẫy xe trực tiếp trên đường, hoặc liên hệ qua tổng đài. Đồng thời, taxi điện cũng kế thừa cách thức đặt xe, thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhiều voucher giảm giá, tương tự taxi công nghệ.
Điểm khác biệt của taxi điện tại Việt Nam là sử dụng các mẫu xe thuần điện của VinFast, bao gồm VF e34, VF 5 Plus (đối với dịch vụ taxi tiêu chuẩn) và VF 8 (đối với dịch vụ taxi cao cấp). Đây là những mẫu xe thế hệ mới, lần lượt thuộc phân khúc SUV hạng C, hạng A và hạng D. Trong khi đó, đa số xe được các hãng taxi truyền thống và tài xế công nghệ sử dụng là các mẫu sedan hạng A như Kia Morning, Hyundai Grand i10 và một số mẫu MPV, SUV hạng B.
Qua đánh giá của người dân sau khi trải nghiệm taxi điện, đa số ý kiến đều cho rằng, ngồi trên taxi điện có cảm giác rộng rãi hơn, nhiều tính năng hơn so với taxi truyền thống. Đặc biệt, vì là xe điện nên khi di chuyển trên đường rất êm ái và không có mùi xăng xe khó chịu. Do là một loại hình vận tải mới nên đội ngũ tài xế được đào tạo khá bài bản về cung cách phục vụ khách hàng, 100% mặc đồng phục. Thao tác đặt xe, theo dõi thông tin cước, chuyến và thanh toán khá nhanh chóng và tiện lợi. Một số ý kiến cũng cho rằng, ngay cả vào những ngày cao điểm lễ, Tết, trời mưa thì việc gọi xe taxi điện cũng khá dễ dàng.
Khó khăn lớn nhất khi sử dụng dịch vụ taxi điện là khách hàng phải có điện thoại thông minh và kết nối ứng dụng gọi xe. Điều này có thể khó khăn với những người lớn tuổi, nhưng có thể khắc phục bằng cách nhờ người thân, bạn bè đặt chuyến hộ. Không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ, taxi điện đang góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải CO2 ra môi trường.
Theo báo cáo của GSM, chỉ sau 7 tháng kể từ khi chính thức khai thác, hãng taxi điện này đã đạt 70 triệu km di chuyển Xanh, giúp giảm phát thải 13,4 triệu kg CO2, tương đương việc trồng mới hơn 600.000 cây xanh. Cho đến nay, Xanh SM đã hiện diện tại 29 tỉnh, thành phố với đội xe quy mô 30.000 ô tô điện.
Cũng theo GSM, ngoài hoạt động kinh doanh taxi điện, trong năm 2023, dịch vụ cho thuê taxi điện cũng đã bắt đầu mở rộng ra nhiều tỉnh, thành. Một số đơn vị kinh doanh vận tải đã bắt đầu thăm dò thị trường này, bao gồm ASV Airports Taxi (500 xe), Hợp tác xã vận tải Thanh Hà (250 xe), Công ty Cổ phần Nam Thắng Rạch Giá (200 xe), Công ty TNHH Vận tải Quốc tế Sơn Nam (305 xe). Một số hãng taxi thể hiện quyết tâm hơn khi kết hợp thuê và mua xe để khai thác, bao gồm Công ty Cổ phần Én Vàng Quốc tế (150 xe), Taxi Xanh Sapa (250 xe), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bách Đại Dũng (300 xe), Biển Xanh Golden Pig (101 xe). Trong đó, VF 5 Plus được đánh giá phù hợp với xe dịch vụ taxi hơn cả, giúp các hãng xe tiết kiệm được chi phí so với VF e34, VF 8 hay mới đây nhất là VF 6.
Theo các chuyên gia, sở dĩ các hãng taxi đều lựa chọn xe của VinFast là nhờ 2 lý do. Thứ nhất, VinFast thông qua GSM sẽ cung cấp lượng xe ổn định theo nhu cầu của thị trường. Xét trên yếu tố trang bị/tính năng/giá cả, các mẫu SUV thuần điện của VinFast có khả năng cạnh tranh cao hơn hẳn các mẫu xe nhập khẩu. Các doanh nghiệp cũng không tốn thời gian, thủ tục và chi phí nhập khẩu như các mẫu xe điện khác. Thứ hai, quan trọng hơn, VinFast đã sở hữu 150.000 cổng sạc, “phủ sóng” toàn quốc. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi điện, sử dụng xe VinFast hoàn toàn có thể sử dụng các trạm sạc công cộng tại cây xăng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe và các điểm sạc nhỏ lẻ trong thành phố.
Để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia chuyển đổi sang taxi điện, một số chuyên gia cho rằng có hai vấn đề cần giải quyết. Một là, vấn đề đàm phán giữa doanh nghiệp bán, cho thuê taxi đi với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi. Để kêu gọi các hãng taxi lớn tham gia, cần có mức lợi nhuận đủ hấp dẫn. Hai là, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi điện, nhu cầu sạc pin sẽ ngày càng lớn. Khả năng ùn tắc tại các trạm sạc sẽ tăng lên, không chỉ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hãng taxi mà còn khiến người dùng ô tô điện cá nhân bức xúc. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các doanh nghiệp cần đẩy nhanh phát triển mạng lưới trạm sạc trong nước, đặc biệt ưu tiên các trụ sạc nhanh để hoạt động taxi được thông suốt.