“Thế khó” của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành CNHT ô tô - xe máy Việt

Lê Vũ
Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thách thức sẽ càng tăng lên khi đơn hàng giảm mạnh, lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao. Nếu thiếu định hướng cụ thể và các chính sách hỗ trợ đi kèm, các doanh nghiệp Việt sẽ khó tạo nên “kỳ tích” trong năm 2023.

Lực cầu giảm mạnh

Nhiều doanh nghiệp cắt giảm sản lượng sản xuất linh phụ kiện trong năm 2023. Ảnh: Lê Vũ.
Nhiều doanh nghiệp cắt giảm sản lượng sản xuất linh phụ kiện trong năm 2023. Ảnh: Lê Vũ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2023, trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện & phụ tùng ô tô đạt 999 triệu USD, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng này từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Ấn Độ.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, có đến 35/45 nhóm hàng xuất khẩu chính tăng trưởng âm, chiếm 83,1% giá trị xuất khẩu. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm mạnh, ước đạt 67,5 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, nhóm sản phẩm vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,8 tỷ USD, giảm 10,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,7 tỷ USD, giảm 3,7%.

Nhiều chuyên gia nhận định, với kết quả này, công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung không còn đóng vai trò là nhóm ngành dẫn dắt tăng tưởng của nền kinh tế. Nguyên nhân chính đến từ sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, kéo theo những quyết định điều hành kinh tế vĩ mô của các quốc gia như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc theo hướng thắt chặt chi tiêu khiến lực cầu của thị trường giảm mạnh. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho sản xuất và lãi suất cho vay neo ở mức cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn Hồng Phong, CEO Công ty TNHH dụng cụ An Mi (An Mi Tools), một trong những doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực chế tạo chính xác cho biết: “Từ đầu năm đến nay, khoảng 30% khách hàng của chúng tôi đã giảm sản lượng định mức xuống 50% so với trước đây; 30% khách hàng giảm sản lượng xuống 20-30%; lượng khách hàng còn lại vẫn giữ nguyên hoặc chỉ tăng nhẹ sản lượng”.

Điều tương tự cũng xảy ra tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quý 1 năm nay. Giá nguyên liệu, nhiên liệu của nhiều ngành sản xuất công nghiệp tăng và giữ ở mức cao khiến nhiều khách hàng trong nước và quốc tế cắt giảm số lượng đơn hàng mới.

Khó khăn trong tiếp cận vốn vay

Thiếu vốn, doanh nghiệp
Thiếu vốn, doanh nghiệp "ngại" đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ cao. Ảnh: Lê Vũ.

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho thấy, hiện nay, trên 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của cả nước nói chung vẫn đang sử dụng thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% doanh nghiệp sử dụng thiết bị bán tự động, còn lại 10% doanh nghiệp sử dụng thiết bị tự động hoá và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Một trong những lý do doanh nghiệp CNHT Việt Nam khó tham gia vào chuỗi cung ứng của các hãng xe lớn trên thế giới đến từ hạn chế về máy móc, thiết bị tự động hóa, sử dụng công nghệ cao. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như các sản phẩm gia công, cắt, gọt, chi tiết nhựa, mặc dù có chất lượng tốt và giá cạnh tranh nhưng lại không sản xuất được quy mô số lượng lớn nên không hội tụ đủ điều kiện hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo đại diện An Mi Tools, khi sản phẩm của một doanh nghiệp nhỏ có tính cạnh tranh, được khách hàng đón nhận, việc thiết lập cơ chế thanh toán bình thường thì khó khăn về vốn đầu tư không phải vấn đề lớn. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp muốn đầu tư một dây chuyền mới hoàn toàn thì các ngân hàng sẽ dè dặt hơn.

“Công ty chúng tôi hàng năm vẫn đầu tư mới khoảng 5-7 triệu USD nên sẽ vẫn cần vốn. May mắn là chúng tôi có quan hệ hợp tác tốt với một số tổ chức tín dụng lớn nên việc giải ngân vốn vay không quá phức tạp. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập hoặc mới chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh sẽ phải chứng minh được năng lực và kỳ vọng tăng trưởng tốt, kèm theo tài sản đảm bảo.

Quỹ đất cho công nghiệp thì cũng dần giảm. Nếu so sánh tiềm lực kinh tế thì doanh nghiệp FDI sẽ dễ vào khu công nghiệp, có đến 95% doanh nghiệp VIệt Nam không đủ điều kiện vào các khu công nghiệp. Trong ngành công nghiệp ô tô, chúng tôi tham gia toàn bộ công đoạn sản xuất cho các linh kiện của nhiều đối tác, chiếm hơn 50% doanh nghiệp FDI Nhật, 20% là Hàn và các nước. Còn lại 30% là doanh nghiệp Việt Nam", ông Phong cho biết thêm.

Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết thì cho hay, việc tiếp cận vốn vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn do nhiều thủ tục liên quan đến tài sản bảo đảm... Để đầu tư cho việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cấp công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đòi hỏi thời gian kéo dài, trong khi thị trường ảm đạm, mọi lợi nhuận có được trong thời điểm này chỉ đang tạm giúp doanh nghiệp ổn định trở lại, duy trì, giữ chân người lao động và khách hàng.

Tin vui là lãi suất cho vay đã có dấu hiệu tạo đỉnh (theo VCBS). Mặc dù vậy, mức giảm chậm hơn lãi suất huy động do độ trễ chính sách và có mức độ tập trung cao vào một số doanh nghiệp ngành nghề ưu tiên. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp cũng sẽ được ưu tiên vay vốn lãi suất ưu đãi. Các chính sách hỗ trợ cụ thể sẽ có thể xuất hiện ngay trong quý 2 này.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2023 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy sản xuất công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy đang phục hồi nhẹ.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn

Cần thêm nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Lê Vũ
Cần thêm nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Lê Vũ.

Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị quyết 115/NQ-CP năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, các bộ luật có liên quan như Luật đầu tư, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, luật về thuế cũng có quy định chính sách, tạo điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngày 11/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2022/QĐ-TTg về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định thư (sửa đổi lần 2) giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định này được xây dựng nhằm triển khai cam kết quốc tế của Việt Nam với Belarus về thực hiện cơ chế nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với phương tiện vận tải có động cơ và bộ phụ tùng và linh kiện trong khuôn khổ thuế quan được minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, Quyết định này hỗ trợ cho mục tiêu là huy động sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, lắp ráp các loại xe ô tô, đặc biệt là việc tham gia cung cấp các sản phẩm phụ tùng linh kiện theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Ngày 17/04 vừa qua, Chính phủ đã có văn bản đồng ý đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đến hết năm 2023 của Bộ Tài Chính. Bộ Tài Chính đang gấp rút chuẩn bị ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang được hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ tư vấn và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP với mức hỗ trợ lên đến 50% giá trị hợp đồng.

Các chuyên gia cho rằng, cùng với các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tín dụng, đào tạo nhân lực, đầu ra cho sản phẩm, Chính phủ và các Bộ, ngành cần quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong nước với chi phí, chính sách hợp lý. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả và có chiều sâu, giúp kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.