Vì sao chính sách tài chính cho ngành ô tô ở Việt Nam chưa hấp dẫn?
Khó hoàn thành các mục tiêu đã đề ra
Theo Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về dung lượng thị trường, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 466.400 chiếc, chiếm ~70% nhu cầu nội địa. Theo đó, trong năm 2022, Việt Nam đã tiến sát ngưỡng mục tiêu này khi tổng số ô tô xuất xưởng đạt 439.600 xe, tăng 14,9% so với năm 2021, chiếm 71,3% sản lượng toàn thị trường. Tuy nhiên, trong năm 2023, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, thị trường ô tô Việt Nam lao dốc. Lũy kế 11 tháng, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 308.600 chiếc, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ xác định đây là ngành công nghiệp quan trọng, có vai trò tương hỗ với nhiều ngành công nghiệp khác, trong đó có ô tô. Chính phủ đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Việt Nam bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ; tỷ lệ giá trị sản xuất, chế tạo trong nước đối với xe đến 9 chỗ ngồi đạt 40-45%, xe tải đạt 45-55%. Hiện tại, THACO và VinFast là hai nhà sản xuất ô tô đã cơ bản đạt được các tiêu chí này. Đa số các doanh nghiệp khác vẫn dừng lại ở góc độ nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, hoặc sản xuất những sản phẩm phụ trợ chiếm tỷ lệ giá trị thấp như sản phẩm từ nhựa, cao su, gia công, ép, giập tạo khuôn...
Về xuất khẩu, Chính phủ đặt mục tiêu khá tham vọng với tổng lượng xe xuất khẩu đạt ~20.000 chiếc vào năm 2020, ~37.000 chiếc vào năm 2025; giá trị xuất khẩu linh kiện, phụ tùng tương ứng đạt từ 4-5 tỷ USD. Tuy nhiên, con số mà các doanh nghiệp Việt đạt được khá khiêm tốn. Năm 2022, THACO xuất khẩu hơn 1.000 ô tô các loại, trong đó tập trung các loại xe ô tô con và sơmi rơ moóc. Cuối năm 2022, VinFast xuất khẩu 999 xe VF 8 sang Mỹ, đến giữa tháng 4/2023 tiếp tục xuất khẩu lô VF 8 thứ hai với số lượng 1.879 chiếc sang Mỹ và Canada.
Như vậy, cách đây gần 10 năm, Chính phủ đã đặt ra kỳ vọng lớn vào ngành công nghiệp ô tô của nước nhà, với định hướng chung là ưu tiên ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Mặc dù vậy, kết quả mà các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đạt được còn thấp so với mục tiêu đã đề ra và chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường.
Những rào cản pháp lý và thiếu cơ chế hỗ trợ phù hợp
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô trên thế giới đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công là đi từ lắp ráp đến sản xuất linh kiện và gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, cuối cùng trở thành các trung tâm sản xuất quy mô lớn. Nếu có các chính sách ưu đãi hợp lý, đặc biệt là ưu đãi về thuế, chắc chắn ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển và mục tiêu xuất khẩu sẽ ngày càng gần.
Mặc dù vậy, trong nhiều năm, ô tô vẫn luôn được xác định là mặt hàng xa xỉ, không được ưu đãi tiêu dùng. Tổ chức, doanh nghiệp và người dân phải mua ô tô nhập khẩu với hàng loạt thuế, phí đi kèm, khiến tổng chi phí để một chiếc xe lăn bánh đắt gấp đôi, gấp ba lần so với giá bán tại các quốc gia phát triển, trong khi thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam lại thấp hơn rất nhiều. Đó là một thực tế.
Hiện tại, đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam sẽ phải “gồng gánh” nhiều khoản thuế. Trong đó, thuế nhập khẩu với xe nhập khẩu từ khu vực khác như Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang phải chịu mức thuế nhập khẩu từ 56% -74%. Riêng khu vực Đông Nam Á, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA), có hiệu lực từ 1/1/2018, mức thuế nhập khẩu ô tô là 0% đối với xe nhập từ các quốc gia trong khối ASEAN. Điều kiện với xe có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên. Đây là lý do chính khiến lượng xe nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là từ Thái Lan, Indonesia. Đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước không chịu thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc, nhưng vẫn chịu thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng.
Bên cạnh đó, cả xe nhập khẩu và xe nội địa đều chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Đối tượng chịu thuế bao gồm: xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng. Khác với nhiều quốc gia, thuế TTĐB đối với ô tô không được tính theo giá trị xe mà được tính theo dung tích xi lanh. Trong đó, xe dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống được áp thuế suất thuế TTĐB là 40%, trong khi xe dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3 áp thuế suất lên đến 150%. Bộ Tài chính giải thích, việc áp thuế cao đối với xe có dung tích xi lanh lớn là phù hợp với định hướng tại Quyết định 1168, đó là tập trung vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân.
Ngoài ra, tương tự các mặt hàng khác, ô tô cũng là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Mặc dù vậy, khi Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế VAT từ 01/7/2023 đến 31/12/2023, và tiếp tục gia hạn từ 01/1/2024 đến 30/6/2024 thì có những mặt hàng không được giảm thuế, trong đó có ô tô dưới 24 chỗ ngồi do nằm trong danh mục hàng hóa chịu thuế TTĐB theo quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi 2014) và Nghị định 108/2015/NĐ-CP.
Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có 2 chính sách ưu đãi đáng chú ý nhất đang được áp dụng. Một là, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng từ 01/7/2023 đến 31/12/2023. Hai là, chính sách giảm thuế TTĐB đối với ô tô điện chạy pin (ô tô “thuần” điện). Theo đó, ô tô điện chạy pin loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống đang từ mức chịu thuế TTĐB 15% được giảm xuống 3% từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/02/2027; từ ngày 1/3/2027 là 11%.
Bộ Tài chính cho biết, chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đã tác động tích cực đến toàn thị trường, kích thích tiêu dùng và sản xuất - kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, điều này cũng đã khiến một số khoản thu tiến độ đạt thấp so dự toán và giảm so cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023 thu NSNN ước đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán. Trong đó, riêng chính sách giảm lệ phí trước bạ theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP đã góp phần làm giảm thu ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng.
Do đó, mặc dù đã có nhiều kiến nghị, đề xuất tốt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, nhưng chưa thể áp dụng do ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, nhà nước phải ưu tiên nguồn lực cho các chương trình an sinh xã hội hỗ trợ người nghèo.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, không hẳn vì lý do ngân sách eo hẹp nên đề xuất nào cũng bị bác bỏ. Các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp khi đưa ra đề xuất cũng nên xây dựng một lộ trình áp dụng cụ thể, kèm theo báo cáo đánh giá tác động khi thực hiện chính sách ưu đãi đối với ngành ô tô. Khi có đủ căn cứ và những luận điểm đủ sức thuyết phục thì việc dành thêm nguồn lực tài chính từ ngân sách cho ngành công nghiệp này sẽ trở nên khả thi hơn.