Xe hạng A dần đuối sức, mất chỗ đứng tại thị trường Việt

Lê Vũ
Cách đây 5 năm, xe hạng A từng là phân khúc được coi như "quá trứng vàng” cho các hãng xe hơi khi một số mẫu đạt doanh số ấn tượng, trên dưới 20.000 chiếc/năm. Tuy nhiên, vị thế của dòng xe này đang ngày càng lung lay trước thị trường cạnh tranh khốc liệt, sự nở rộ của các phân khúc mới và yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng.
Hyundai Grand i10, được đánh giá là mẫu xe có doanh số cao và ổn định nhất phân khúc, vẫn không thoát khỏi xu hướng sụt giảm. Ảnh: TC Motor
Hyundai Grand i10, được đánh giá là mẫu xe có doanh số cao và ổn định nhất phân khúc, vẫn không thoát khỏi xu hướng sụt giảm. Ảnh: TC Motor.

Giai đoạn 2015-2019, thị trường bất động sản tại Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển thăng hoa nhất. Các khoản đầu tư liên tục sinh lời, đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao. Đây là thời điểm nhiều người có tiền nhàn rỗi, bắt đầu có nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ, và ô tô là một trong những lựa chọn không thể thiếu. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, những mẫu xe hạng sang vẫn là mơ ước của số đông, khi giá trị mỗi chiếc tương đương vài lô đất. Ngược lại, các mẫu xe cỡ nhỏ giá rẻ thuộc phân khúc hạng A được nhiều người tìm đến.

Tại thời điểm ra mắt phiên bản mới tại thị trường Việt Nam, Hyundai Grand i10 là mẫu xe đầu tiên và duy nhất trong phân khúc sở hữu tính năng quan trọng là hệ thống kiểm soát hành trình (cruise control). Cùng với sự xuất hiện của Kia New Morning, đây là hai mẫu xe “quốc dân” đã giúp ô tô đến gần hơn với các gia đình Việt với mức giá chỉ từ 340-370 triệu đồng đối với xe mới, khoảng 250 triệu đồng đối với xe đã qua sử dụng, cùng với hệ thống gara rộng khắp, nguồn linh kiện thay thế sẵn có. Các mẫu xe hạng A được đánh giá phù hợp nhất đối với các gia đình nhỏ tại trung tâm đô thị, vùng ven đô và đặc biệt là các hãng kinh doanh taxi.

Năm 2016, doanh số Hyundai Grand i10 đạt đỉnh 22.258 xe (chiếm 64,7% tổng doanh số xe Hyundai tại Việt Nam), Kia Morning đạt 14.872 xe, thuộc top đầu doanh số ô tô bán chạy nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó, doanh số hai mẫu xe này bắt đầu giảm dần đều trước sự xuất hiện của các mẫu xe mới trong phân khúc hạng A và hạng B.

Sự xuất hiện và ra đi chóng vánh của VinFast Fadil khiến nhiều người tiếc nuối. Ảnh: VinFast
Sự xuất hiện và ra đi chóng vánh của VinFast Fadil khiến nhiều người tiếc nuối. Ảnh: VinFast.

Tháng 6/2019, VinFast ra mắt Fadil để cạnh tranh trong phân khúc xe hạng A. Dù có giá cao hơn so với Hyundai Grand i10, Kia Morning, Fadil vẫn thu hút sự quan tâm lớn của khách hàng nhờ những trang bị hiện đại như đèn hậu LED, điều hòa tự động, một số tính năng an toàn chỉ xuất hiện trên các mẫu xe hạng B trở lên (hệ thống kiểm soát lực kéo, chống lật xe, 6 túi khí...), đặc biệt là động cơ mạnh mẽ hơn hẳn các mẫu xe còn lại. Điều này đã được minh chứng khi báo cáo doanh số ô tô năm 2020 được công bố: VinFast Fadil (18.016 xe), Hyundai Grand i10 (17.569 xe), Kia Morning (6.228 xe), Honda Brio (2.906 xe), Toyota Wigo (2.561 xe). Riêng Suzuki Celerio được chính thức phân phối từ đầu năm 2018, nhưng với tình hình kinh doanh không khả quan nên đã rời khỏi thị trường từ tháng 5/2020.

Năm 2021, VinFast Fadil lọt top 1 ô tô bán chạy nhất của năm với 24.128 xe được bán ra, trong khi Hyundai Grand i10 và Kia Morning trượt khỏi top 10. Thậm chí, ngay cả khi VinFast thông báo dừng sản xuất xe xăng để chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện kể từ năm 2022 thì lượng xe Fadil còn lại vẫn bán được 10.661 chiếc (tính đến tháng 7/2022). Trong khi đó, Hyundai Grand i10 chỉ đạt doanh số cả năm nhỉnh hơn một chút là 10.752 xe, còn Kia Morning thậm chí còn “ế ẩm” hơn khi chỉ bán được 3.979 xe. Cũng trong năm 2022, ngoại trừ sự ra đi đáng tiếc của Fadil, Toyota Wigo và Honda Brio cũng lần lượt rời khỏi thị trường do áp lực cạnh tranh và không đáp ứng được tiêu chuẩn Euro 5 theo quy định mới của Việt Nam.

Toyota Wigo trở lại thị trường Việt và
Toyota Wigo trở lại thị trường Việt và "lợi hại" hơn xưa. Ảnh: Toyota Việt Nam

Như vậy, kể từ đầu năm 2023, phân khúc xe hạng A tại Việt Nam chỉ còn hai đại diện quen thuộc là Hyundai Grand i10 và Kia Morning. Dù không còn đối thủ mạnh như Fadil, sức hút của dòng xe hạng A đã giảm nhiều so với cách đây 5 năm. Đến tháng 6/2023, Toyota Wigo trở lại Việt Nam một lần nữa với màn “lột xác” về thiết kế, đi kèm những trang bị hợp thời hơn như đèn pha LED, khoang nội thất rộng rãi, tích hợp kết nối thông minh, cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang v.v...

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lũy kế đến tháng 10/2023, doanh số Hyundai Grand i10 đạt 6.057 xe, Kia Morning đạt 1.221 xe, riêng Toyota Wigo đạt 1.217 xe chỉ trong vòng 5 tháng.

Như vậy, sau 8 năm, phân khúc xe hạng A từng có 6 mẫu xe, nay chỉ còn 3 mẫu xe còn bày bán; tổng doanh số từ trên 45.000 xe (năm 2021), nay chỉ còn 8.495 xe (10 tháng năm 2023). Con số này thấp hơn nhiều so với phân khúc SUV hạng B (19.170 xe) hay sedan hạng B (37.598 xe). Điều này cho thấy, người tiêu dùng đang có một sự chuyển dịch rõ nét từ các mẫu xe giá rẻ sang các mẫu xe có nhiều tính năng hiện đại hơn và không quá đắt đỏ. Các hãng vận tải lớn cũng đang có xu hướng sử dụng hết vòng đời của những chiếc xe cũ để lên đời xe mới thuộc phân khúc hạng B, thậm chí tính đến việc chuyển đổi sang xe điện.

Tin mới

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua quá trình chuyển đổi triệt để và công nghệ blockchain có tiềm năng mang lại hiệu quả và tăng cường tạo ra giá trị trên toàn bộ ngành, từ sản xuất ô tô đường trường tại nhà máy đến siêu xe thể thao cao cấp.