Thị trường carbon trong lĩnh vực GTVT: Tiềm năng nhưng chưa được đánh giá đúng bản chất
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, tín chỉ carbon đang là một “mỏ vàng” chưa được khai phá dành cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô, xe máy. Tuy nhiên, do có sự nhầm lẫn giữa các khái niệm trong thị trường carbon và thiếu cơ chế, quy định cụ thể, doanh nghiệp Việt vẫn gặp nhiều khó khăn khi giao dịch tín chỉ carbon theo các cơ chế đã được quy định. Các chuyên gia lo ngại, nếu càng chậm trễ, Việt Nam sẽ càng lỡ cơ hội khai thác tiềm năng giá trị hàng tỉ USD của thị trường này.
Những hiểu lầm về thị trường carbon
Theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozone, thị trường carbon bao gồm hệ thống trao đổi hạn ngạch (ETS) và hệ thống trao đổi tín chỉ carbon. Về bản chất, thị trường carbon là cơ chế thị trường cho phép trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon, cung cấp một cách linh hoạt để giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả nhất về chi phí, mang lại doanh thu bổ sung cho các hoạt động giảm phát thải. Trong đó, tín chỉ carbon đại diện cho hành động giảm, loại bỏ hoặc tránh 1 tấn CO2tđ (CO2e) phát thải khí nhà kính thông qua việc triển khai các hoạt động của một dự án carbon. Trong các cuộc thảo luận vài năm gần đây, cộng đồng quốc tế đã thống nhất rằng người phát thải carbon sẽ phải chi trả cho việc phát thải của mình. Điều này sẽ tạo tiền đề để định giá carbon, từ đó tạo ra thị trường carbon mà các bên có thể trao đổi được.
Một nghiên cứu của Công ty cổ phần quản lý PoA Carbon Việt Nam (PoA Carbon) gần đây cho thấy nhiều người đang có sự nhầm lẫn giữa trao đổi hạn ngạch (ETS) và trao đổi tín chỉ carbon. Cụ thể, giá ETS trung bình của châu Âu năm 2023 là 90 USD, giá ETS tại thị trường thứ cấp là 90,25 USD (theo báo cáo của ICAP). Trong khi đó, giá tín chỉ carbon tại Việt Nam đang dao động từ 5-35 USD. Đây là mức giá dựa trên sự thỏa thuận theo dự án và hợp đồng giữa cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức quốc tế.
Việc nhầm lẫn giữa hai khái niệm đã khiến nhiều người cho rằng giá tín chỉ carbon ở Việt Nam đang quá thấp, không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Trên thực tế, giá tín chỉ carbon ở mỗi ngành, lĩnh vực khác nhau sẽ khác nhau. Thậm chí, cùng một ngành, lĩnh vực cụ thể, giá tín chỉ carbon cũng thay đổi tùy thuộc vào thời điểm giao dịch và cơ chế thỏa thuận giữa các bên. Thông thường, với những ngành, lĩnh vực có hàm lượng chất xám càng cao thì giá tín chỉ carbon cũng càng cao.
Cũng theo PoA Carbon, Việt Nam hiện có nhiều dự án tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải, bao gồm: sử dụng điện mặt trời, trạm sạc xe điện, sử dụng phương tiện giảm phát thải (Hybrid, Plug-in Hybrid), phương tiện không phát thải (xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sinh học), chuyển đổi phương vận tải hàng hóa, hành khách sang xe “xanh”... Sản phẩm tín chỉ carbon từ các dự án có thể trao đổi tại thị trường trong nước, thị trường tự nguyện và thị trường tuân thủ quốc tế. Trong đó, thị trường trong nước và thị trường tự nguyện sẽ đóng góp trực tiếp vào NDC Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
“Một doanh nghiệp chỉ có thể trở thành doanh nghiệp “xanh” (Net Zero) đúng nghĩa khi cả sản phẩm cuối cùng và toàn bộ quy trình sản xuất, hoạt động phải đảm bảo không phát thải. Ví dụ, đa số doanh nghiệp hiện nay vẫn phải sử dụng điện lưới, vốn được sản xuất từ nhiều nguồn, trong đó có nhiệt điện than. Như vậy, để tuyên bố Net Zero, doanh nghiệp đó vẫn phải mua tín chỉ carbon để bù trừ cho lượng phát thải của mình. Do đó, tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon trong thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa xây dựng phương pháp luận cho các dự án tín chỉ trong nước”, bà Đặng Hồng Hạnh, CEO PoA Carbon chia sẻ.
Giao thông phát thải thấp là “vùng đệm” hướng tới Net Zero
Mặc dù xe điện (bao gồm cả ô tô điện, xe buýt điện, xe máy điện, xe đạp điện, xe điện tại các khu vui chơi, nhà hàng, khách sạn, sân golf...) được coi là phương tiện giao thông không phát thải, nhưng trên thực tế xe điện vẫn phát thải từ việc sử dụng điện để sạc vào pin. Tuy nhiên, lượng phát thải này thấp hơn rất nhiều lần so với việc sử dụng xe dùng động cơ đốt trong truyền thống. Việc giảm phát thải ra môi trường từ sản phẩm đầu cuối hoàn toàn có thể bù trừ cho lượng phát thải từ việc sử dụng điện, đồng thời tạo ra tín chỉ carbon dôi dư để có thể bán ra bên ngoài, tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Các nhà sản xuất ô tô, xe máy đều thấy rõ tiềm năng từ thị trường tín chỉ carbon, nhưng đang thiếu người tiên phong, dẫn dắt.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra hồi tháng 4, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết tập đoàn đang thành lập tổ công tác để thúc đẩy bán chứng chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác. Điều này sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho VinFast trong tương lai, tương tự cách mà Tesla đã kiếm được gần 9 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2023. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kế hoạch và đến thời điểm hiện tại, Vingroup chưa cập nhật thông tin chính thức nào về việc bán chứng chỉ carbon tại Việt Nam.
Trong khi đó, Công ty CP Phương tiện điện thông minh Selex (Selex Motors) cho biết họ đang tích cực triển khai Dự án Xe máy điện thông minh Selex theo Tiêu chuẩn vàng. Đây là một trong ba dự án tín chỉ carbon điển hình trong ngành GTVT tại châu Á và là dự án đầu tiên tại Việt Nam đã hoàn thành phương pháp luận và ghi nhận kết quả bước đầu.
Theo kế hoạch, tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính của hoạt động dự án dự kiến là 197.467 tấn CO2tđ cho giai đoạn tín dụng 5 năm (2024-2028), trung bình mỗi năm dự kiến đạt 39.493 tấn CO2tđ. Dự án được tài trợ bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM với tổng lượng xe dự kiến khoảng 90.000 chiếc. Chỉ sau gần 1 tháng chính thức triển khai dự án, với 855 xe hoạt động được thu thập dữ liệu đã góp phần giảm 8 tấn CO2 ra môi trường, tương đương việc trồng mới 504 cây xanh. Dự kiến, Selex Motors sẽ ban hành tín chỉ carbon ngay trong năm 2025.
Điểm đặc biệt của Selex Motors là dịch vụ đổi pin. Thay vì sạc pin tại nhà hoặc tại các trạm sạc công cộng như các thương hiệu khác, khách hàng của Selex Motors chỉ cần đến trạm để trao đổi pin. Điểm ưu việt của dịch vụ này là giúp tiết giảm thời gian chờ xuống còn 1-2 phút, trong khi chờ sạc pin mất từ 6-8 tiếng, chờ đổ xăng từ 2-3 phút (không tính thời gian xếp hàng). Bên cạnh đó, với dịch vụ đổi pin, người dùng không phải lo lắng chuyện pin bị chai, bị hỏng sau một thời gian dài sử dụng và phải tốn chi phí mua pin mới.
Về phía Dự án, dịch vụ đổi pin giúp Selex Motors chủ động hoàn toàn trong vấn đề sạc pin. Công ty này cho biết đã có kế hoạch sạc pin hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời để nhanh chóng đưa phát thải của Dự án về bằng 0 trong thời gian tới.
Ông Vũ Thái Trường, Quyền Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam, cho biết đây là một trong những dự án tín chỉ carbon đầu tiên cho xe điện 2 bánh trên thế giới.
“Dự án thí điểm tín chỉ carbon từ xe máy điện là một nỗ lực bước đầu nhằm đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam. Dự án này không chỉ giúp kiểm nghiệm thực tế mà còn tạo ra những bài học kinh nghiệm hữu ích để tiếp tục phát triển các sáng kiến tương tự trong tương lai”, ông Trường nói.
Cần cơ chế, hành lang pháp lý cho tín chỉ carbon
Theo lộ trình, Việt Nam dự kiến thí điểm thị trường carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam còn thiếu hệ sinh thái, cơ sở pháp lý về tín chỉ carbon để doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, việc đầu tiên cần xác định tín chỉ carbon sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, doanh nghiệp hay người dân. Cần có hành lang pháp lý rõ ràng về quyền, trách nhiệm của từng bên để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Theo PoA Carbon, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành phương pháp luận cho các dự án tín chỉ trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Việc xây dựng phương pháp luận có thể vận dụng, kế thừa từ những phương pháp luận đã và đang được cộng đồng quốc tế thừa nhận và áp dụng chung.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần mở rộng tham gia các nội dung liên quan đến tín chỉ carbon được quy định trong các điều ước quốc tế, kết nối song phương, đa phương về cơ chế trao đổi tín chỉ carbon. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra tín chỉ carbon có thể thuận lợi trao đổi trong và ngoài nước, hướng đến trao đổi hạn ngạch (ETS) với giá trị cao hơn.
Khi đã có hệ sinh thái và hành lang pháp lý hoàn chỉnh, rõ ràng và cụ thể, doanh nghiệp mới có niềm tin đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, đầu tư công nghệ mới, tạo ra tín chỉ carbon để trao đổi, bù trừ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ tạo nên cơ chế hợp tác bền chặt giữa các doanh nghiệp trong ngành, chung tay giảm phát thải trên phạm vi quốc gia.
“Cần có chính sách đồng bộ, cụ thể và quyết liệt hơn nữa liên quan đến tín chỉ carbon để doanh nghiệp tham gia thực hiện. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Chính phủ cần đưa ra các mục tiêu cụ thể hơn theo lộ trình về chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính ở cả góc độ tiêu dùng và sản xuất để khuyến khích người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sang xe xanh. Khi đã hội tụ đủ các yếu tố khuyến khích xe xanh phát triển thì thị trường tín chỉ carbon sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ”, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, đồng sáng lập, CEO Selex Motors chia sẻ.