Elon Musk bất ngờ “quay xe” chỉ trích mức thuế của Mỹ đối với xe điện Trung Quốc
Đáng chú ý là Elon Musk trước đây ủng hộ các rào cản thương mại nhưng ông đã thay đổi quan điểm vào thứ Năm trong lần xuất hiện trong một cuộc gọi video tại hội nghị công nghệ Paris.
Elon Musk cho biết ông không tán thành mức thuế mới của Mỹ. “Cả Tesla và tôi đều không yêu cầu những mức thuế này. Trên thực tế, tôi đã rất ngạc nhiên khi chúng được công bố. Những điều ngăn cản tự do trao đổi hoặc bóp méo thị trường là không tốt”.
Vào tháng 1/2024, Musk lên tiếng cho rằng cần phải có các rào cản thương mại nếu không Trung Quốc sẽ “đánh sập hầu hết các công ty ô tô khác trên thế giới”. Hiệu quả tài chính của Tesla đã bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất Trung Quốc, bao gồm cả áp lực giảm giá. Tháng trước, Tesla đã giành lại danh hiệu nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới từ tay đối thủ BYD của Trung Quốc, dựa trên doanh số bán xe trong quý đầu tiên.
Phát biểu tại hội nghị mới nhất, Musk đã phản bác lại những bình luận của chính mình vào tháng Giêng. Ông nói Tesla đã cạnh tranh “khá tốt” tại thị trường trọng điểm Trung Quốc mà không bị áp thuế. Tuần này, một tập đoàn thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang xem xét các mức thuế trả đũa đối với ô tô chạy bằng xăng.
Hiện các hãng xe không phải của Trung Quốc đang chật vật cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc. Các thương hiệu nước ngoài như Volkswagen và Nissan chậm chuyển sang xe điện, tạo điều kiện cho các công ty địa phương chiếm thị phần. Trong khi đó, các công ty của Trung Quốc, như BYD và những mẫu xe giá siêu phải chăng của họ, đang đe dọa đánh bại các nhà sản xuất ô tô truyền thống tại các thị trường như Châu Âu và Đông Nam Á.
Musk không nghĩ Tesla cần sự giúp đỡ của chính phủ để tồn tại. Theo Musk “Tesla cạnh tranh khá tốt trên thị trường Trung Quốc mà không có thuế quan và không có hỗ trợ. Do đó, tôi ủng hộ việc không có thuế quan”.
Tesla đang là nhà bán “xe năng lượng mới” lớn thứ hai tại Trung Quốc, chỉ sau BYD.
Các chính phủ phương Tây đã xem xét kỹ lưỡng xe điện do Trung Quốc sản xuất trong những tháng gần đây khi cáo buộc Bắc Kinh thúc đẩy tình trạng “dư thừa công suất”, với quan điểm cho rằng chính phủ Trung Quốc, thông qua trợ cấp, đang khuyến khích các công ty sản xuất nhiều hơn những gì thị trường trong nước có thể tiêu thụ và bán lượng dư thừa ra nước ngoài với mức giá thấp hơn.
Trung Quốc cũng đã tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” đợt thuế quan mới nhất của Mỹ, vốn cũng đánh vào các hàng hóa như chất bán dẫn và sản phẩm y tế, đồng thời cam kết sẽ hành động. Ngay sau khi chính quyền Biden công bố mức thuế mới, Bắc Kinh đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với chất polyformaldehyde, một sản phẩm hóa học, từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Hóa chất này là một loại nhựa được sử dụng trong các thiết bị điện tử, phụ tùng ô tô và thiết bị y tế.
Liên minh châu Âu đang xem xét mức thuế bổ sung đối với xe điện của Trung Quốc, như một phần của cuộc điều tra chống trợ cấp được đưa ra vào tháng 10 năm ngoái. Một báo cáo tháng 4 từ công ty nghiên cứu Rhodium Group dự đoán EU sẽ áp dụng mức thuế trong khoảng 15% đến 30%.
Tuy nhiên, công ty nghiên cứu này cũng cảnh báo rằng các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn có thể tạo ra tỷ suất lợi nhuận thoải mái ở mức thuế đó. Mức thuế có thể cần phải lên tới 50% để thị trường châu Âu không còn hấp dẫn đối với các nhà sản xuất Trung Quốc.
Một báo cáo từ Global Times công bố mới đây cho thấy Trung Quốc có thể tăng thuế lên 25%, dẫn lời một chuyên gia từ cơ quan nghiên cứu ô tô trực thuộc chính phủ. Trung Quốc hiện áp dụng mức thuế nhập khẩu 15% đối với ô tô.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã phản đối những ý kiến cho rằng thành công của họ là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. William Li, người sáng lập công ty khởi nghiệp xe điện Nio của Trung Quốc, nói với Financial Times rằng những cáo buộc của châu Âu “vô nghĩa”. Các giám đốc điều hành của các công ty xe điện Trung Quốc như BYD và Great Wall Motor cũng bác bỏ lập luận về “dư thừa công suất” có chủ địch của phương Tây.