Chưa thêm phương án xử lý tài sản bất minh, "vẫn chống tham nhũng mạnh mẽ"
Sau khi bỏ phương án xử lý tài sản bất minh thì luật có còn thể hiện thái độ mạnh mẽ trong phòng chống tham nhũng hay không?
Chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) không có nghĩa là xem nhẹ mà vẫn thể hiện thái độ mạnh mẽ.
Đó là hồi âm từ Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ sáu ngay sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc, sáng 20/11.
Tại đây, khá nhiều câu hỏi thể hiện sự quan tâm đến Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua nhưng không có quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc đã được bàn thảo qua nhiều phiên họp của hai kỳ họp Quốc hội.
Sau khi bỏ phương án xử lý tài sản bất minh thì luật có còn thể hiện thái độ mạnh mẽ trong phòng chống tham nhũng hay không, phóng viên nêu câu hỏi.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết chưa bổ sung quy định đó cũng không có nghĩa là bất lực, buông xuôi. Bỏ nội dung này không có nghĩa là không xử lý mà vẫn xử lý tài sản bất minh, nếu phát hiện chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành, ông Cường nói.
Liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, công việc chỉ được tiến hành một lần một nhiệm kỳ, Phó tổng thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Quốc hội đã hoàn thành tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, chu đáo, trách nhiệm, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đã đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn và thể hiện rõ mức độ tín nhiệm của mình đối với từng chức danh; các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm đều có sự ghi nhận về mức độ cố gắng, đóng góp, cống hiến trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ.
Câu hỏi từ VnEcnonomy là vậy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo nhận được 137 phiếu tín nhiệm thấp (mà như nhận xét của một số vị đại biểu thì nói thẳng ra là không tín nhiệm) nhưng lại được 140 phiếu tín nhiệm cao thì điều đó có thể hiện sự khách quan, công tâm hay không?
Đó là quyền đại biểu thì biết làm sao được, so với các bộ trưởng khác thì mức tín nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo là thấp nhất rồi, giáo dục là ngành liên quan đến người dân, xảy ra nhiều thứ, như thế là đánh giá chính xác rồi, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trả lời.
Một vấn đề nữa cũng được đặt ra tại buổi họp báo liên quan đến tranh luận của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu Nguyễn Hữu Cầu về xử lý tin báo tố giác tội phạm tại phiên chất vấn. Sau đó Bộ Công an có văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội, vậy sự việc đến nay được xử lý thế nào, có gây sức ép lên đại biểu và vi phạm dân chủ không?
Trả lời, ông Phúc cho rằng số liệu của đại biểu Nhưỡng chưa chính xác.
Nhưng, ông Phúc cũng nhấn mạnh là rất tiếc khi đại biểu Nhưỡng chất vấn nếu Bộ trưởng Bộ Công an mà trả lời ngay thì rất bình thường, nhưng lại là một đại biểu khác (giám đốc công an một tỉnh - PV) đứng lên tranh luận.
Đại biểu thì tranh luận khi thảo luận, còn tại phiên chất vấn mà đại biểu trả lời thay cho bộ trưởng thì không phải, ông Phúc nói.
Tổng thư ký cũng cho biết, sau khi có văn bản của Bộ công an gửi cho đảng đoàn quốc hội thì đã chỉ đạo Ban Dân nguyện (nơi đại biểu Nhưỡng là Phó ban) đã mời các cơ quan liên quan trao đổi xem mức độ chính xác của thông tin đại biểu nêu đến mức nào và hai bên đã làm rõ.